Một số nội dung cần lưu ý khi sử dụng hóa đơn điện tử
Thực hiện Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, sử dụng hóa đơn điện tử là quy định bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất kinh doanh. Để minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ thuế tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, Cục Thuế tỉnh Sơn La lưu ý một số nội dung về hóa đơn điện tử đến các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh như sau:
Quy định về thời điểm lập hóa đơn (Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP):
Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).
Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.
Hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp: (Khoản 1, Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP)
Hóa đơn, chứng từ giả;Hóa đơn, chứng từ chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng;Hóa đơn bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, trừ trường hợp được phép sử dụng theo thông báo của cơ quan thuế;Hóa đơn điện tử không đăng ký sử dụng với cơ quan thuế;Hóa đơn điện tử chưa có mã của cơ quan thuế đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế;
Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn, chứng từ trước ngày xác định bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có thông báo của cơ quan thuế về việc bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nhưng cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã có kết luận đó là hóa đơn, chứng từ không hợp pháp.
Hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ: (Khoản 2, Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP)
Hóa đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định;Hóa đơn, chứng từ khống (hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ);
Hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả;Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn;
Hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác;Hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân khác (trừ hóa đơn của cơ quan thuế và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn) để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra;
Hóa đơn, chứng từ mà cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ.
Hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ(Điều 5,Nghị định số 123/2020/NĐ-CP).
Đối với tổ chức, cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan; Thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn; Cản trở công chức thuế thi hành công vụ, cụ thể các hành vi cản trở gây tổn hại sức khỏe, nhân phẩm của công chức thuế khi đang thanh tra, kiểm tra về hóa đơn, chứng từ;Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ; Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính.
Hậu quả pháp lý khi vi phạm quy định pháp luật thuế về hóa đơn
Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm của hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
5.1 Đối với các hành vi vi phạm chưa đến mức phải xử lý hình sự, tổ chức, cá nhân vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 125/2020/NÐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, cụ thể mức xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm điển hình như sau:
- Hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (quy định tại Điều 24 Nghị định 125/2020/NÐ-CP).
- Hành vi mua bán hóa đơn bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng (quy định tại Điều 22 Nghị định 125/2020/NÐ-CP).
- Hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn bị Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn quy định tại Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, trừ trường hợp được quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 16 và Điểm d, Khoản 1, Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
5.2 Đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng như: Trốn thuế; in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù đến 5 năm (quy định tại Điều 200, Ðiều 203, Bộ luật Hình sự năm 2015).