Một số lưu ý khi phân bổ dự toán chi ngân sách năm 2021

Bộ Tài chính đã lưu ý các địa phương một số vấn đề khi phân bổ dự toán chi ngân sách năm 2021. Theo đó, địa phương cần bố trí kinh phí để thực hiện chính sách, chế độ Trung ương ban hành đến thời điểm giao dự toán ngân sách năm 2021.

Các địa phương phải chủ động trong điều hành dự toán chi ngân sách. Ảnh: TL.

Các địa phương phải chủ động trong điều hành dự toán chi ngân sách. Ảnh: TL.

Tại Thông tư số 109/2020/TT-BTC về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ Tài chính đã hướng dẫn về vấn đề này.

Ngoài việc thực hiện nêu trên, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định sử dụng nguồn kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ tương ứng 70% số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông phần ngân sách trung ương được hưởng phát sinh trên địa bàn từng địa phương trên cơ sở số thu năm 2019. Số kinh phí trên cùng với nguồn ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ưu tiên cho lực lượng công an, thanh tra ngành giao thông vận tải và xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Các địa phương chủ động sử dụng kinh phí bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương tương ứng 35% số thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô, nguồn ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện quản lý, bảo trì đường bộ thuộc trách nhiệm của địa phương theo phân cấp.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương ưu tiên bố trí kinh phí triển khai Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 thuộc trách nhiệm bố trí vốn của ngân sách địa phương. Địa phương dành tối thiểu 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng; ưu tiên bố trí kinh phí cho y tế cơ sở, bệnh viện vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; bảo đảm kinh phí triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản tại tuyến xã.

Địa phương cũng cần chủ động sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp năm 2020 chuyển sang và phấn đấu tăng thu năm 2021 để dành nguồn bảo đảm các nhiệm vụ chi tiền lương và các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành theo quy định.

Trong điều hành tài chính NSNN năm 2021, trường hợp địa phương có nguồn thu cân đối ngân sách địa phương giảm lớn so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao do nguyên nhân khách quan, phải chủ động sử dụng các nguồn lực hợp pháp của mình, rà soát, sắp xếp, cắt giảm các nhiệm vụ chi để đảm bảo cân đối theo dự toán đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao./.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2021-02-22/mot-so-luu-y-khi-phan-bo-du-toan-chi-ngan-sach-nam-2021-100093.aspx