Một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy trình hiệp thương bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp

Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và là ngày hội lớn để nhân dân phát huy quyền dân chủ, trực tiếp lựa chọn, giới thiệu và bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Bài viết kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy trình hiệp thương bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo hướng thực sự dân chủ, tuân thủ pháp luật và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Bầu cử, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quy trình hiệp thương, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Ngày 17/11/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 133/2020/QH14 về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, theo đó, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là Chủ nhật, ngày 23/5/2021.

Cũng như các kỳ bầu cử trước đây, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong tham gia công tác bầu cử, đặc biệt là thực hiện công tác hiệp hương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 vừa qua, quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử được thực hiện theo Nghị quyết liên tịch số 11/2016/NQLT/UBTVQH/ĐCTUBTWMTTQVN ngày 1/2/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn Quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết liên tịch số 11). Qua thực tiễn thực hiện Nghị quyết liên tịch số 11 cho thấy có những hạn chế, vướng mắc cần được khắc phục như:

- Trong việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ở một số nơi chưa thể hiện hết tính chất hiệp thương dân chủ của Mặt trận, còn mang tính hình thức. Ở nhiều địa phương, danh sách ứng cử có sự chênh lệch về trình độ giữa những người ứng cử.

- Do trong cùng một thời điểm phải đồng thời chuẩn bị và tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, trong khi việc tổ chức các hội nghị hiệp thương, nhất là đợt tổ chức các hội nghị hiệp thương lần thứ nhất lại diễn ra ngay sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, nên cũng khó khăn cho công tác chuẩn bị, cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc chuẩn bị cho các hội nghị này.

- Việc gửi các tài liệu phục vụ cho các hội nghị hiệp thương ở nhiều cấp, nhiều nơi còn chậm, thường là tại Hội nghị, các đại biểu mới được nhận tài liệu, trong khi số lượng tài liệu thường nhiều, phức tạp, đòi hỏi phải xem xét rất kỹ thì mới bảo đảm được tính chính xác nên cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng thảo luận, quyết định của các hội nghị hiệp thương.

- Nhiều địa phương không giới thiệu đủ số lượng người ứng cử (số dư ứng cử viên) nên tại các Hội nghị hiệp thương không đảm bảo thực sự dân chủ để lựa chọn người xứng đáng tiếp tục ứng cử tại các bước tiếp theo.

Từ những lý do trên, cần thiết ban hành Nghị quyết liên tịch hướng dẫn Quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 thay thế cho Nghị quyết liên tịch số 11/2016/NQLT/UBTVQH/ĐCTUBTWMTTQVN ngày 1/2/2016.

Một số đề xuất sửa đổi, bổ sung quy trình hiệp thương trong bầu cử đại biểu Quốc hội

Về quan điểm

Quy trình hiệp thương bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cần tuân thủ các quy định của Hiến pháp, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác bầu cử của nhiệm kỳ 2016 - 2021, bảo đảm việc hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử được khách quan, dân chủ, đúng luật và bảo đảm chất lượng của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Quy định của Nghị quyết liên tịch về quy trình hiệp thương kỳ này phải bảo đảm tính kế thừa các quy định của pháp luật về bầu cử trong những nhiệm kỳ qua, đặc biệt là Nghị quyết liên tịch số 11. Đồng thời, qua tổng kết thực tiễn, kinh nghiệm từ cuộc bầu cử trước đây, các quy định tại Nghị quyết liên tịch lần này cần sát với thực tế trong quá trình hiệp thương, tổ chức bầu cử.

Trong Nghị quyết liên tịch mới, cần có hướng dẫn cụ thể, đầy đủ hơn các bước trong quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Kiến nghị một số nội dung cụ thể của Nghị quyết liên tịch (thay thế Nghị quyết liên tịch số 11 năm 2016)

Một là, cần sửa đổi tên của Nghị quyết là: Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hướng dẫn quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Hai là, cần sửa đổi các mốc thời gian trong các bước của quy trình hiệp thương theo ngày bầu cử được ấn định là ngày 23/5/2021.

Ba là, cần bỏ các hướng dẫn thực hiện đối với những nơi thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, bởi:

Tại Điều 5, Điều 20 và Điều 28 của Nghị quyết liên tịch số 11/2016/NQLT/UBTVQH-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 1/2/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn Quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 quy định“Đối với những nơi thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội thì đại diện Ủy ban nhân dân cấp tổ chức hội nghị hiệp thương trình bày dự kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình”. Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử năm 2016 và thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 thì Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội đã bị bãi bỏ, vì vậy, dự thảo Nghị quyết mới không quy định về nội dung này.

