Một số điều cần biết về cuộc đảo chính ở Myanmar

Quân đội Myanmar đã lật đổ chính phủ dân chủ trong một cuộc đảo chính hôm thứ Hai (1/2), bắt giữ các lãnh đạo dân sự, tắt Internet, cắt các chuyến bay và ban bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 1 năm.

Người dân giơ ảnh và biểu ngữ ủng hộ bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: NYT

Bài liên quan

Thế giới lên án cuộc đảo chính của quân đội Myanmar

Toàn văn tuyên bố của quân đội Myanmar về tình trạng khẩn cấp

Lãnh đạo Myanmar, Tổng thống, thành viên cao cấp Đảng cầm quyền bị bắt sáng nay

Cuộc đảo chính đã đưa đất nước này trở lại chế độ quân sự hoàn toàn sau 10 năm dưới sự lãnh đạo của chính phủ dân chủ. Quân đội đã nắm quyền tại Myanmar từ năm 1962, thực hiện bầu cử quốc hội và nhiều cải cách khác.

Tuần này, Quốc hội dự kiến tổ chức phiên họp đầu tiên kể từ sau cuộc bầu cử ngày 8/11 gây tranh cãi vừa qua. Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đảng dân sự hàng đầu của đất nước, đã giành được 83% số ghế trong cuộc bầu cử này.

Tuy nhiên, quân đội từ chối chấp nhận kết quả cuộc bỏ phiếu, vốn được coi là cuộc trưng cầu dân ý về sự nổi tiếng của bà Aung San Suu Kyi. Bà Suu Kyi là người đứng đầu đảng NLD, đồng thời là lãnh đạo dân sự của đất nước kể từ khi nhậm chức vào năm 2015.

Khả năng đảo chính nổi lên trong những ngày gần đây. Quân đội cho rằng kết quả bầu cử đã bị gian lận và đe dọa sẽ "hành động".

Sáng nay (1/2), quân đội đã ra lệnh bao vây các tòa nhà của Quốc hội. Binh lính đã bắt giam các lãnh đạo của đảng cầm quyền NLD bao gồm bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống U Win Myint, cùng với các Bộ trưởng nội các, Bộ trưởng của một số khu vực, các chính trị gia đối lập, các nhà văn và nhà hoạt động.

Cuộc đảo chính đã được công bố trên đài truyền hình Myawaddy thuộc sở hữu của quân đội khi một người dẫn chương trình trích dẫn hiến pháp năm 2008, cho phép quân đội ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ông nói, tình trạng khẩn cấp sẽ được duy trì trong một năm.

Quân đội nhanh chóng giành quyền kiểm soát các cơ sở hạ tầng của đất nước, đình chỉ hầu hết các chương trình phát sóng trên truyền hình và hủy tất cả các chuyến bay trong nước và quốc tế.

Điện thoại và truy cập internet đã bị ngắt kết nối ở các thành phố lớn. Thị trường chứng khoán và các ngân hàng thương mại đã đóng cửa. Hàng dài người xếp hàng bên ngoài các cây rút tiền tự động ATM khi lo ngại tình hình trở nên phức tạp hơn trong thời gian tới.

Ở Yangon, thành phố lớn nhất của đất nước, người dân chạy đến các khu chợ để mua dự trữ thực phẩm và các nguồn cung cấp khác.

Bà Aung San Suu Kyi là ai?

Bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền với tư cách Cố vấn cao cấp nhà nước vào năm 2016 sau cuộc bỏ phiếu dân chủ đầu tiên của Myanmar trong nhiều thập kỷ.

Việc bà lên nắm quyền được coi là một thời điểm quan trọng trong quá trình chuyển đổi ở Myanmar từ chế độ độc tài quân sự sang nền dân chủ. Bà Aung San Suu Kyi, con gái của vị anh hùng đã giành độc lập cho đất nước, tướng Aung San, đã bị quản thúc hơn 15 năm.

Thời gian bị giam giữ khiến bà trở thành một biểu tượng quốc tế, và bà đã được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1991.

Kể từ khi được thả, danh tiếng của bà đã bị ảnh hưởng đáng kể vì chiến dịch của đất nước chống lại người Rohingya, một nhóm dân tộc thiểu số Hồi giáo. Năm 2019, bà đại diện cho đất nước tại một phiên tòa tại Tòa án Công lý Quốc tế, nơi bà lên tiếng bảo vệ Myanmar trước các cáo buộc thanh trừng sắc tộc.

Thượng tướng Min Aung Hlaing là ai?

Thượng tướng Min Aung Hlaing. Ảnh: NYT

Quân đội cho biết họ đã giao quyền lực cho Tư lệnh lục quân, Thượng tướng Min Aung Hlaing.

Động thái này nhằm kéo dài thời gian nắm quyền của Tướng Min Aung Hlaing, người được cho là sẽ hết tuổi giữ chức tư lệnh quân đội vào mùa hè này. Mạng lưới bảo trợ của ông có thể đã bị phá hoại sau khi ông nghỉ hưu, đặc biệt là nếu ông không thể đảm bảo một biện pháp "hạ cánh an toàn".

Theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực trước đây, Tướng Min Aung Hlaing chủ trì hai tập đoàn kinh doanh và có thể bổ nhiệm ba thành viên nội các chủ chốt giám sát cảnh sát và bộ đội biên phòng.

Tại Myanmar, quân đội không nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ dân sự. Trong những năm gần đây, quân đội do Tướng Min Aung Hlaing nắm giữ, đã giám sát các chiến dịch chống lại một số nhóm dân tộc thiểu số của đất nước, bao gồm người Rohingya, người Shan và người Kokang.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mot-so-dieu-can-biet-ve-cuoc-dao-chinh-o-myanmar-post117057.html