Một số giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật nhằm ngăn ngừa tham nhũng, lợi ích nhóm

Ngày 14-8, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các địa phương đã tập trung nhiều thời gian, nguồn lực, áp dụng nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, trước yêu cầu tình hình mới, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn bộc lộ một số bất cập: Việc đề nghị điều chỉnh, bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm vẫn còn, với thời hạn yêu cầu soạn thảo, ban hành trong thời gian ngắn.

Ảnh minh họa: tuyengiao.vn

Ảnh minh họa: tuyengiao.vn

Việc xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật chưa đảm bảo đủ thời gian để thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định. Việc tiếp thu và giải trình ý kiến thẩm định, ý kiến thành viên Chính phủ chưa đầy đủ, rõ ràng, có trường hợp không tiếp thu, cũng không giải trình rõ lý do.

Một số cơ quan chưa chủ động thực hiện việc lập đề nghị xây dựng, soạn thảo văn bản, cùng với yêu cầu về thời hạn nên đề xuất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc dùng hình thức văn bản khác không đúng quy định để thay thế cho việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục. Năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ, công chức có nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, dẫn đến pháp luật chậm được thực hiện và hiệu quả thấp...

Tăng cường đề xuất một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung của luật, pháp lệnh, nghị quyết

Nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, phát hiện các tồn tại, khó khăn.

Từ đó, có các giải pháp, biện pháp phù hợp để đẩy mạnh, tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo về xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp luật ở bộ, ngành, địa phương mình. Chỉ đạo các cơ quan chủ động nghiên cứu các chủ trương, đường lối của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo từ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, HĐND, UBND, các Điều ước quốc tế và thực tiễn thi hành pháp luật để kịp thời ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Khi tham mưu, đề xuất việc ban hành văn bản phải đúng thẩm quyền về nội dung và hình thức theo quy định của pháp luật; hồ sơ đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo đầy đủ các tài liệu theo quy định và đảm bảo chất lượng của từng tài liệu. Không trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, HĐND, UBND ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật.

Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi "tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm" trong công tác xây dựng pháp luật

Nhằm tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, phát hiện ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi "tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm" trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, Nghị quyết yêu cầu chủ động báo cáo, xin ý kiến của các cấp ủy, tổ chức Đảng về những chính sách quan trọng, những định hướng lớn trong dự án, dự thảo văn bản.

Nâng cao năng lực, phẩm chất cho cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật thông qua việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, công chức nhằm nêu cao tinh thần cảnh giác, không để bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh nhằm cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, làm sai lệch chủ trương chính sách, nội dung văn bản quy phạm pháp luật.

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật.

Bên cạnh đó là ưu tiên, bố trí đầy đủ nhân lực, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn tham gia quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật....

TTXVN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/mot-so-giai-phap-nang-cao-chat-luong-xay-dung-phap-luat-nham-ngan-ngua-tham-nhung-loi-ich-nhom-738700