Một số kết quả bước đầu trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bắc Kạn
Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 12-4-2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, qua khảo sát, tỉnh Bắc Kạn không có đơn vị hành chính cấp huyện nào có 2 tiêu chí là diện tích và dân số dưới 50% theo quy định, chỉ có 23 đơn vị hành chính cấp xã có 2 tiêu chí diện tích và dân số dưới 50%.
Kết quả sắp xếp 23 đơn vị hành chính cấp xã
UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 221/KH-UBND ngày 24-4-2019 về tổ chức thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và thôn, tổ dân phố chưa đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; xây dựng phương án sáp nhập các xã chưa đạt chuẩn gửi lấy ý kiến của UBND các huyện có đơn vị hành chính cấp xã nằm trong diện sắp xếp lại, kết quả: UBND các huyện đã đề nghị sắp xếp 22 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% cả 2 tiêu chí diện tích và dân số, riêng đối với xã Cẩm Giàng thuộc huyện Bạch Thông đề xuất không thực hiện sắp xếp giai đoạn này và sẽ thực hiện sắp xếp khi mở rộng TP. Bắc Kạn.
Ngày 18-9-2019, UBND tỉnh đã ban hành Tờ trình số 106/TTr-UBND về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bắc Kạn đề nghị Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Qua thẩm định của Hội đồng thẩm định Trung ương, Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã đánh giá tỉnh Bắc Kạn thực hiện nghiêm túc việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 37-NQ/TW, do vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 855/NQ-UBTVQH14 ngày 10-1-2020 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Bắc Kạn.
Cùng với sắp xếp về tổ chức bộ máy, tỉnh đã chú trọng việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người lao động cấp huyện, cấp xã; cán bộ không chuyên trách cấp xã khi sáp nhập: Bố trí sắp xếp 171 cán bộ/16 đơn vị hành chính cấp xã mới thành lập; 290 công chức/16 đơn vị hành chính cấp xã mới thành lập; 222 người hoạt động không chuyên trách cấp xã/16 đơn vị hành chính cấp xã mới thành lập. Ngay sau khi sắp xếp, tỉnh đã thực hiện tinh gọn bộ máy trạm y tế xã từ ngày 1-3-2020 với số lượng 5 người/trạm/xã theo quy định, cụ thể: 80 người/16 đơn vị hành chính mới thành lập. Trước mắt giữ nguyên số lượng viên chức tại các trường học để thực hiện giảng dạy cho đến hết năm học 2019-2020. Đến năm học 2020-2021 ngành giáo dục sẽ thực hiện sắp xếp các trường học sao cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Tổng kinh phí chi cho sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cấp huyện, cấp xã dôi dư; cán bộ không chuyên trách cấp xã dôi dư khoảng 3,5 tỷ đồng.
Còn những khó khăn, vướng mắc
Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân ở đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp chưa nhận thức sâu sắc Nghị quyết số 37-NQ/TW, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 và các văn bản của bộ, ngành, địa phương về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Việc hướng dẫn các đơn vị, địa phương của tỉnh trong tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã còn lúng túng, do lần đầu thực hiện việc sáp nhập các đơn vị hành chính.
Việc bố trí cán bộ tại các đơn vị hành chính mới thành lập gặp nhiều khó khăn bởi theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24-4-2019 của Chính phủ, mỗi đơn vị giảm 2 người nên những vị trí thiếu trên địa bàn các huyện thực hiện sắp xếp không còn. Bên cạnh đó, thực hiện bố trí trưởng công an xã, thị trấn là công an chính quy do vậy không còn vị trí để bố trí; số lượng công chức sau khi sáp nhập ngoài việc tăng cơ học còn tăng thêm số cán bộ chuyển sang công chức; số này cần có lộ trình và thời gian để tinh gọn theo quy định.
Khó khăn về cơ chế, chính sách để khuyến khích các trường hợp chưa đủ điều kiện để nghỉ hưu trước tuổi hoặc có nhu cầu thôi việc ngay để chờ đủ tuổi nghỉ hưu. Nguồn kinh phí để thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã còn hạn chế, nguồn ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, do vậy trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) là hết sức cần thiết. Để chủ trương, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, nhất là những nơi khó khăn, dân trí còn thấp. Đồng thời, sớm xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.