Một số dự án của EU tạm ngừng mở rộng do chưa đáp ứng tiêu chuẩn năng lượng xanh
Một số dự án đầu tư của doanh nghiệp châu Âu (EU) ở Việt Nam đã phải tạm ngừng mở rộng do nền kinh tế chưa đáp ứng được việc chuyển đổi năng lượng xanh theo yêu cầu của nhà đầu tư.
Thông tin đáng quan ngại trên được ông Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit nêu ra tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài vào sáng 22-4. Sự kiện diễn ra tại trụ sở Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì với sự kết nối trực tuyến tới điểm cầu 63 địa phương và khoảng 80 điểm cầu tại nước ngoài.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch EuroCham, ông Gabor Fluit, cho rằng các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng xanh đã được ghi nhận rõ ràng và Việt Nam đã phát triển một chiến lược quốc gia toàn diện để đạt được các mục tiêu này.
Tuy nhiên, ông Chủ tịch EuroCham cho rằng việc thực hiện chiến lược này chưa đáp ứng được kỳ vọng. “Năng lượng sạch và tái tạo là chất xúc tác cho đầu tư và tăng trưởng trên toàn nền kinh tế, đồng thời các doanh nghiệp châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng này”, ông Gabor Fluit nói.
Cũng theo ông Gabor Fluit, trong thời gian qua, việc chưa đáp ứng được nhu cầu này đã khiến một số dự án đầu tư phải tạm ngưng mở rộng. “Để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai, chúng ta cần đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai Quy hoạch phát triển điện VIII”, ông Gabor Fluit lưu ý.
Ngoài ra, đại diện EuroCham cũng cho rằng, Việt Nam cũng nên có các hợp đồng mua bán điện trực tiếp để khuyến khích các nhà sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nhà máy trong khu công nghiệp nên được phép tham gia hơp đồng mua bán điện trực tiếp.
Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu đề nghị cần tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng các yêu cầu tuân thủ từ EU.
Người đứng đầu của EuroCham cho rằng quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang nền kinh tế tuần hoàn cũng có vai trò then chốt không kém để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên.
“Chúng tôi hoan nghênh lộ trình đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường và những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện quy định mở rộng về trách nhiệm của nhà sản xuất. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo nên áp dụng định mức chi phí tái chế do doanh nghiệp góp cần được trừ đi phần giá trị thu hồi được sau tái chế đối với doanh nghiệp sử dụng vật liệu có giá trị tái chế cao”, ông nói.
Bên cạnh đó, ông Chủ tịch EuroCham cũng cho rằng các doanh nghiệp cũng nên được phép nộp các khoản đóng góp tái chế của họ cho năm 2024 vào đầu năm 2025, dựa trên thực tế sản xuất và nhập khẩu. Việt Nam nên tăng cường xử phạt đối với việc vi phạm các quy định về chất thải, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng các vật liệu thay thế như nhựa có thể phân hủy sinh học như một biện pháp giảm thiểu chất thải chính.
“Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cam kết sẵn sàng sát cánh với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một quốc gia thịnh vượng và kiên cường, hướng tới phát triển bền vững và nền kinh tế xanh”, ông Chủ tịch EuroCham chia sẻ.
Không chỉ đại diện EuroCham, mà vấn đề phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo,… cũng được đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài các nước, các nhà đầu tư FDI… nêu kiến nghị tại hội nghị.
Theo ông Michael Michalak, Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc điều hành khu vực ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN (USABC), cho rằng Việt Nam đang thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư chất lượng cao và nhiều trong số họ đã cam kết thực hiện lộ trình trung hòa carbon nên cần được tiếp cận năng lượng tái tạo sớm. Ông đề nghị chính phủ sớm phê duyệt kế hoạch thí điểm thực hiện cơ chế bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện đến hộ tiêu thụ công nghiệp (DPPA).
Trong lĩnh vực năng lượng, đại diện USABC mong muốn Việt Nam đơn giản hóa và rút ngắn thời gian xem xét và phê duyệt các dự án điện. Cần ưu tiên phê duyệt sớm những dự án đã hoàn thành các thủ tục cần thiết. Cần sớm ban hành Quy hoạch điện VIII.
Tương tự, liên quan đến vấn đề năng lượng, ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam, cho rằng, phần lớn đầu tư của quá trình chuyển đổi năng lượng phải đến từ khu vực tư nhân.
Do đó, để đẩy nhanh hơn nữa cải cách quy định và chính sách, ông Nitin Kapoor đề xuất phân công đại diện VBF cho các nhóm công tác chuyển đổi năng lượng hiện nay như Ban thư ký của Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và Ủy ban soạn thảo chính sách liên quan.
Trước đó, phát biểu với cộng đồng doanh nghiệp FDI, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết vừa qua, các cơ quan đã khảo sát, lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp để triển khai các biện pháp cụ thể liên quan tới giảm, giãn, miễn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và Chính phủ. Thủ tướng đang tiếp tục quyết liệt chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có các chính sách tiền tệ trong một vài ngày tới về khoanh nợ, giảm nợ, giãn nợ, gia hạn nợ…
Thủ tướng đề nghị trong buổi làm việc hôm nay, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng tình hình, xác định rõ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, thời cơ, thuận lợi, trên cơ sở đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh thế giới, khu vực và Việt Nam đang có những khó khăn, thách thức.
Thủ tướng chỉ đạo: “Khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trao đổi, giải đáp về các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và có giải pháp cụ thể trên tinh thần chân thành, thẳng thắn, cầu thị, lắng nghe, thấu hiểu, đồng hành.
Tinh thần là xử lý công việc, vấn đề đặt ra phải nghiêm túc, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong đó, những khó khăn, vướng mắc giải quyết được ngay thì các bộ, ngành, địa phương có câu trả lời rõ ràng, dứt khoát, những vấn đề chưa giải quyết được ngay thì phải khẩn trương nghiên cứu, chủ động giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, cân đối hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2023 là năm quan trọng với Việt Nam, là năm “bản lề” trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 để cơ cấu lại nền kinh tế đất nước và thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025.
Theo ông Bộ trưởng Dũng, nếu các năm 2021-2022 là giai đoạn tạo tiền đề, thì 2023 là thời điểm để “tăng tốc”. Mục tiêu là đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Qua đó, tạo sự bứt phá cho 5 năm tiếp theo (2025-2030) với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, ngay từ bây giờ, không chỉ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương mà các doanh nghiệp cũng cần hành động từ sớm, từ xa, để vượt qua thách thức, chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội, phát triển bền vững, mang lại những giá trị mới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ tin tưởng, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự hợp tác đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cùng nhau vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác cùng phát triển hướng đến sự thịnh vượng chung.
“Cùng với nỗ lực chung của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành và địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng tại Việt Nam có hiệu quả và thành công”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.