Một số hộ nghèo tại Quảng Trị được cấp bò giống gầy yếu, kén ăn: UBND huyện Hướng Hóa yêu cầu kiểm tra, rà soát
Được cấp bò giống thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhưng theo phản ảnh của một số người dân ở huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), họ được cấp bò giống sinh sản gầy yếu, kén ăn, có con vừa nhận 1 ngày đã lăn ra chết.
Bò giống nhưng gầy yếu, kén ăn, thưa sườn, nhát người
Từ cuối năm 2023, UBND huyện Hướng Hóa có Quyết định phê duyệt dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng - Nhân rộng mô hình giảm nghèo “Chăn nuôi bò vàng sinh sản” tại thôn Cu Dông (xã Húc); thôn Ta Xía, thôn Ra Ty (xã Hướng Lộc).
Các dự án này thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Mục tiêu dự án nhằm “nâng cao khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nhằm giải quyết việc làm, tăng hiệu quả kinh tế và cải thiện thu nhập cho người dân”.
Theo Quyết định của UBND huyện, tại xã Húc có 18 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng. Tại xã Hướng Lộc có 20 hộ (14 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo, đều là đồng bào dân tộc thiểu số) được thụ hưởng. Cả hai dự án này lần lượt do UBND xã Húc và UBND xã Hướng Lộc làm chủ đầu tư, là cơ quan quản lý thực hiện dự án.
Dự án được tổ chức đấu thầu công khai trên mạng. Cty TNHH Giống cây trồng vật nuôi Tân Thành (trụ sở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ) trúng thầu với giá dự thầu lần lượt là 315 triệu đồng (xã Húc) và 340 triệu đồng (xã Hướng Lộc).
Ở xã Hướng Lộc, ngày 16/3, có 11 hộ ở thôn Tà Xía và 9 hộ ở thôn Ra Ty được nhận bò. Nhiều người cho rằng họ nhận bò quá gầy yếu, kén ăn. Đặc biệt, ông Hồ Văn Tinh (54 tuổi, ngụ thôn Ra Ty) sau khi được cấp 1 ngày thì bò đã lăn ra chết không rõ nguyên nhân. Sau đó, ông Tinh được giao lại 1 con bò khác, nhưng nhiều người đánh giá đây chỉ là con bê, không đủ điều kiện cân nặng để tính là bò theo tiêu chuẩn 140kg.
Ở xã Húc, một số người dân cho rằng họ được cấp bò cái nhưng gầy yếu, kén ăn, thưa sườn, mỏng mình, móng chân trước hở, nhát người. Các con bò được cấp chưa bảo đảm tiêu chuẩn như theo hợp đồng đã ghi: “Cty Tân Thành phải cung cấp bò từ 12 - 18 tháng tuổi, trọng lượng bình quân 159,4kg/con”.
Ông Hồ Văn Chêng (Trưởng thôn Cu Dông, xã Húc), thôn có 18 hộ được nhận bò giống. Khi Cty cung ứng giống đưa bò đến, có 2 con bò cấp cho ông Hồ Văn Hoạt và ông Hồ Văn Bin rất nhát người, gầy ốm; trưởng thôn đã báo cáo UBND xã.
Đến hết tháng 3/2024, dự án phát triển sản xuất cộng đồng đã cấp 669 con bò và 30 con dê cho người dân huyện Hướng Hóa. Trong đó, Cty Tân Thành đã cấp 122 con bò, 30 con dê. Sắp tới, DN này còn cấp thêm 170 con bò và 214 con dê cho dân.
Theo ghi nhận của PV, ở dưới gốc cây phía trước ngôi nhà sàn ông Hồ Văn Kuôr (45 tuổi), một con bò vàng nhỏ, lông mượt nhưng bụng hóp chặt, gầy trơ xương sườn, mõm chảy nước dãi, lở loét một số nơi; dù đã được cán bộ thú y chữa trị nhưng vẫn chưa thể chăn thả được, phải buộc dưới gầm nhà sàn. Vợ ông Kuôr than thở: “Con bò này đã gầy, kén ăn, lại còn hung dữ”.
Một số người dân cho rằng, nếu với số tiền khoảng 17 triệu đồng/con (như trong đơn giá dự thầu) thì họ có thể mua được bò giống to hơn, khỏe hơn, đẹp hơn rất nhiều.
Trong đợt cung cấp bò lần này, còn một số điểm bất thường như về nguồn gốc, xuất xứ bò trong đơn dự thầu của Cty Tân Thành ghi rõ “bò vàng giống được cung cấp từ hộ kinh doanh Nguyễn Văn Dụng (xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình)”.
