Một số điều cần biết khi xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu giúp cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho chẩn đoán, đánh giá và theo dõi quá trình điều trị. Nhiều người đi khám sức khỏe thường băn khoăn không biết xét nghiệm máu nào thì cần nhịn ăn, xét nghiệm nào không cần nhịn ăn?

Có phải tất cả xét nghiệm máu phải nhịn ăn sáng?

Không phải tất cả các xét nghiệm máu đều yêu cầu phải nhịn ăn trước đó. Tuy nhiên, gần như hầu hết các xét nghiệm máu, bác sĩ yêu cầu phải nhịn ăn. Bởi nhịn ăn là yếu tố quyết định rất lớn đến mức độ chính xác của kết quả xét nghiệm máu. Do các vitamin, khoáng chất, chất béo, carbohydrate, protein,… có trong tất cả các thực phẩm và đồ uống có thể ảnh hưởng đến kết quả đo mức độ máu, làm mờ kết quả xét nghiệm.

Trên cơ sở các chỉ số có được từ kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ có thể chẩn đoán và phát hiện nhiều bệnh lý

Trên cơ sở các chỉ số có được từ kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ có thể chẩn đoán và phát hiện nhiều bệnh lý

Các xét nghiệm không cần nhịn ăn sáng: Xét nghiệm viêm gan; Xét nghiệm HIV; Xét nghiệm tìm giun sán; Xét nghiệm trong tầm soát, theo dõi điều trị ung thư; Xét nghiệm NIPT sàng lọc thai nhi trước sinh dành cho phụ nữ mang thai.

Các xét nghiệm máu cần phải nhịn ăn: Xét nghiệm đường huyết lúc đói; Xét nghiệm sắt; Xét nghiệm mỡ máu; Xét nghiệm đánh giá chức năng thận; Xét nghiệm khi làm test Helicobacter pylori C13 trong dạ dày…

Do mỗi loại xét nghiệm máu yêu cầu điều kiện máu khác nhau nên việc lấy thêm mẫu máu là bình thường. Đối với xét nghiệm máu tổng quát bác sĩ sẽ tiến hành lấy một ít máu trên người bệnh và mang đi làm xét nghiệm. Về cơ bản, xét nghiệm máu tổng quát thường bao gồm những xét nghiệm chính như: Xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm đường máu, xét nghiệm mỡ máu, xét nghiệm men gan, chức năng thận...

Xét nghiệm công thức máu nhằm xác định các chỉ số về số lượng hồng cầu, bạch cầu và các tế bào máu khác. Bên cạnh đó cũng cho chúng ta thấy các tính chất của các tế bào máu như: độ lớn, lượng hemoglobin… Qua đó, bác sĩ có thể phát hiện các bệnh về máu sớm như thiếu máu, nhiễm trùng, ung thư máu,…

Một số xét nghiệm yêu cầu người bệnh cần nhịn ăn từ 8 - 10 tiếng trước đó. Để tránh trường hợp nhịn ăn bị mệt mỏi và khó chịu, người bệnh cần cung cấp nhiều nước hơn khi nhịn ăn để cơ thể luôn đủ nước. Nước không làm ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm máu. Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân lấy máu xét nghiệm vào buổi sáng. Nguyên nhân là vì thời điểm đó cơ thể khá ổn định, các cơ quan sau một đêm nghỉ ngơi cũng đào thải các chất cặn bã trong máu ra ngoài. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng không cần phải nhịn ăn quá lâu.

Cần lưu ý gì trước khi xét nghiệm máu?

Trước khi lấy máu cần nghỉ ngơi, không làm quá sức, cảm xúc mạnh… do nồng độ glucose trong máu có thể tăng do cơ thể lúc đó cần nhiều năng lượng nên đẩy nhiều glucose vào máu hơn. Vì vậy, trước khi xét nghiệm máu nên nghỉ ngơi trước khi lấy máu xét nghiệm 10 phút. Cần tránh làm những công việc nặng, tránh làm cơ thể mệt. Không sử dụng chất kích thích trong 24h trước khi xét nghiệm: Bia, rượu hay đồ uống có cồn làm tăng men gan, ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu.

Không uống cà phê, hút thuốc trước khi xét nghiệm máu. Uống cà phê hoặc các loại đồ uống có chứa caffein khác ví dụ như đồ uống năng lượng hoặc cola trong vòng 1 giờ trước khi tiến hành xét nghiệm máu có thể sẽ làm một số kết quả xét nghiệm máu cao hơn mức bình thường.

Việc hút thuốc lá hoặc dùng bất kỳ loại thuốc gì ngay cả các loại thuốc nhỏ mũi không kê đơn trước khi xét nghiệm máu cũng có thể đem lại kết quả không chính xác. Ngoài ra, cũng nên kiêng đồ ngọt, thức ăn giàu chất béo và tránh không nên ăn quá nhiều trước ngày đi xét nghiệm bởi tất cả những việc này đều có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm triglyceride.

Có thể uống nước trước khi xét nghiệm máu, trừ khi được bác sĩ chỉ định khác. Nước đun sôi để nguội hoặc nước đóng chai đều được, nhưng không nên vắt chanh vào nước. Không nên uống nước có ga, có hương vị hay các loại khác, kể cả trà. Nước làm cho tĩnh mạch căng hơn, dễ nhìn thấy hơn khi lấy máu xét nghiệm.

Sau khi xét nghiệm máu, nên nghỉ ngơi trong vài phút để tránh chói mắt hoặc chói tai. Điều này đặc biệt quan trọng nếu có xuất huyết nhẹ sau khi lấy mẫu máu. Và sau khi hoàn thành xét nghiệm máu, hãy theo dõi tình trạng của mình. Nếu có bất kỳ vấn đề gì, như sưng, đỏ, đau hoặc xuất huyết nhiều, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc nhân viên y tế ngay lập tức.

Trúc Linh (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/mot-so-dieu-can-biet-khi-xet-nghiem-mau-post585696.antd