Một số lưu ý khi kiểm sát việc giám định trong tố tụng hình sự

Kiểm sát viên cần phải kiểm sát chặt chẽ việc trưng cầu giám định, kết luận giám định, trong đó lưu ý các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định cũng như nội dung yêu cầu giám định, các câu hỏi đặt ra…, bảo đảm việc giám định được đầy đủ, rõ ràng, phục vụ tốt cho công tác điều tra, giải quyết vụ án.

Hạn chế và vướng mắc trong việc giám định

Những năm qua, chất lượng công tác giám định tư pháp ngày càng được nâng cao, góp phần bảo đảm cho việc giải quyết các vụ án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, qua thực tiễn nhận thấy công tác này vẫn còn một số hạn chế và vướng mắc, như:

 Kiểm sát khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết (VKS Thái Bình)

Kiểm sát khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết (VKS Thái Bình)

- Chưa kịp thời trưng cầu giám định trong các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định để làm căn cứ xác định có dấu hiệu tội phạm hay không, dẫn đến có vụ án sau khi khởi tố phải đình chỉ điều tra vì hành vi không cấu thành tội phạm.

Ví dụ: Khoảng 16h30 phút, ngày 27/1/2021, tại huyện N, tỉnh LC, Tổ công tác của Đồn Biên phòng HB, huyện N phát hiện Nguyễn Văn A điều khiển xe máy chở Nguyễn Văn B có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác yêu cầu dừng xe, kiểm tra hành chính, B tự giác giao nộp 1 gói nilong màu hồng, bên trong chứa chất bột khô màu trắng, có khối lượng khoảng 0,26 gam. B khai nhận đó là jeroin của A và B cùng góp tiền mua của một người không quen biết để sử dụng và đã sử dụng một ít, số còn lại đang trên đường mang về nhà để sử dụng thì bị phát hiện thu giữ. Đồn Biên phòng HB lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với A và B về hành vi Tàng trữ trái phép chất ma túy.

Ngày 27/1/2021, Đồn Biên phòng HB ra quyết định khởi tố vụ án về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy quy định tại Điều 249 BLHS.

Ngày 28/1/2021, thực hiện Quyết định chuyển vụ án của Viện kiểm sát, Đồn Biên phòng HB đã chuyển hồ sơ vụ án, người bị tạm giữ cho Cơ quan điều tra Công an huyện N để điều tra theo thẩm quyền. Cùng ngày, Cơ quan điều tra huyện N ra quyết định trưng cầu giám định chất ma túy đối với tang vật thu giữ.

Ngày 18/3/2021, căn cứ Kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh LC: “Mẫu vật gửi giám định không tìm thấy các chất ma túy thường gặp…”, CQĐT Công an huyện N ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án do hành vi không cấu thành tội phạm.

Trong vụ án này, sau khi bắt giữ các đối tượng và thu giữ tang vật nghi là chất ma túy, Đồn Biên phòng HB không tiến hành trưng cầu giám định để xác định loại, khối lượng chất ma túy đã thu giữ làm căn cứ khởi tố vụ án mà chỉ dựa trên cơ sở lời khai của các đối tượng bị bắt để ra quyết định khởi tố vụ án.

Với vi phạm nêu trên của Đồn Biên phòng HB, lẽ ra Viện kiểm sát cần ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự trái pháp luật và đề nghị chuyển vụ việc đến Cơ quan điều tra Công an huyện N để điều tra theo quy định, nhưng Viện kiểm sát đã không phát hiện thấy vi phạm, chấp nhận quyết định khởi tố vụ án và ra quyết định chuyển vụ án để điều tra theo thẩm quyền, dẫn đến vụ án phải đình chỉ điều tra.

- Một số vụ việc đối tượng có dấu hiệu tâm thần nhưng cơ quan có thẩm quyền điều tra nghiên cứu kỹ nhân thân, tiền sử bệnh tật của họ, sau đó trưng cầu giám định để xác định năng lực trách nhiệm hình sự của họ, dẫn đến thực tiễn xảy ra vụ việc truy cứu trách nhiệm hình sự người không có năng lực trách nhiệm hình sự.

- Việc giám định trong một số lĩnh vực như ngân hàng, xây dựng còn chậm trễ, kéo dài, một số trường hợp chưa thống nhất, còn có quan điểm khác nhau liên quan đến phương pháp giám định, xác định hậu quả thiệt hại, đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ giải quyết án vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ.

- Một số kết luận giám định nội dung còn chung chung chưa cụ thể, rõ ràng, phải giám định bổ sung, giám định lại. Khi có mâu thuẩn thì việc sử dụng kết quả giám định lần đầu hay kết quả giám định lại để làm căn cứ giải quyết vụ án cũng đang có ý kiến khác nhau.

