Một số đơn vị phải tự bảo đảm kinh phí cải cách tiền lương
Theo Bộ Tài chính, cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương đã được quy định cụ thể. Đơn vị được quyết định tỷ lệ nguồn thu phải trích lập để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và tự bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương.
Liên quan đến cải cách tiền lương, cử tri Hà Tĩnh đề nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư số 46/2019/TT-BTC ngày 23/7/2019 theo hướng: Trích tối đa 40% thu học phí và từ chênh lệch thu chi hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ cho nhiệm vụ cải cách tiền lương.
Đối với các đơn vị sự nghiệp được giao tự chủ tài chính ở mức nào đó thì giảm trừ mức trích kinh phí cải cách tiền lương ở mức đó (ví dụ: tự chủ chi thường xuyên 50% thì kinh phí trích cải cách tiền lương giảm còn 20%); kinh phí trích cải cách tiền lương sau khi đã đảm bảo để cải cách tiền lương, phần dư còn lại được sử dụng tái đầu tư để phục vụ hoạt động của các đơn vị sự nghiệp.
Bộ Tài chính cho biết, căn cứ Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2020 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 44/2019/NĐ-CP ngày 20/5/2020 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 46/2019/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP và điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 44/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, tại tiết b, khoản 1 Điều 3 đã hướng dẫn xác định nguồn kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở đối với các đơn vị sự nghiệp công lập như sau: Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2019 (phần còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện đến mức lương cơ sở 1,39 triệu đồng/tháng). Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%. Phạm vi trích số thu được để lại thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.
Đối với năm 2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 122/2021/TT-BTC quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, theo đó đã hướng dẫn về cơ chế tạo nguồn năm 2022 để thực hiện tiền lương, trợ cấp đối với đơn vị sự nghiệp công lập tại điểm đ, Điều 4 như sau:
Các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; các cơ quan được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên; các cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao khoán kinh phí và tự bảo đảm tiền lương: Đơn vị được quyết định tỷ lệ nguồn thu phải trích lập để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và tự bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương.
Như vậy, cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương đã được quy định cụ thể. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị địa phương thực hiện theo đúng quy định./.
Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư tự bảo đảm kinh phí cải cách lương
Các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; các cơ quan được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên; các cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao khoán kinh phí và tự bảo đảm tiền lương: Đơn vị được quyết định tỷ lệ nguồn thu phải trích lập để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và tự bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương.