Một số hình thức và mức xử phạt liên quan đến COVID-19

Trước tình hình COVID-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp, với tinh thần 'chống dịch như chống giặc', chính quyền các cấp và lực lượng chức năng đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Đáng chú ý là việc UBND tỉnh phát động tuần lễ cao điểm phòng chống COVID -19 trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có nội dung kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm việc thực hiện các quy định về phòng chống COVID -19. Dưới đây là một số hình thức và mức xử phạt các hành vi liên quan đến việc thực hiện quy định về phòng chống COVID -19.

 Công an phường Đông Lương lập biên bản các trường hợp vi phạm về phòng chống COVID-19 -Ảnh: T.N

Công an phường Đông Lương lập biên bản các trường hợp vi phạm về phòng chống COVID-19 -Ảnh: T.N

Hành vi đăng tin giả, không đúng sự thật liên quan đến COVID - 19 lên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng: Hành vi đưa tin không chính xác về tình hình COVID -19 sau khi công bố dịch hoặc công bố hết dịch theo quy định nội dung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cung cấp có thể bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng.

Ngoài ra còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc cải chính thông tin sai sự thật trên phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn đã đưa tin trước đó liên tục trong 3 ngày theo quy định của luật” (quy định tại điểm a, khoản 3 và điểm a, khoản 4, Điều 5, Nghị định 117/2020/ NĐ-CP).

Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân liên quan đến phòng chống COVID - 19 có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với cá nhân và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật” (quy định tại điểm a, khoản 1 và khoản 3, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP).

Ngoài ra, hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, trái với quy định của pháp luật về tình hình COVID -19 có thể bị xử lý hình sự theo Điều 288, Bộ luật Hình sự 2015.

Hành vi không đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, nơi công cộng, nơi tập trung đông người, cơ sở y tế, khu cách ly có thể bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng (quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 12, Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

Hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng chống COVID -19 có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng (quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 12, Nghị định 117/2020/NĐ-CP); hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống có nguy cơ làm lây truyền COVID -19 có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng (quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 12, Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

Trường hợp chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ như quán bar, karaoke, dịch vụ mát xa, cơ sở thẩm mỹ… thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống COVID -19, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh sẽ bị xử lý theo Điều 295, Bộ luật Hình sự 2015.

Hành vi vứt khẩu trang, các chất, vật dụng đã sử dụng không đúng nơi quy định có khả năng làm lây lan COVID -19 có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 2-5 triệu đồng (quy định tại khoản 1, Điều 6, Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

Hành vi tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép vào lãnh thổ Việt Nam: Hành vi giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép có thể bị phạt tiền từ 15-25 triệu đồng.

Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam (quy định tại điểm a, khoản 5, và khoản 9, Điều 17, Nghị định 167/2013/NĐ-CP). Ngoài ra, hành vi liên quan đến quy định về xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép có thể bị xử lý hình sự theo Điều 347 và 348, Bộ luật Hình sự 2015).

Hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát COVID-19 có thể bị phạt tiền từ 1- 3 triệu đồng (quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 7, Nghị định 117/2020/NĐ-CP).

Hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng của bản thân hoặc của người khác mắc COVID -19 có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng (quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 7, Nghị định 117/2020/NĐ-CP). Trường hợp khai báo không trung thực, kịp thời diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân, là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1-5 năm (truy cứu về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240, Bộ luật Hình sự 2015).

Hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc COVID -19 có thể bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng.

Ngoài ra còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc phải thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế” (quy định tại điểm b, khoản 2 và khoản 3, Điều 11, Nghị định 117/2020/NĐ-CP). Nếu hành vi trốn cách ly là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh cho xã hội hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (quy định tại Điều 240, Bộ luật Hình sự).

Thành Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=159756&title=mot-so-hinh-thuc-va-muc-xu-phat-lien-quan-den-covid19