Một số lưu ý khi kiểm sát việc giám định

Từ những hạn chế, vướng mắc trong việc giám định, tác giả rút ra một số vấn đề Kiểm sát viên cần lưu ý khi kiểm sát hoạt động này, như sau:

 Giám định bài thi trên máy kiểm tra tại Viện khoa học Hình sự (ảnh: Minh Hiền)

Giám định bài thi trên máy kiểm tra tại Viện khoa học Hình sự (ảnh: Minh Hiền)

- Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự, Kiểm sát viên phải chủ động nghiên cứu hồ sơ, bám sát các hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên, kịp thời yêu cầu thu thập, trưng cầu giám định khi thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021 (BLTTHS); theo đó, bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;

Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó; Nguyên nhân chết người; Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động;

Chất ma túy, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ; Mức độ ô nhiễm môi trường. Cơ quan điều tra cũng có thể trưng cầu giám định trong các trường hợp khác khi xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án, vụ việc.

- Kiểm sát viên tiến hành kiểm sát chặt chẽ cả về nội dung và hình thức của quyết định trưng cầu giám định của Cơ quan điều tra. Quyết định này được lập theo đúng mẫu quy định và phải có các nội dung sau: Tên cơ quan trưng cầu giám định; họ tên người có thẩm quyền trưng cầu giám định; Tên tổ chức; họ tên người được trưng cầu giám định; Tên và đặc điểm của đối tượng cần giám định; Tên tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có);

Nội dung yêu cầu giám định; Ngày, tháng, năm trưng cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định. Trong đó, nội dung yêu cầu giám định là một phần rất quan trọng của quyết định trưng cầu giám định nên phải ghi thật rõ ràng, chi tiết, đầy đủ.

Ví dụ: Yêu cầu giám định dấu vết công cụ, quyết định trưng cầu giám định phải nêu rõ các câu hỏi như dấu vết gửi giám định có phải là dấu vết công cụ hay không? Nếu là công cụ thì do công cụ nào gây ra dấu vết? Đặc điểm, cách thức sử dụng công cụ thế nào?

Yêu cầu giám định dấu vết máu thì phải nêu rõ mẫu gửi giám định có phải là máu hay không? máu người hay động vật? nhóm máu, cơ chế hình thành thế nào? mẫu gửi giám định và mẫu so sánh có phải của cùng một người hay không?

 Thực hiện giám định đối với dấu vết (Ảnh Phan Tuấn)

Thực hiện giám định đối với dấu vết (Ảnh Phan Tuấn)

Nếu trưng cầu giám định chất ma túy, nội dung quyết định cần yêu cầu cơ quan giám định trả lời rõ mẫu gửi giám định có phải là chất ma túy hoặc tiền chất; loại, trọng lượng chất ma túy và hàm lượng (trong những trường hợp pháp luật quy định).

Trong quyết định trưng cầu giám định còn cần ghi rõ thời hạn giám định theo đúng quy định tại Điều 208 BLTTHS, như giám định nguyên nhân chết người, thì thời hạn giám định không quá 01 tháng; thời hạn giám định chất ma túy không quá 9 ngày.

Qua kiểm sát, nếu phát hiện quyết định trưng cầu giám định chưa đầy đủ hoặc không chính xác, Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát kiến nghị Cơ quan điều tra sửa đổi, thay thế quyết định đã ban hành hoặc quyết định trưng cầu giám định bổ sung, bảo đảm việc giám định được đầy đủ, chính xác làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án.

- Kiểm sát chặt chẽ nội dung kết luận giám định của cơ quan giám định, giám định viên, lưu ý xem xét thành phần tham gia cũng như căn cứ, phương pháp, trình tự thực hiện việc giám định, kết luận giám định. Trường hợp xét thấy kết luận giám định chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, Kiểm sát viên đề nghị Cơ quan điều tra có văn bản yêu cầu giải thích kết luận hoặc cùng Điều tra viên tiến hành làm việc với Cơ quan giám định, Giám định viên để làm rõ. Nếu thấy kết luận giám định không chính xác thì có thể trưng cầu giám định lại tại cơ quan giám định khác có thẩm quyền.

- Quá trình kiểm sát, Kiểm sát viên lưu ý yêu cầu Điều tra viên tiến hành điều tra kỹ về đặc điểm nhân thân của người phạm tội, chú ý tình tiết liên quan đến tiền sử bệnh tâm thần của họ. Khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ thì phải yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định trưng cầu giám định về tâm thần nhằm tránh trường hợp khởi tố, điều tra oan sai đối với người không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, tác giả đề xuất liên ngành Trung ương có hướng dẫn cụ thể trong việc trưng cầu, phương pháp giám định, cách thức giải quyết các vướng mắc phát sinh đối với một số trường hợp giám định mà thực tiễn còn có nhiều vướng mắc, bất cập, hạn chế để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động này, phục vụ tốt cho việc giải quyết các vụ án hình sự.

Cương Nguyễn

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/mot-so-luu-y-khi-kiem-sat-viec-giam-dinh-trong-to-tung-hinh-su-123003.html