Một số giải pháp phát triển dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng của các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần trên thị trường ngày càng gay gắt, việc hạ phí bảo hiểm, tình trạng nợ phí bảo hiểm diễn biến phức tạp, trong khi các khoản nợ phí từ nhiều năm trước vẫn còn tồn đọng. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng lợi nhuận, các công ty bảo hiểm cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện và phát triển dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng của các nước Đông Nam Á. Nguồn: Internet

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng của các nước Đông Nam Á. Nguồn: Internet

Tổng quan về lợi ích của dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ

Bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT) là loại hình bảo hiểm cung cấp các nghiệp vụ thương mại khác bên ngoài bảo hiểm nhân thọ, qua đó công ty bảo hiểm sẽ cam kết chi trả, bồi thường cho những cá nhân người mua/nhận bảo hiểm có những vấn đề tổn thất về vật chất, cơ thể, tai nạn con người.

Đặc trưng của BHPNT là một loại hình dịch vụ đặc biệt, lời cam kết bên Công ty bảo hiểm đề ra, hứa sẽ thực hiện với khách hàng. Khách hàng mua bảo hiểm và đóng phí để có thể nhận được những cam kết bồi thường lớn khi gặp vấn đề hoặc nhận lại tiền đã đóng trong tương lai.

Hợp đồng của BHPNT là hợp đồng có thời hạn, thường từ 1-2 năm hoặc ngắn hơn. Chỉ khi có rủi ro xảy ra trong thời gian bảo hiểm còn hiệu lực thì chi phí bồi thường mới được thực hiện. Phí bảo hiểm nhân thọ được tính dựa trên thời hạn bảo hiểm, phí theo năm sẽ được đóng 1 lần hoặc chia cho từng tháng, khi đến năm tiếp theo sẽ được đóng tiếp. Nếu mở rộng thêm các đặc điểm rủi ro khác trong bảo hiểm, phí bảo hiểm sẽ được tăng lên và ngược lại.

BHPNT còn là một trong những loại hình bảo hiểm mang lại rất nhiều lợi ích đặc biệt, giúp nhiều người có được những cơ hội để hỗ trợ, bù đắp những khoản phí phát sinh khi rủi ro xảy ra. Cụ thể như: Khi mua bảo hiểm nhân thọ, người được hưởng bảo hiểm sẽ nhận được những lợi ích sau: Người tham gia bảo hiểm được trợ cấp, bồi thường những thiệt hại do rủi ro bất ngờ gây ra nằm trong phạm vi bảo hiểm quy định để có thể hồi phục, ổn định, bù đắp cho những chi phí đã đóng trong thời gian mua bảo hiểm; Người tham gia có thể đóng góp một số phí tạo thành nguồn quỹ bảo hiểm lớn ngoài chi trả, bồi thường; Bảo hiểm thương mại mang lại tích lũy cho ngân sách; Bảo hiểm được dùng đề phòng ngừa những trường hợp tai nạn xảy ra, hạn chế được hậu quả và thiệt hại; Chỗ dựa tinh thần cho mọi người, mọi tổ chức để họ yên tâm trong cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút nguồn lao động nhất định, góp phần giảm bớt tình trạng thất nghiệp trong xã hội…

Kết quả hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam giai đoạn 2014-2016

Hoạt động BHPNT tại Việt Nam trải qua nhiều thời kỳ khác nhau và bùng nổ khi thị trường được hình thành với sự xuất hiện của nhiều công ty bảo hiểm mới, bao gồm cả công ty bảo hiểm nước ngoài. Khảo sát số liệu hoạt động BHPNT tại các công ty bảo hiểm thuộc ngân hàng thương mại trong giai đoạn 2014-2016 cho thấy, hoạt động kinh doanh BHPNT đã có sự phát triển mạnh cả về quy mô lẫn số lượng doanh nghiệp BHPNT (Bảng 1, Bảng 2).

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, thị trường BHPNT Việt Nam giai đoạn này có những tồn tại gặp vướng mắc như:

Một là, năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động kinh doanh BHPNT mặc dù có dấu hiệu khởi sắc nhưng chưa cao. Theo số liệu của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, năng lực tài chính (thể hiện ở các chỉ tiêu như vốn chủ sở hữu, quỹ dự phòng, tổng tài sản, ROA, ROE…) các công ty bảo hiểm thuộc ngân hàng vẫn còn rất khiêm tốn và có sự chênh lệch so với các công ty BHPNT khác. Mặt khác, trong thời gian qua, với nhiều nghiệp vụ kinh doanh bảo hiểm gốc chưa thực sự hiệu quả như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản và hàng hóa đã làm cho hoạt động kinh doanh BHPNT, nhất là mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm gốc có xu hướng giảm xuống. Các chỉ tiêu thể hiện hiệu quả hoạt động như ROA trung bình chỉ đạt khoảng 7,0%, ROE trung bình đạt khoảng 9,0%.

