Một số giải pháp, kiến nghị về chính sách người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số, dân số già tại Việt Nam

Người cao tuổi luôn được xem là nguồn lực quan trọng của dân tộc, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam, là một chủ thể tích cực tham gia vào sự phát triển xã hội, bảo vệ và xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: 'Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu 'Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau'. Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi. Bảo trợ, giúp đỡ người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa'.

Già hóa dân số và tình hình, đặc điểm người cao tuổi ở nước ta

Theo cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an cung cấp, đến ngày 9/2/2023 cả nước có 16.179.824 công dân từ 60 tuổi trở lên, chiếm gần 17%, dự báo đến năm 2030, số người cao tuổi ở Việt Nam chiếm khoảng 17% và đến năm 2050 là 25% dân số. Số lượng và tỉ lệ người cao tuổi tăng mạnh, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có dân số già hóa nhanh trên thế giới.

Từ năm 1989 đến 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng từ 65,2 tuổi lên 73,6 tuổi (trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi). Tuy tuổi thọ trung bình đã tăng cao nhưng số năm sống khỏe mạnh lại thấp hơn so với nhiều quốc gia, chỉ khỏe mạnh đến 64 tuổi, khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền, trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh, đặc biệt 67,2% trong số người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu. Người cao tuổi ở nước ta số đông là nữ, tình trạng người cao tuổi sống không có vợ, chồng chiếm tỷ lệ cao, trong đó số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông. Phụ nữ cao tuổi ly hôn, ly thân có tỷ lệ cao gấp 2,2 lần so với nam giới (năm 2019, trong tổng số 11.408.685 người cao tuổi thì có tới 6.631.691 cụ bà (chiếm 58%), còn lại là 4.776.994 cụ ông (chiếm 42%).

Người cao tuổi ở nước ta chủ yếu sống ở nông thôn, đa số không có thu nhập thường xuyên. Trong số người cao tuổi tại Việt Nam khoảng 40% người cao tuổi được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội; 60% còn lại sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của mình và gia đình. Khoảng 6 triệu người không có thu nhập ổn định. Tỷ lệ bao phủ của hệ thống an sinh xã hội đối với người cao tuổi có nơi còn rất hạn chế và có sự khác biệt giữa các nhóm người cao tuổi, các vùng miền.

Tuổi thọ, tuổi thọ khỏe mạnh ngày càng cao, nên nhiều người cao tuổi có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc (trong số 100 người cao tuổi thì có 38 người tham gia lực lượng lao động). Theo Tổng điều tra Dân số năm 2019, khoảng 4,41 triệu người cao tuổi tham gia lực lượng lao động, chiếm 7,9% lực lượng lao động của cả nước và bằng 38% số người cao tuổi. Khu vực nông thôn, lực lượng lao động cao tuổi chiếm 9,2% lực lượng lao động của khu vực, còn ở đô thị, tỉ lệ này là 5,2%. Năm 2020, số người cao tuổi có việc làm chiếm 8,7% tổng số lao động có việc làm của cả nước, với số tuyệt đối khoảng 4,7 triệu người.

Phần lớn người cao tuổi sống với con, nhưng tỉ lệ này đang giảm nhanh. Mối liên hệ giữa các thế hệ trong văn hóa truyền thống Việt Nam là “trẻ cậy cha, già cậy con”, gia đình thường có “tam, tứ đại đồng đường”. Tuy nhiên, quy mô gia đình Việt Nam không ngừng giảm (từ 5,22 khẩu/hộ xuống còn 3,6 khẩu/hộ). Thậm chí, một số tỉnh có tỉ lệ dân nông thôn lớn nhưng quy mô gia đình rất nhỏ (chỉ có 3,1 - 3,2 khẩu/hộ). Xu hướng này đồng nghĩa với việc người cao tuổi sống cùng con cháu giảm nhanh. Một đặc điểm là phụ nữ tham gia lực lượng lao động gần ngang bằng với nam giới (tỉ lệ nữ trong lực lượng lao động của cả nước là 47,3%). Như vậy, việc “tự cung, tự cấp chăm sóc người cao tuổi” sẽ ngày càng khó khăn do thiếu nhân lực gia đình.

Kết quả thực hiện chính sách về người cao tuổi thời gian qua

 Khám sức khỏe cho người cao tuổi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khám sức khỏe cho người cao tuổi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hệ thống chính sách về chăm sóc người cao tuổi được ban hành, ngân sách nhà nước và nguồn lực huy động từ xã hội cho công tác chăm sóc người cao tuổi ngày càng tăng. Theo tổng hợp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay, các cơ quan bảo hiểm xã hội đã chi trả chế độ hưu trí hằng tháng cho gần 2,7 triệu người với số tiền hưởng gần 14.475 tỷ đồng/tháng.