Thế nhưng, trong hồ sơ thú y, bò được cấp lại được lấy từ hộ bà Đậu Thị Kim Phượng (phường Nam Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Số bò này bà Phượng thu mua bò từ hộ kinh doanh Phùng Văn Chung (thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận).
Ngoài ra, theo phản ánh của một số người dân thôn Ra Ty, những người được thụ hưởng dự án phải nộp cho cán bộ địa phương 1,7 triệu đồng và không biết vì sao phải nộp số tiền trên?
Cho đổi bò
Trả lời PV, ông Hồ Văn Ka Rai (Chủ tịch UBND xã Húc) cho rằng, vừa rồi có 3 con bò “hơi gầy, sợ người”, nên xã đã đề xuất với Cty và đã được đổi lại: “Chúng tôi là chủ đầu tư, phải làm tốt, cẩn thận. Nếu 20 ngày nữa, bò ổn, không đau ốm thì xã mới chuyển tiền cho DN”.
Tại xã Hướng Lộc, ông Hồ Văn Pầng (Chủ tịch UBND xã) cho hay, xã cũng chưa chuyển tiền cho DN cung cấp bò. “Vừa rồi, có 1 con bò do có bầu, quá trình vận chuyển xa nên vừa chuyển bò cho dân thì hôm sau bò chết. Sau đó, hộ gia đình này làm thịt và bán được 3 triệu đồng. Cty Tân Thành đã đổi cho hộ này 1 con bò khác nặng 126kg (theo thỏa thuận bò có khối lượng lớn hơn 140kg mới bảo đảm) nhưng hộ này vẫn đồng ý”, ông Pầng nói.
Về phía lãnh đạo UBND huyện Hướng Hóa cho biết đã yêu cầu Phòng NN&PTNT phối hợp UBND xã Hướng Lộc, xã Húc kiểm tra, rà soát lại với tất cả các hộ dân tiếp nhận con giống theo như thông tin phản ánh. Trường hợp con giống ốm yếu, không đạt trọng lượng, không đủ tiêu chuẩn làm giống thì yêu cầu nhà cung cấp thực hiện việc cấp, đổi theo đúng quy định. Bên cạnh đó, rà soát lại quy định đấu thầu, quy trình thực hiện đấu thầu, các hồ sơ thủ tục có liên quan đến các dự án hỗ trợ con giống.
Giải thích về nguồn gốc xuất xứ, theo hồ sơ đấu thầu thì 38 con bò trên được cung cấp từ hộ kinh doanh ông Nguyễn Văn Dụng nhưng thực tế số bò này được lấy từ bà Đậu Thị Kim Phụng, đại diện UBND huyện giải thích: “Trang trại chăn nuôi Nguyễn Văn Dụng đã có Giấy ủy quyền cho hộ bà Đậu Thị Kim Phụng bán bò giống cho Cty Tân Thành để đấu thầu các gói mua sắm bò giống nói trên”.
Còn việc bò của ông Hồ Văn Tình (thôn Ra Ty, xã Hướng Lộc) bị chết là đúng, do “sự cố bất khả kháng”.
UBND huyện xác định chuyện mỗi hộ dân nghèo xã Hướng Lộc nhận bò phải nộp cho Trưởng thôn 1,7 triệu đồng là có thật. Qua kiểm tra thực tế, thôn đã thu tiền 13 hộ tổng số 22,5 triệu đồng. Đây là nguồn vốn quay vòng; việc thu hồi 10% vốn này phù hợp “điểm a khoản 2 Điều 4 Quyết định 17/2023/QĐ-UBND ngày 12/7/2023 của UBND tỉnh”. Tuy nhiên, việc này có ý kiến khác nhau nên Phòng LĐ-TB&XH huyện đã đề nghị UBND xã Hướng Lộc chỉ đạo nhóm thu tiền trả lại số tiền trên.
Về phía lãnh đạo tỉnh, trả lời PLVN, ông Hoàng Nam (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) khẳng định sẽ xử lý nghiêm theo quy định nếu phát hiện vi phạm trong dự án cấp bò vàng sinh sản tại xã Húc, xã Hướng Lộc. Tỉnh cũng đang yêu cầu huyện Hướng Hóa báo cáo sự việc.
Trước đó, vào cuối năm 2023, tại huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã triển khai cấp 140 con bò nằm trong gói hỗ trợ bò giống cho hộ gia đình thoát nghèo. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều bò gầy gò và có 19 con bị chết do bệnh. Mới đây, DN cung ứng bò của dự án này đã cấp lại 19 con bò cho các hộ dân bị ảnh hưởng.