MỘT SỐ VĂN BẢN HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MTQG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI PHÁT SINH NHIỀU VƯỚNG MẮC TRONG TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Chất lượng một số văn bản hướng dẫn trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030 không tốt. Do thiếu rõ ràng trong một số nội dung, dẫn đến tình trạng vừa khó khăn cho địa phương trong xây dựng cơ chế chính sách, vừa gây ra sự chậm trễ và thiếu thống nhất trong các quy định triển khai… Đây là đánh giá của Tổ công tác của Đoàn giám sát của Quốc hội tại buổi làm việc với Ủy ban Dân tộc sáng ngày 8/5 tại Nhà Quốc hội.

Toàn cảnh Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với Ủy ban Dân tộc.

Toàn cảnh Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với Ủy ban Dân tộc.

Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” làm việc với Ủy ban Dân tộc, Đoàn giám sát đã nghe báo cáo của Ủy ban Dân tộc và Tổ công tác về việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN) giai đoạn 2021-2030.

Tỷ lệ giải ngân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS và MN đạt 43,76% so với kế hoạch.

Thực hiện Nghị quyết số 120 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN) giai đoạn 2021-2030, tháng 10/2021 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình. Theo đó, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030 cấp trung ương được đặt tại Ủy ban Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc là Phó Trưởng ban thường trực.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Báo cáo với Đoàn giám sát về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, đến nay cấp trung ương đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN. Các địa phương đã chủ động bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tỉnh ủy để tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ được giao, cũng như các chính sách dân tộc trên địa bàn. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo có chuyển biến tích cực; nắm bắt kịp thời và tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình. Các sở, ngành, địa phương theo phân công đã có sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả, bám sát chỉ đạo, tích cực tham mưu xây dựng kế hoạch và hướng dẫn cấp cơ sở, các chủ đầu tư thực hiện…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng báo cáo với Đoàn giám sát về kết quả thực hiện 10 dự án, tiểu dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng DTTS và MN: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng DTTS và MN và các đơn vị sự nghiệp công lập; Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Đầu tư nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc thiểu số còn khó khăn; Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và MN; kiểm tra, giám sát đánh giá việc thực hiện chương trình.

Về kết quả giải ngân thực hiện Chương trình, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, năm 2022, kết quả quả giải ngân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia DTTS và MN trên cả nước đạt 5.721.233 triệu đồng, đạt tỷ lệ trung bình 43,76% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội.

Thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai. Đó là các bộ, cơ quan trung ương đã ban hành cơ bản đầy đủ văn bản hướng dẫn nhưng nhiều văn bản quy định, hướng dẫn ban hành chậm so với kế hoạch; có nhiều quy định, hướng dẫn thiếu đồng bộ, chưa rõ, chưa đầy đủ, chưa tạo điều kiện phân cấp nên không đảm bảo căn cứ pháp lý, hoặc dẫn đến khó khăn tổ chức triển khai thực hiện.

Hoạt động xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất, nhất là các mô hình, dự án liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở nhiều địa phương nhìn chung còn hạn chế, chưa có nhiều mô hình mới được xây dựng.

Danh mục các dự án thuộc các chương trình với đặc thù đa số là các dự án nhỏ, quy mô không phức tạp, có thiết kế mẫu và số lượng danh mục dự án rất lớn, trong quá trình triển khai thực hiện dễ phát sinh việc điều chỉnh, bổ sung danh mục. Việc quy định phải trình Hội đồng nhân dân tỉnh dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư và giảm sự linh động trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số địa phương chưa quyết tâm, quyết liệt, dẫn đến có sự chậm trễ trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là tiến độ giao vốn thực hiện Chương trình.

Một số văn bản hướng dẫn phát sinh nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Báo cáo kết quả làm việc của Tổ công tác với Ủy ban Dân tộc về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 do Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân trình bày cho biết, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc đã tập trung chỉ đạo tiếp thu tối đa các ý kiến của Tổ công tác Đoàn giám sát; báo cáo thể hiện rõ vai trò của Ủy ban Dân tộc trong thúc đẩy thực hiện Chương trình. Văn bản về bộ máy tổ chức, chỉ đạo thực hiện cũng như các văn bản hướng dẫn đã được xây dựng, ban hành bám sát chỉ đạo của Chính phủ.

Về tiến độ thực hiện, theo số liệu báo cáo đến nay đạt 43,76% là khá cao trong bối cảnh còn có nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chương trình nhưng báo cáo của Ủy ban Dân tộc còn thiếu thống nhất về số liệu giải ngân.

Việc Ủy ban Dân tộc đánh giá mức độ hoàn thành 100% mục tiêu vào cuối năm 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội như trong báo cáo nhưng chưa làm rõ cơ sở cho các dự báo này. Tổ công tác nhận thấy việc thực hiện những năm còn lại của kế hoạch sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, Ủy ban Dân tộc cần rà soát và nếu cần thiết kiến nghị với Chính phủ để trình Quốc hội xem xét điều chỉnh các mục tiêu của Chương trình.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân.

Tổ công tác của Đoàn giám sát cũng đề nghị Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, bổ sung thêm các phân tích, đánh giá cụ thể về quy trình xây dựng chính sách gặp những khó khăn, hạn chế gì? Văn bản nào còn có vướng mắc và vấn đề vướng mắc chủ yếu? Địa phương nào có cách làm hay, sáng kiến tốt? Chỉ rõ những khó khăn của quá trình triển khai, những nút thắt về chất lượng chính sách…

Nhấn mạnh nguyên tắc “phân cấp, trao quyền” như đã nêu trong Nghị quyết 120, Tổ Công tác kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định rõ nội dung nào mang tính nguyên tắc thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế khung, các vấn đề cụ thể thì phân cấp cho địa phương xây dựng cơ chế thực hiện.

Chất lượng một số văn bản khung còn phát sinh rất nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện do thiếu rõ ràng trong một số nội dung, đặc biệt có một số nội dung phức tạp, cần có hướng dẫn cụ thể lại không quy định trong các văn bản khung mà giao địa phương xây dựng hướng dẫn chi tiết, dẫn đến tình trạng vừa khó khăn cho địa phương trong xây dựng cơ chế chính sách, vừa gây ra sự chậm trễ và thiếu thống nhất trong các quy định triển khai chương trình.

Ngoài ra, các quy định hiện nay của Chính phủ về “không phát sinh thêm thủ tục hành chính’; “không hướng dẫn lại văn bản cấp trên” đang là trở ngại rất lớn cho các địa phương khi triển khai chỉ đạo. Vì vậy, Tổ công tác kiến nghị Chính phủ xem xét tháo gỡ khó khăn để các địa phương phát huy được tinh thần phân cấp trao quyền, sáng tạo trong hướng dẫn triển khai.

Đối với Ủy ban Dân tộc, Tổ công tác của Đoàn giám sát đề nghị rà soát, sửa đổi Thông tư 01/2022/TT-UBDT và Thông tư 02/2022/TT-UBDT. Phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi Thông tư 15/2022/TT-BTC theo hướng tạo điều kiện thực hiện tối đa cho các địa phương, đặc biệt chú trọng thúc đẩy các nguyên tắc về tăng cường sự tham gia, phát huy vai trò làm chủ của cộng đồng trong thực hiện Chương trình. Trên cơ sở rà soát, đánh giá lại quá trình triển khai thực hiện Chương trình, Ủy ban Dân tộc kiến nghị các nội dung cần tiếp tục ưu tiên trong giai đoạn II (2026-2030) về những nội dung cần điều chỉnh hoặc loại bỏ…

Lan Hương - Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=75553