Bốn là, cần xác định cụ thể hơn về thời hạn Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã gửi văn bản điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương, bởi: Sau khi nhận được văn bản điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương phải thực hiện rất nhiều công việc như thông báo cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; hướng dẫn về nội dung, thủ tục, trình tự giới thiệu người ứng cử, làm hồ sơ ứng cử, tổ chức các bước lấy ý kiến cử tri nơi cư trú... theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Do vậy, cần xác định cụ thể về thời hạn gửi văn bản điều chỉnh nhằm bảo đảm cho công tác hiệp thương được chuẩn bị kỹ, chu đáo, các đại biểu có thời gian nghiên cứu hồ sơ những người ứng cử.

Vì vậy, Nghị quyết liên tịch lần này cần quy định thời hạn Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi văn bản điều chỉnh như sau: “Chậm nhất 85 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi văn bản điều chỉnh lần thứ nhất về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương”. Dự thảo Nghị quyết quy định thời hạn Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã gửi văn bản điều chỉnh như sau: "Chậm nhất 85 ngày trước ngày bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã gửi văn bản điều chỉnh về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương". Đồng thời, cũng quy định: “Chậm nhất 50 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi văn bản điều chỉnh lần thứ hai về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương để làm cơ sở cho việc hiệp thương lần thứ ba”.

Năm là, cần bổ sung hướng dẫn việc xử lý đối với những trường hợp người ứng cử lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú với số phiếu không đạt trên 50% tổng số cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến. Bởi vì, qua các kỳ bầu cử, nhiều địa phương đã kiến nghị nên có quy định đối với người ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm tại hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi công tác hoặc nơi cư trú mà không đạt trên 50% số cử tri tham dự hội nghị thì không đưa vào danh sách hiệp thương, bởi vì một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất của người đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân là phải được nhân dân tín nhiệm.

Vì vậy, Nghị quyết liên tịch lần này cần quy định: Trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú không đạt trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri thì không đưa vào danh sách ứng cử.

Sáu là, cần quy định cụ thể hơn số dư các ứng cử viên trong các lần giới thiệu ứng cử để bảo đảm đến khi danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, đáp ứng yêu cầu số dư theo quy định của pháp luật về bầu cử. Như vậy, trong các bước của quy trình hiệp thương, mới có thể lựa chọn được người xứng đáng ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; đồng thời thể hiện tính chất dân chủ trong quá trình bầu cử, tránh hiệp thương hình thức.

Vì vậy, Nghị quyết liên tịch lần này cần quy định: Số dư người ứng cử cần bảo đảm để số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó ít nhất là hai người.

Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân thì cũng cần quy định: Số dư người ứng cử cần bảo đảm để số người trong danh sách ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó. Nếu đơn vị bầu cử được bầu ba đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu ít nhất là hai người. Nếu đơn vị bầu cử được bầu từ bốn đại biểu trở lên thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu ít nhất là ba người.

Bảy là, về việc tổ chức hội nghị cử tri đối với người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã do thôn, tổ dân phố giới thiệu.

Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng đối với trường hợp người được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, do trùng lặp về thủ tục, thành phần tham dự hội nghị giới thiệu người ứng cử và hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Vì vậy, cần bỏ lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.

Tuy nhiên, vẫn cần tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã được thôn, tổ dân phố giới thiệu, bởi Luật Bầu cử đã quy định; đồng thời, về tính chất, thì hội nghị giới thiệu người ứng cử khác với hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Hơn nữa, việc bầu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã người dân ở mỗi khu dân cư rất quan tâm, nếu không có những quy định chặt chẽ thì dễ xảy ra khiếu nại, tố cáo ở cơ sở.

Đặng Thị Kim Ngân

ThS, Ban Dân chủ - Pháp luật, UBTW MTTQ Việt Nam

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/thuc-tien/mot-so-kien-nghi-sua-doi-bo-sung-quy-trinh-hiep-thuong-bau-cu-dai-bieu-quoc-hoi-va-dai-bieu-hdnd-cac-cap-38014.html