Một số nội dung chính của 7 luật vừa được công bố
Văn phòng Chủ tịch nước vừa tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6. Báo SGGP xin giới thiệu nội dung chính của 7 luật này.
Tích hợp nhiều thông tin, bỏ vân tay, quê quán; đủ 14 tuổi trở lên làm thẻ căn cước là bắt buộc
Luật Căn cước năm 2023 có 7 chương, 46 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024. Luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay và sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ” thành “số định danh cá nhân, căn cước, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú trên thẻ căn cước”… tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân; cấp, quản lý căn cước điện tử là nội dung mới so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014. Luật mới bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi theo nhu cầu, còn với người từ đủ 14 tuổi trở lên, làm thẻ căn cước là bắt buộc…
Tiêu chuẩn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023 có 5 chương, 33 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024. Luật quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trong đó, luật quy định công dân Việt Nam có nguyện vọng và có các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định sẽ được xem xét, tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tăng cường biện pháp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự gồm 6 chương, 34 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Việc xây dựng luật nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân thế trận chiến tranh nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới.
Quy định cụ thể các loại tài nguyên viễn thông được phân bổ qua hình thức đấu giá
Luật Viễn thông năm 2023 gồm 10 chương, 73 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024. Đáng chú ý, về đấu giá kho số viễn thông, tài nguyên internet, Luật Viễn thông năm 2023 đã quy định cụ thể các loại tài nguyên viễn thông được phân bổ qua hình thức đấu giá. Việc lựa chọn mã, số viễn thông phân bổ qua đấu giá sẽ do thị trường quyết định. Luật bổ sung quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông phải xác thực, lưu trữ, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các sim có thông tin không đầy đủ, không chính xác (sim rác), ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi vi phạm pháp luật…
Ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cấp cho sinh hoạt cho người dân các vùng khó khăn
Luật Tài nguyên nước 2023 gồm 10 chương và 86 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024; đã cụ thể hóa 4 nhóm chính sách về: bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác. Mục tiêu đến năm 2030, hướng tới nâng cao mức đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh tài nguyên nước hiệu quả trong khu vực Đông Nam Á và tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội
Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương, 198 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Luật Nhà ở (sửa đổi) có những điểm mới cơ bản liên quan đến chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh; phát triển nhà ở; cải tạo, xây dựng lại chung cư; chính sách về nhà ở xã hội; tài chính cho phát triển nhà ở; quản lý, sử dụng nhà ở; quản lý sử dụng nhà chung cư…Luật bổ sung 2 hình thức mới là phát triển nhà lưu trú công nhân và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân. Luật quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn.
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) gồm 10 chương, 83 điều
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) gồm 10 chương, 83 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có một số điểm mới liên quan đến phạm vi điều chỉnh của luật; các loại bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh; công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh; điều kiện đối với tổ chức cá nhân khi kinh doanh bất động sản; chính sách về kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng có sẵn và hình thành trong tương lai; chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản cho cá nhân tự xây dựng nhà ở và chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản cho tổ chức…
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mot-so-noi-dung-chinh-cua-7-luat-vua-duoc-cong-bo-post720262.html