'Một số nghệ sĩ ứng xử không đẹp, phản văn hóa'
Bộ VH-TT&DL đã ban hành quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, lấy giá trị thước đo là chân thiện mỹ, lấy cái đẹp dẹp cái xấu.
Chiều 10-8, tiếp tục phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã trả lời câu hỏi của các đại biểu (ĐB) liên quan đến kích cầu du lịch, giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội...
Tiếp tục kéo dài các chính sách hỗ trợ ngành du lịch
Về vấn đề du lịch, trả lời câu hỏi chất vấn của các ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Du lịch là một trong những ngành chịu nhiều thiệt hại do đại dịch COVID-19. Sau khi mở cửa lại du lịch, tình hình có khả quan hơn. Việt Nam đang chọn du lịch nội địa làm bước đà phát triển, tuy nhiên việc thu hút khách quốc tế vẫn còn khó khăn do chính sách phòng chống dịch bệnh ở một số quốc gia khác nhau.
Bộ trưởng cho rằng cần có thời gian để kết nối với khách hàng truyền thống, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan nhằm tạo thuận lợi nhất cho du khách, bảo đảm về chất lượng dịch vụ du lịch và chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành.
Đối với khó khăn về nguồn nhân lực, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết bộ đã và đang tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo và giảng viên. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực, nâng cao kỹ năng nghề qua hoàn thiện, áp dụng các bộ tiêu chuẩn nghề thống nhất ở cấp độ quốc gia và quốc tế.
Bộ trưởng cũng kiến nghị QH, Chính phủ tiếp tục cho kéo dài thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực này, góp phần giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua những khó khăn do đại dịch.
Bộ trưởng Hùng cho biết thị trường lao động đang có sự chuyển dịch - đây là vấn đề của nhiều nước. Hơn nữa, cơ sở vật chất, kết nối sau dịch cũng gặp nhiều khó khăn… Gần đây, nhiều địa phương đã tổ chức hội nghị kết nối du lịch để kích cầu nhưng theo ông, các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch cần đồng bộ. Ông cũng mong muốn kéo dài các chính sách hỗ trợ, giảm thuế, giảm tiền điện đã triển khai cho ngành...
Nhắc nhở một số nội dung phản cảm
Nêu ý kiến tại hội trường, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng vấn đề đáng quan tâm nhất về văn hóa hiện nay là xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội. Theo ĐB Thúy, vấn đề này đã được chỉ ra từ lâu nhưng chưa được giải quyết.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết văn hóa là vấn đề rất rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Thời gian qua, Bộ VH-TT&DL đã chủ động ký kết với nhiều ngành để cùng các ngành, các cấp xây dựng môi trường văn hóa. “Đây cũng là trọng tâm của năm 2022 và những năm tiếp theo. Chúng tôi chọn đơn vị thôn, bản, ấp - nơi nuôi dưỡng, bồi dưỡng trực tiếp sinh hoạt của người dân để giáo dục, hình thành nếp sống văn hóa” - Bộ trưởng Hùng nói.
Đề cập đến việc ăn mặc chưa đúng mực của nghệ sĩ, ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) đặt câu hỏi đâu là ranh giới giữa phong cách thời trang và thuần phong mỹ tục?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận vừa qua một số nghệ sĩ có rất nhiều vấn đề phiền toái, ứng xử không đẹp, phản văn hóa. Bộ đã ban hành quy tắc ứng xử trong nghề nghiệp, nêu khát vọng cống hiến, lấy giá trị thước đo là chân thiện mỹ, lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Dù đây không phải là chế tài nhưng các văn nghệ sĩ “rất phấn khởi, coi đây là hướng vận động về phạm trù đạo đức để mọi người tự giác”.
“Một số nội dung phản cảm thì chúng ta có nhắc nhở. Chúng ta không thể lấy hình ảnh trang phục của nghệ sĩ trên sân khấu để làm theo, như vậy cũng không đúng vì cái này tùy theo gu thẩm mỹ” - ông Hùng nhìn nhận.
Nguồn PLO: https://plo.vn/mot-so-nghe-si-ung-xu-khong-dep-phan-van-hoa-post693337.html