Cả nước có hơn 4,94 triệu người cao tuổi sau độ tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng (trong đó 2,7 triệu người hưởng lương hưu; 640.000 người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; hơn 1,7 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, mức hưởng lương hưu bình quân khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng). Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định chính sách trợ cấp hưu trí xã hội đối với người cao tuổi từ đủ 75 tuổi trở lên, trong đó đã điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội hàng tháng lên 500.000 đồng.

Chính phủ đã phê duyệt và ban hành Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030. Hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được hình thành, phát triển; đã thành lập Bệnh viện lão khoa năm 2016 với quy mô 500 giường, có 50/63 bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố có khoa lão; hơn 900 khoa khám bệnh có buồng riêng người cao tuổi, trên 10.000 giường điều trị nội trú ưu tiên người cao tuổi vừa điều trị bệnh, vừa điều trị phục hồi chức năng cho người cao tuổi với 1.791 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa; toàn quốc có 3 cơ sở đào tạo bộ môn lão khoa.

Theo số liệu thống kê đã có 3 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, gần 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ; 96% người cao tuổi có Thẻ Bảo hiểm y tế; trong số 134 Trung tâm bảo trợ xã hội do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý có 13 cơ sở dưỡng lão, đã có 32/63 tỉnh, thành phố thành lập 59 cơ sở dưỡng lão tư nhân dành cho việc chăm sóc người cao tuổi. Hàng năm, Hội Người cao tuổi đã phối hợp với chính quyền tổ chức chúc thọ, mừng thọ 1,1 triệu người cao tuổi; có 3 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, gần 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ; trên 95% người cao tuổi có Thẻ Bảo hiểm y tế; cả nước có trên 77 nghìn câu lạc bộ của người cao tuổi ở cơ sở với nhiều loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thu hút trên 2,5 triệu người cao tuổi tham gia. Đặc biệt, thành lập gần 7.000 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, thu hút trên 170 nghìn người tham gia. Mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được các tổ chức, cộng đồng trong nước, ngoài nước đánh giá cao, đã đạt giải "Sáng kiến vì một châu Á già hóa khỏe mạnh".

Giải thưởng “Sáng kiến vì một châu Á già hóa khỏe mạnh” được ra đời nhằm mục đích vinh danh các chính sách, dịch vụ, mô hình và sản phẩm sáng tạo của các quốc gia châu Á, nhằm hỗ trợ thích ứng với già hóa dân số, kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, ý nghĩa cho người cao tuổi hoặc cải thiện các điều kiện chăm sóc người cao tuổi.

Trong 30 năm tới, số người từ 65 tuổi trở lên ở Đông Á và Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng gấp đôi. Sự già hóa dân số nhanh chóng đòi hỏi cách tiếp cận sáng tạo để đáp ứng những thách thức giúp mọi người có thể tận hưởng cuộc sống lâu dài, hiệu quả. Các hạng mục được trao thưởng bao gồm: Các công nghệ và kỹ thuật mới khuyến khích lão hóa khỏe mạnh và năng suất, cải thiện cách người cao tuổi được chăm sóc hoặc mang lại hiệu quả, an toàn và thuận tiện hơn cho người già và người chăm sóc. Các phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng, các phương pháp tiếp cận bao gồm nhiều thế hệ để giúp cho người cao tuổi khỏe mạnh, năng động, tham gia an toàn. Những cách mới để giúp người cao tuổi duy trì, cải thiện hoặc khôi phục khả năng thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và sống một cuộc sống độc lập khi già đi.

Người cao tuổi phát huy vai trò trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tập trung vào các hoạt động như: Người cao tuổi tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tham gia công tác hòa giải; giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương; người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; người cao tuổi tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tham gia các hoạt động khuyến học, khuyến tài, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, nhân đạo; các hoạt động phòng, chống dịch bệnh ở địa phương...

Theo số liệu tổng hợp hiện nay có gần 7 triệu người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, trong đó có 99.905 người cao tuổi làm chủ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; 357.967 người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi; người cao tuổi đóng góp hơn 10,6 triệu ngày công, hơn 3.000 tỉ đồng, hiến 24,4 triệu m2 đất để xây dựng đường giao thông, kênh mương, nhà văn hóa, trường học, cơ sở y tế,... góp phần xây dựng nông thôn mới; 64% số hội viên Hội Khuyến học là người cao tuổi; 656.000 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hòa giải cơ sở; có trên 300 nghìn người cao tuổi tham gia các tổ an ninh nhân dân phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự ở cơ sở.

