Một số loại cây cảnh có thể gây ngộ độc cho trẻ nếu vô tình ăn phải
Một số loại cây cảnh quen thuộc thường được trồng và làm cây cảnh trong gia đình, tưởng vô hại nhưng chúng lại chứa các hợp chất có khả năng gây ngộ độc thường gặp khi ăn phải.
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế có một số loài thực vật có chứa các hợp chất có khả năng gây ngộ độc thường gặp khi ăn phải như:
- Cây lá ngón (Gelsemium elegans); cây cà độc dược (Datura alba Lour)… có chứa alcaloid độc.
- Cây Thông thiên (Thevetia peruviana (Pers.) K. Schum.); toàn thân có chứa nhựa mủ trắng chứa glycoside tim, gây độc mạnh cho cơ thể người và động vật khi nhiễm liều cao.
Tất cả các bộ phận của cây đều có độc tố, đặc biệt hạt có độc tính cao nhất. Nuốt hạt có thể dẫn tới tử vong, mủ khi dính vào da có thể gây dị ứng, bỏng rộp tùy cơ địa từng người, mủ dính vào mắt gây tổn thương giác mạc.
- Cây Trúc đào (Nerium oleander L.): Tương tự thông thiên, cây trúc đào toàn cây trúc đào có nhựa đục rất đắng và độc, axit hydrocyanic và những glucosid độc là oleandrin, neriin, neriantin.
Những triệu chứng ngộ độc trúc đào biểu hiện ở trạng thái khó chịu, bải hoải chân tay, buồn nôn, chóng mặt (với liều nhỏ); tiêu chảy ra máu, rối loạn hô hấp, nôn mửa, chân tay co giật, loạn nhịp tim, mạch nhỏ yếu đi tới hôn mê và tử vong (với liều cao).
- Cây Đai vàng (Dây huỳnh, Huỳnh anh) (Allamanda cathartica L.) và Bông tai (Asclepias curassavica L.)… hai loại này tương tự như trúc đào và thông thiên đều có chứa Glycosid tim.
- Cây thầu dầu (Ricinus communis L.) và cây ngô đồng (Jatropha podagrica)… có chứa protein độc (Toxalbumin).
Thầu dầu là một loại cỏ dại, hạt, hoa và lá của cây có độc. Nếu trẻ nhai và nuốt một vài hạt có thể gây buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và đau dạ dày.
Còn cây ngô đồng thì chứa chất curcin trong thân, củ, lá và đặc biệt là hạt. Chất này có thể gây bỏng rát ở họng, đau bụng, ói, tiêu chảy. Khi đã bị ngộ độc nặng sẽ xuất huyết tiêu hóa, rối loạn tim mạch, ức chế hệ thần kinh trung ương.
Cây kim tiền
Trong thân và lá cây có chứa canxi oxalat, gây nóng rát, bỏng lưỡi, cổ họng nếu trẻ ăn phải. Nặng hơn sẽ gây sưng viêm, ngạt thở và xuất huyết dạ dày. Nhựa cây dính lên mắt cũng ảnh hưởng xấu đến thị lực.