Một số vấn đề cần quan tâm trong thực hiện tự chủ tài chính đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập
Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 09/01/2023 đã có hiệu lực thi hành từ 01/01/2024. Một trong những chính sách quan trọng được Luật quy định là điều kiện về đảm bảo tài chính cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Để chính sách đi vào cuộc sống và thực chất, hiệu quả, bài viết này tìm hiểu một số nội dung cơ bản về đảm bảo tài chính cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động và những vấn đề thuộc trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập khám bệnh, chữa bệnh cần quan tâm để thực hiện tốt cơ chế tự chủ tài chính.
Các quy định đảm bảo điều kiện về tài chính đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Điều 106 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sự nghiệp khám bệnh, chữa bệnh có các nguồn tài chính: Ngân sách Nhà nước (NSNN); Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT); Kinh phí chi trả của người bệnh; Viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; Nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Đối với nguồn NSNN chi cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, Điều 107 của Luật quy định nội dung sử dụng gồm: Chi cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) thuộc danh mục dịch vụ KCB sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và thực hiện nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao nhiệm vụ;
Chi hỗ trợ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về cơ chế tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm bảo đảm chi thường xuyên cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trong trường hợp không cân đối được chi thường xuyên; Chi đầu tư phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; Chi đóng, hỗ trợ tiền đóng BHYT cho đối tượng được Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ theo quy định của pháp luật về BHYT.
Đối với cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp khám bệnh, chữa bệnh công lập), theo Điều 108 Luật quy định nội dung tự chủ tài chính của đơn vị, gồm:
Thứ nhất, tự chủ về nguồn tài chính: Đơn vị được quyết định mức thu dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định, trừ trường hợp do nhà nước định giá; quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phục vụ người bệnh, thân nhân của người bệnh theo quy định của pháp luật, trừ dịch vụ, hàng hóa do Nhà nước định giá. Với các quy định này, cơ sở khám chữa bệnh được quyết định hoạt động tạo nguồn thu, nội dung thu, mức thu dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh ngoài các dịch vụ do nhà nước định giá.
Thứ hai, về sử dụng nguồn tài chính: Đơn vị được quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp đề đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; quyết định nội dung chi và mức chi từ nguồn thu dịch vụ KCB và thu sự nghiệp, nguồn kinh phí đặt hàng theo quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với quy định của pháp luật và khả năng tài chính của cơ sở; quyết định sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật nhằm mục đích phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên tắc bảo toàn, phát triển; tiếp nhận, quản lý, khai thác, sử dụng các tài sản do tổ chức, cá nhân cho, tặng trên nguyên tắc công khai, minh bạch và không ràng buộc lợi ích giữa các bên để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Đối với đơn vị tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên khi quyết định giá dịch vụ KCB thì không vượt quá giá dịch vụ KCB tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định, trừ giá dịch vụ KCB theo yêu cầu và giá dịch vụ KCB hình thành từ hoạt động hợp tác theo hình thức đối tác công tư.
Quy định này cho thấy chính sách của nhà nước không được thương mại hóa các dịch vụ KCB thiết yếu để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh của mọi người dân.
Về thu hút nguồn lực xã hội, Điều 109 Luật cho phép các cơ sở Y tế được đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Luật còn bổ sung thêm hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm: Vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; Thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Mua trả chậm, trả dần; thuê, mượn thiết bị y tế; Tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài).
Chính sách này tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động nguồn lực để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhưng cũng đặt các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động trong điều kiện cạnh tranh và tác động đến việc thực hiện tự chủ tài chính của đơn vị.