Hai là, các sản phẩm dịch vụ BHPNT chưa đa dạng, phong phú. Theo thống kê, số khách hàng tham gia sử dụng các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm chủ yếu là sản phẩm bảo hiểm ô tô, xe máy trong đó sản phẩm bảo hiểm bắt buộc chiếm tỷ trọng lớn. Nhiều sản phẩm khác chưa được khách hàng tham gia hoặc có tham gia nhưng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu khách hàng. Số lượng sản phẩm bảo hiểm còn hạn chế so với một số các công ty bảo hiểm khác. Số sản phẩm bảo hiểm của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIC) là hơn 130 sản phẩm, của Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) là hơn 100 sản phẩm, của Tổng Công ty bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) hơn 60 sản phẩm, của Công ty TNHH Một thành viên Bảo hiểm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VBI) là hơn 50 sản phẩm.

Ba là, hoạt động marketing và quảng bá thương hiệu chưa phát triển. Các công ty bảo hiểm thuộc ngân hàng chưa thực sự quan tâm và đẩy mạnh đến công tác truyền thông số.

Bốn là, mạng lưới kinh doanh còn hạn chế và chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn.

Năm là, công tác quản trị rủi ro và bồi thường chưa chặt chẽ. Những năm qua, mặc dù đã có nhiều bước tiến quan trọng trong công tác kiểm tra, kiểm soát và quản trị rủi ro nhưng tỷ lệ bồi thường vẫn tăng lên, đặc biệt là ở một số nghiệp vụ như bảo hiểm con người, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hóa... Bên cạnh đó, chưa xây dựng được một khung quản lý rủi ro riêng cho mình. Điều này làm cho công tác kiểm soát và quản lý rủi ro còn có nhiều kẽ hở tạo điều kiện cho nhiều hành vi gian lận và trục lợi bảo hiểm diễn ra, làm gia tăng chi phí bồi thường và giảm hiệu quả kinh doanh của các công ty bảo hiểm thuộc ngân hàng.

Giải pháp phát triển dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ tại các công ty bảo hiểm

Theo thống kê niên giám bảo hiểm năm 2016 (Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính), mức độ thâm nhập BHPNT của các thị trường mới nổi là hơn 1% và của các thị trường phát triển ở mức 2,3%. Điều này cho thấy, còn nhiều phân khúc của thị trường BHPNT còn bỏ ngỏ.

Bắt kịp được xu hướng phát triển của thị trường, trong vài năm trở lại đây, các công ty bảo hiểm đã chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh tập trung vào việc phát triển các sản phẩm BHPNT một cách toàn diện, hướng tới mục tiêu dẫn đầu phân khúc bán lẻ trên thị trường BHPNT của Việt Nam. Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt thông qua việc hạ phí bảo hiểm, tình trạng nợ phí bảo hiểm còn phổ biến. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm giúp các công ty bảo hiểm phát triển bền vững trong thời gian tới. Cụ thể:

Thứ nhất, nâng cao năng lực tài chính của các công ty bằng cách tăng quy mô vốn chủ sở hữu. Các công ty bảo hiểm cần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh trực tiếp của mình để tăng lợi nhuận bổ sung vốn chủ sở hữu.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá xây dựng hình ảnh. Để công tác này đạt được hiệu quả cao, công ty bảo hiểm cần thuê các công ty quảng cáo chuyên nghiệp, tổ chức thực hiện trong một thời gian dài, kết hợp với việc tuyên truyền trọng tâm nhân dịp các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng nhằm thu hút sự quan tâm chung của toàn xã hội.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống kênh phân phối. Hiện nay, đối với các công ty BHPNT, kênh phân phối qua cán bộ chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều cán bộ khai thác bảo hiểm sẽ làm giảm hiệu quả của hệ thống phân phối do sức ỳ rất lớn, chi phí cao, năng suất thấp, đồng thời gây ra sự xung đột với các kênh phân phối khác. Do đó, việc giảm dần cán bộ bán hàng, chủ yếu giữ cán bộ làm công tác đánh giá rủi ro, phục vụ bán hàng là xu hướng cần phải thực hiện quyết liệt trong thời gian tới.