Một số kiến nghị chính sách người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số, dân số già

Người cao tuổi luôn được xem là nguồn lực quan trọng của dân tộc, là một chủ thể tích cực tham gia vào sự phát triển xã hội, bảo vệ và xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay. Để góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cần có những giải pháp đồng bộ về hoàn thiện thể chế, sớm hoàn thiện ban hành Chiến lược quốc gia về người cao tuổi; xây dựng đồng bộ hệ thống chính sách, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Vì vậy, kiến nghị một số giải pháp, chính sách người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số, dân số già như sau:

Thứ nhất, trong công tác tuyên truyền và giáo dục, nhất là truyền thông cần có chiến lược về xu thế già hóa nhanh của nước ta để toàn xã hội nhận thức đầy đủ về thời cơ và thách thức, thúc đẩy sự thay đổi trong thái độ, xóa bỏ, định kiến không đúng, những biểu hiện phân biệt đối xử tiêu cực về người cao tuổi. Tăng cường truyền thông vận động, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, ban, ngành, các nhà hoạch định chính sách, các chức sắc tôn giáo… về công tác chăm sóc người cao tuổi và những thách thức của quá trình “già hóa dân số” đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Giáo dục, nâng cao nhận thức của cá nhân, gia đình và toàn xã hội về trách nhiệm kính trọng, giúp đỡ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người cao tuổi; ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc chủ động cho tuổi già.

Thứ hai, thực hiện nhiều giải pháp để đa dạng hóa nguồn thu nhập của người cao tuổi, đặc biệt là tăng tỉ lệ người cao tuổi có lương hưu; tăng tỉ lệ người cao tuổi có việc làm (nếu có khả năng và có nhu cầu), tăng tỉ lệ người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội. Giảm độ tuổi tối thiểu được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và phân biệt “chuẩn về tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội” căn cứ vào tuổi thọ trung bình hiện nay. Cải cách hệ thống hưu trí; đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm, đặc biệt chú trọng đến các loại hình bảo hiểm tự nguyện, phù hợp với khả năng đóng góp và chi trả của người tham gia, có khả năng liên thông với các loại hình bảo hiểm khác. Trong đó chú trọng đến nhóm người cao tuổi thuộc các gia đình nghèo và cận nghèo.

Thứ ba, đa dạng hóa các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, như: Lập sổ theo dõi sức khỏe người cao tuổi; khám sức khỏe định kì tại Trạm Y tế xã, phường. Phát triển hệ thống cơ sở chăm sóc dài hạn, cơ sở y tế khám chữa bệnh cho người cao tuổi; phát triển và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về lão khoa, phục hồi chức năng cho nhân viên, tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Bên cạnh hình thức “tự cung, tự cấp chăm sóc người cao tuổi” nên hình thành và phát triển nhanh “dịch vụ chăm sóc người cao tuổi”. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc xây dựng, phát triển và đa dạng hóa các Trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi (có chính sách ưu đãi về đất đai, vốn vay, đào tạo nguồn nhân lực,…). Hội Người cao tuổi cần lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe vào hoạt động của các câu lạc bộ người cao tuổi; tổ chức các hoạt động rèn luyện nâng cao sức khỏe và hướng dẫn các thành viên, hội viên giữ gìn, bảo vệ và tăng cường sức khỏe.

Thứ tư, Nhà nước cần đa dạng chính sách thu hút, khuyến khích, hỗ trợ người cao tuổi và doanh nghiệp sử dụng lao động cao tuổi. Gia đình và xã hội ủng hộ người cao tuổi tiếp tục làm việc phù hợp khả năng sức khỏe, chuyên môn. Chú trọng đào tạo nghề và đào tạo chuyển đổi nghề cho người cao tuổi.

Thứ năm, Luật Người cao tuổi khi sửa đổi, cần bổ sung mục “Bảo vệ người cao tuổi” với những quy định cụ thể về bảo vệ thân thể, tinh thần, nhân phẩm, tài sản,… của người cao tuổi trong gia đình và ngoài xã hội ở cả 3 cấp độ phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp.

VŨ DƯƠNG CHÂU - Nguyên Trưởng Ban Dân tộc,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/nhan-vat-su-kien/mot-so-giai-phap-kien-nghi-ve-chinh-sach-nguoi-cao-tuoi-thich-ung-voi-gia-hoa-dan-so-dan-so-gia-tai-viet-nam-59053.html