Về giá dịch vụ KCB tại Điều 110, Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định các yếu tố cấu thành giá dịch vụ KCB, gồm:
Chi phí nhân công bao gồm tiền lương, tiền công phù hợp với loại hình cung cấp dịch vụ, các khoản đóng góp theo lương và các khoản phụ cấp theo quy định;
Chi phí trực tiếp bao gồm chi phí thuốc, hóa chất, máu, chế phẩm máu và chi phí nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, nhiên liệu, năng lượng sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh và các khoản chi phí trực tiếp khác;
Chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định;
Chi phí quản lý bao gồm chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế, tài sản cố định, chi phí bảo vệ môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin, chi phí mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, chi phí quản lý chất lượng, lãi vay (nếu có) và các chi phí khác có liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Đối với Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh: Đây là quỹ đặc thù đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Điều 111 của Luật có quy định Quỹ này được thành lập để hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn hoặc không có khả năng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh; chi trả cho các trường hợp rủi ro nghề nghiệp trong khám bệnh, chữa bệnh và các hoạt động khác.
Về mặt sở hữu, Quỹ có thể do tổ chức, cá nhân thành lập được tổ chức, hoạt động và quản lý theo quy định của pháp luật về quỹ xã hội, quỹ từ thiện; Quỹ do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập từ nguồn tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân, nguồn kinh phí của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật được tổ chức, hoạt động và quản lý theo quy định tại quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với quy định của pháp luật.
Một số quy định khác liên quan đến thực hiện tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp khám bệnh, chữa bệnh công lập
Cùng với những quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 nêu trên, các đơn vị sự nghiệp công lập khám bệnh, chữa bệnh đang thực hiện các quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ, như: Quy định về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN trong lĩnh vực y tế; về quản lý giá cả dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN.
Theo quy định tại Điều 5 và Điều 9 của Nghị định, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN xác định theo quy định của pháp luật về giá và các định mức kinh tế-kỹ thuật và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá hoặc mức bình quân chi phí hợp lý, hợp lệ thực hiện của 03 năm trước liền kề.
Đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá). Đơn vị cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng NSNN, giá dịch vụ sự nghiệp công xác định theo cơ chế thị trường, có tính đủ khấu hao tài sản cố định và có tích lũy dành chi đầu tư.
Tự chủ về sử dụng nguồn tài chính, theo quy định tại Điều 26 Nghị định 60/2021/NĐ-CP, đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế - dân số thực hiện theo quy định tại Điều 12, Điều 16 và Điều 20 Nghị định này và các quy định sau: Đơn vị sự nghiệp công được thuê các đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật y tế để đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong trường hợp đơn vị sự nghiệp công không có đủ trang thiết bị để thực hiện các dịch vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Hội đồng quản lý thông qua đề án thuê dịch vụ, trong đó nêu rõ danh mục các dịch vụ cần thuê; khối lượng; tiêu chuẩn, chất lượng (nếu có) và giá của dịch vụ đi thuê; phương thức thanh toán; trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công và bên cung cấp dịch vụ.
Tự chủ trong phân phối kết quả tài chính và sử dụng các quỹ. Đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế - dân số thực hiện phân phối kết quả tài chính trong năm theo quy định tại Điều 14, Điều 18 và Điều 22 Nghị định này.
Tùy theo khả năng nguồn tài chính trích lập Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh để hỗ trợ cho đối tượng chính sách thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo hoặc gia đình có khó khăn về kinh tế. Nội dung hỗ trợ gồm: Tiền ăn khi điều trị nội trú; tiền đi lại từ nhà đến bệnh viện, từ bệnh viện về nhà và chuyển bệnh viện; chi phí khám bệnh, chữa bệnh ngoài phạm vi được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác có chi phí cao mà người bệnh không đủ khả năng chi trả. Thủ trưởng đơn vị xây dựng quy chế hỗ trợ, bảo đảm công khai, minh bạch.
Tự chủ trong giao dịch tài chính: Theo Điều 23 Nghị định 60/2021/NĐ-CP: Đơn vị nhóm 3 và nhóm 4 mở tài khoản chuyên thu tại ngân hàng thương mại đối với các khoản thu dịch vụ KCB, dịch vụ y tế dự phòng, học phí theo mức giá quy định của cơ quan NN có thẩm quyền; định kỳ nộp vào tài khoản tiền gửi của đơn vị mở tại Kho bạc NN để quản lý theo quy định.