Đối với hệ thống đại lý: Cần nâng cao chất lượng đại lý qua việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp của họ, đảm bảo cho đội ngũ đại lý có trình độ chuyên sâu về sản phẩm, có đạo đức về sản phẩm để phát triển thị trường một cách lành mạnh.

Đối với kênh môi giới: Cần mở rộng quan hệ hơn nữa với các nhà môi giới bảo hiểm, việc chấp nhận bán bảo hiểm qua môi giới là một yêu cầu khách quan, bởi BHPNT là một dịch vụ cần nhiều tư vấn, nhất là các sản phẩm mang tính chất kỹ thuật cao. Mặt khác, kênh môi giới cũng có nhiều ưu điểm trong việc triển khai dịch vụ. Tại các nước ASEAN có nhiều tương đồng với thị trường Việt Nam, dịch vụ môi giới cũng rất phát triển. Điều này cho thấy, việc sử dụng môi giới sẽ là một xu thế khó đảo ngược đối với các hoạt động BHPNT. Bên cạnh hai hệ thống kênh chính là đại lý và môi giới, các kênh bảo hiểm khác cũng cần được kiện toàn và đảm bảo hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa kênh phân phối như: Bán bảo hiểm qua ngân hàng, qua hệ thống các công ty du lịch, trường học, bưu điện... hay kênh thương mại điện tử. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc sử dụng kênh thương mại điện tử là cần thiết và quan trọng.

Thứ tư, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng mạng lưới kinh doanh theo các định hướng: Phát triển và hoàn thiện sản phẩm BHPNT theo nguyên tắc gắn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm và công ty bảo hiểm (nguyên tắc số đông bù số ít). Phí bảo hiểm tương ứng với mức trách nhiệm bảo hiểm; cung cấp các sản phẩm bảo hiểm thỏa mãn nhu cầu khách hàng, tăng thêm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, mở rộng phạm vi bảo hiểm, bổ sung các quyền lợi bảo hiểm hợp lý cho các sản phẩm bảo hiểm cá nhân, tổ chức, thiết lập mức phí bảo hiểm phù hợp. Đồng thời, các doanh nghiệp bảo hiểm cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, đặc biệt là nhóm các sản phẩm tiềm năng như sản phẩm bảo hiểm cho lĩnh vực nông nghiệp; Đa dạng các sản phẩm bảo hiểm cho các lĩnh vực khác theo kịp sự phát triển của xã hội như bảo hiểm du lịch quốc tế, bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, bảo hiểm trách nhiệm cho nhà quản lý, điều hành...

Phát triển sản phẩm bảo hiểm không chỉ dừng lại ở các điều khoản hợp đồng mà cần phát triển dịch vụ hoàn chỉnh để thu hút khách hàng. Ngoài những giá trị cốt lõi của dịch vụ là đảm bảo cho các rủi ro thì các dịch vụ phụ thêm sẽ làm gia tăng giá trị cho hợp đồng bảo hiểm. Khi thiết kế sản phẩm cần lưu ý thị trường mục tiêu hiện nay mà các doanh nghiệp BHPNT cần hướng tới đó là nhóm những người có trình độ cao (từ cao đẳng trở lên). Ngoài ra, cũng cần thiết kế các sản phẩm, đơn giản, dễ hiểu để cung cấp đến nhóm người dân có trình độ dưới cao đẳng vì nhóm này tương đối đông, nhưng do trình độ dân trí chưa cao nên mức độ am hiểu về BHPNT chưa nhiều. Nếu cứ sử dụng các sản phẩm đang có sẽ không tạo sự khác biệt và cạnh tranh với các doanh nghiệp bảo hiểm khác, do vậy, cần có các sản phẩm đặc thù cho nhóm đối tượng này.

