Một số lưu ý khi cải tạo ao nuôi tôm

Ảnh minh họa: Internet

Trước mỗi vụ nuôi tôm, người nuôi cần chuẩn bị thật kỹ ao nuôi nhằm hạn chế rủi ro về dịch bệnh. Sau đây là một số lưu ý khi cải tạo ao nuôi…

Phơi đáy ao: Là một trong những bước quan trọng trong kỹ thuật cải tạo ao nuôi tôm. Việc làm này sẽ giúp ôxy hóa các chất hữu cơ, giảm được nồng độ khí độc H2S và có thể tận dụng tia cực tím của ánh nắng mặt trời diệt những vi khuẩn, mầm bệnh gây hại.

Xới đất đáy ao kết hợp với bón vôi: Tiến hành xới đất đáy ao với độ sâu khoảng 5-10cm, sau đó rải vôi (CaO) từ 5-10kg/100m2 để ổn định pH, tiêu diệt mầm bệnh và phân hủy hết các khí độc.

Cải tạo nước: Sử dụng các chất diệt khuẩn như Chlorine, BKC, thuốc tím… đánh quanh ao để loại bỏ các loại vi khuẩn gây bệnh. Sau đó, cấy vi sinh để ổn định màu nước và tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi phát triển. Nên kiểm tra các yếu tố như pH, độ kiềm, độ mặn… trước khi thả giống.

Trang bị hệ thống quạt nước: Hệ thống quạt nước sẽ cung cấp hàm lượng ôxy cho tôm hô hấp, đồng thời còn giúp gom rác thải và các bã hữu cơ lại một góc. Do đó, bà con cần phải trang bị hệ thống quạt nước đảm bảo khuếch tán đủ lượng ôxy cho tôm nuôi.

Dùng vi sinh để xử lý: Bà con có thể sử dụng vi sinh Bottom-Pro để xử lý đáy ao nuôi tôm. Chế phẩm vi sinh này có khả năng cải thiện quá trình nitrit hóa, phân hủy các chất hữu cơ, làm sạch bùn đáy ao, đồng thời giảm mùi hôi, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật có lợi trong ao nuôi phát triển. Ngay sau khi xử lý nước trong ao lắng và bắt đầu bơm sang ao nuôi, bà con nên tiến hành xử lý vi sinh.

NGỌC NHƯ (tổng hợp)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/252410/mot-so-luu-y-khi-cai-tao-ao-nuoi-tom.html