Một số nội dung cơ bản của Luật Phòng cháy và chữa cháy

1. Nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy: Điều 4 của Luật quy định nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) như sau:

- Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động PC&CC.

- Trong hoạt động PC&CC lấy phòng ngừa là chính; phải tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra.

- Phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để khi có cháy xảy ra thì chữa cháy kịp thời, có hiệu quả.

- Mọi hoạt động PC&CC trước hết phải được thực hiện, giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.

2. Trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy:

Điều 5, Luật PC&CC quy định:

- PC&CC là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

- Công dân từ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe có trách nhiệm tham gia vào đội dân phòng, đội PC&CC cơ sở được lập ở nơi cư trú hoặc nơi làm việc khi có yêu cầu.

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình là người chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động và thường xuyên kiểm tra PC&CC trong phạm vi trách nhiệm của mình.

- Lực lượng Cảnh sát PC&CC có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra hoạt động PC&CC của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và làm nhiệm vụ chữa cháy.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm:

Điều 13 quy định các hành vi sau bị nghiêm cấm:

- Cố ý gây cháy, nổ làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người; gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng xấu đến môi trường, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

- Cản trở các hoạt động PC&CC; chống người thi hành nhiệm vụ PC&CC.

- Lợi dụng hoạt động PC&CC để xâm hại đến tính mạng, sức khỏe con người; xâm phạm tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân.

- Báo cháy giả.

- Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ; vi phạm nghiêm trọng các quy định quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt và các tiêu chuẩn về PC&CC đã được Nhà nước quy định.

- Thi công những công trình có nguy hiểm về cháy, nổ mà chưa có thiết kế được duyệt về PC&CC; nghiệm thu và đưa vào sử dụng công trình có nguy hiểm về cháy, nổ khi chưa đủ điều kiện bảo đảm an toàn về PC&CC.

- Làm hư hỏng, tự ý thay đổi, di chuyển phương tiện, thiết bị PC&CC, biển báo, biển chỉ dẫn và lối thoát nạn.

- Các hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.

4. Biện pháp cơ bản trong phòng cháy:

Điều 14 quy định 2 biện pháp sau:

- Quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất cháy, chất nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất sinh lửa, sinh nhiệt; bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy.

- Thường xuyên, định kỳ kiểm tra phát hiện các sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và có biện pháp khắc phục kịp thời.

5. Trách nhiệm chữa cháy và tham gia chữa cháy:

Điều 33 quy định:

- Người phát hiện thấy cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất và chữa cháy; cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân gần nơi cháy phải nhanh chóng thông tin và tham gia chữa cháy.

- Lực lượng PC&CC khi nhận được tin báo cháy trong địa bàn được phân công quản lý hoặc nhận được lệnh điều động phải lập tức đến chữa cháy; trường hợp nhận được thông tin báo cháy ngoài địa bàn được phân công quản lý thì phải báo ngay cho lực lượng PC&CC nơi xảy ra cháy, đồng thời phải báo cáo cấp trên của mình.

- Các cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường đô thị, giao thông và các cơ quan hữu quan khác khi nhận được yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng điều động người và phương tiện đến nơi xảy ra cháy để phục vụ chữa cháy.

- Lực lượng công an, dân quân, tự vệ có trách nhiệm tổ chức giữ gìn trật tự, bảo vệ khu vực chữa cháy và tham gia chữa cháy.

Minh Phượng (TH)

(Sở Tư pháp)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/135947/mot-so-noi-dung-co-ban-cua-luat-phong-chay-va-chua-chay.htm