Thứ năm, tăng cường quản trị rủi ro và nâng cao chất lượng bồi thường. Để thực hiện quản trị rủi ro các công ty bảo hiểm cần xây dựng một mô hình quản trị rủi ro với 3 lớp phòng vệ:

- Lớp phòng vệ thứ nhất: Áp dụng đối với tất cả các đơn vị, khối, phòng, ban. Đây là các đơn vị trực tiếp thực hiện các nghiệp vụ, qua đó sẽ ngăn ngừa, phát hiện và kiểm soát rủi ro. Lớp phòng vệ này được điều hành trực tiếp bởi ban giám đốc. Trong lớp phòng vệ này cán bộ nhân viên của các công ty bảo hiểm đóng vai trò rất quan trọng, vì họ chính là những người sẽ phân tích và đánh giá quy trình rủi ro. Muốn làm được điều này, đòi hỏi các nhân viên phải có đủ kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm với công việc, có như vậy việc phát hiện và ngăn ngừa rủi ro mới được thực hiện kịp thời.

- Lớp phòng vệ thứ hai:Được thực hiện bởi khối quản trị rủi ro. Khối quản trị rủi ro sẽ có trách nhiệm giám sát mọi rủi ro trên toàn hệ thống. Lớp phòng vệ thứ hai này nhằm mục tiêu hỗ trợ lớp phòng vệ thứ nhất để xây dựng và nâng cao năng lực quản lý rủi ro. Lớp phòng vệ này được điều hành trực tiếp bởi hội đồng quản trị. Trong lớp phòng vệ này, khối quản trị rủi ro sẽ phải có ý kiến vào các quy trình nhằm đảm bảo xây dựng được một quy trình đánh giá rủi ro thực tế, chứ không chỉ xây dựng cho có nhằm đối phó kiểm tra.

- Lớp phòng vệ thứ ba:Được thực hiện bởi bộ phận kiểm toán nội bộ. Bộ phận này sẽ có trách nhiệm kiểm tra và soát xét mọi hoạt động bao gồm cả hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc, hoạt động đầu tư và tái bảo hiểm. Lớp phòng vệ này được thực hiện một cách độc lập bởi ban kiểm soát.

Trong 3 lớp phòng vệ trên thì lớp phòng vệ thứ nhất là quan trọng nhất, bởi rủi ro càng phát hiện sớm và có biện pháp ngăn ngừa kịp thời thì sẽ càng giảm thiểu được tổn thất.

Bên cạnh công tác kiểm soát và quản trị rủi ro thì công tác bồi thường cũng hết sức quan trọng. Trong giai đoạn tới, các công ty bảo hiểm cần chú trọng hơn nữa vào công tác bồi thường nhằm giảm tỷ lệ bồi thường mà vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ bảo hiểm cung ứng. Để thực hiện tốt công tác bồi thường các công ty bảo hiểm cần kết hợp với hệ thống bảo lãnh và tư vấn.

Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm cũng cần áp dụng các chế tài đối với các trường hợp vi phạm quy trình, giải quyết bồi thường chậm do nguyên nhân chủ quan. Mặt khác, các công ty bảo hiểm cần ứng dụng công nghệ thông tin bằng cách thực hiện bồi thường trực tuyến, giám sát giám định thông qua phần mềm giúp cho công việc bồi thường được thực hiện nhanh chóng, giảm thiểu được tình trạng trục lợi.

Ngoài ra, các công ty bảo hiểm cũng cần xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng về giám định bồi thường và thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra giám định bồi thường tại các chi nhánh. Đặc biệt, cần tăng cường đào tạo cho các cán bộ bồi thường tại các trụ sở chính, luôn theo sát các cơ quan giám định độc lập để công tác giám định, giải quyết luôn kịp thời, đảm bảo chất lượng bồi thường được nhanh chóng nhất.

Để phát triển bền vững, hiệu quả và giữ vững thị phần hiện tại của mình, các công ty bảo hiểm cần phải hoạch định cho mình chiến lược kinh doanh cụ thể và rõ ràng. Đồng thời, cần chỉnh đốn, cải thiện các điểm yếu và phát huy các điểm mạnh mở rộng các phân khúc thị trường tiềm năng để khai thác và đón đầu các cơ hội của thị trường nhằm phục vụ và đáp ứng nhu cầu thị trường. Các công ty bảo hiểm thuộc ngân hàng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, hoàn thiện và phát triển dịch vụ BHPNT trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu BHPNT tốt nhất với lợi nhuận cao nhất trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo thường niên của các công ty bảo hiểm thuộc ngân hàng 2014, 2015, 2016;

2. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16/02/2016;

3. Niên giám thị trường bảo hiểm Việt Nam 2012-2016;

4. Quốc hội (2010), Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi năm 2010, Hà Nội.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/mot-so-giai-phap-phat-trien-dich-vu-bao-hiem-phi-nhan-tho-tai-viet-nam-138935.html