Về quản lý, sử dụng tài sản: Đơn vị khám bệnh, chữa bệnh công lập thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP. Việc quản lý, sử dụng tài sản công phải được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng. Đơn vị sự nghiệp công có trách nhiệm quản lý, sử dụng và áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật; phải trích khấu hao và tính hao mòn tài sản cố định theo quy định của pháp luật, số tiền trích khấu hao tài sản cố định được bổ sung Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị.
Tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết:Theo điều 25 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, Đơn vị sự nghiệp công được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội. Việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết phải bảo đảm các yêu cầu theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đơn vị sự nghiệp công xây dựng phương án bảo đảm nguồn tài chính, nguồn nhân lực cho hoạt động của đơn vị và cơ sở liên doanh, liên kết. Mô hình liên doanh, liên kết bao gồm: Thành lập pháp nhân và không thành lập pháp nhân. Khi sử dụng tài sản công vào hoạt động liên doanh, liên kết đơn vị phải xây dựng Đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Một số vấn đề cần quan tâm, thực hiện đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khám bệnh, chữa bệnh để thực hiện tốt cơ chế tự chủ tài chính hiện nay
Để thực hiện tốt quy định đảm bảo điều kiện về tài chính đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 và cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Chính phủ, trong điều kiện hiện nay, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần triển khai một cách hiệu quả các giải pháp chủ yếu sau trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính:
Thứ nhất, rà soát hệ thống danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu của đơn vị, xây dựng giá dịch vụ bù đắp đủ chi phí và đảm bảo chất lượng dịch vụ tương xứng
Dịch vụ và giá dịch vụ KCB theo yêu cầu là các yếu tố quan trọng tạo nguồn thu của đơn vị sự nghiệp khám bệnh, chữa bệnh. Luật Khám chữa bệnh 2023 cho phép đơn vị được tự chủ trong việc thực hiện dịch vụ KCB theo yêu cầu, được tự chủ về nội dung thu, mức thu, nội dung chi và mức chi đối với các dịch vụ này.
Với giải pháp này, đơn vị cần tổ chức rà soát, công bố danh mục dịch vụ KCB theo yêu cầu, trong đó làm rõ, công khai nội hàm của dịch vụ, tiêu chí chất lượng dịch vụ (làm rõ sự khác biệt về nội dung dịch vụ theo yêu cầu với dịch vụ thường; quyền lợi của người bệnh,...), giá dịch vụ để người bệnh hiểu rõ quyền lợi của mình khi lựa chọn sử dụng các dịch vụ theo yêu cầu.
Đối với giá dịch vụ KCB theo yêu cầu, cần tính đầy đủ các yếu tố chi phí đầu vào, không bù chéo từ cách nguồn khác. Để thực hiện yêu cầu này, đơn vị cần xây dựng các định mức kinh tế- kỹ thuật, lập phương án giá với các khoản chi phí cụ thể trên cơ sở áp dụng phương pháp chi phí, phương pháp so sánh (với các cơ sở Y tế khác) hoặc kết hợp cả hai phương pháp, trong đó chi phí tiền lương cần phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định hiện hành của nhà nước. Đối với các khoản mục chi phí phải phân bổ, như: chi phí quản lý chung, chi phí công tác phí,.. cần xác định tiêu chí phân bổ phù hợp đối với đối tượng tập hợp chi phí.
Thứ hai, về tổ chức quản lý tài chính tại đơn vị
Định kỳ cần tổ chức rà soát hoàn thiện các quy chế thuộc thẩm quyền trách nhiệm ban hành của đơn vị như: Quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý, sử dụng tài sản, quy chế công khai tài chính (trong đó, chú trọng hoàn thiện quy trình quản lý, xây dựng định mức chi tiêu, định mức chi phí trong hoạt động KCB; hoàn thiện cơ chế phân phối sử dụng các quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi nhằm ghi nhận, khuyến khích cống hiến của Y bác sĩ có thành thích cao, chuyên môn giỏi).
Tăng cường phát huy quyền tự chủ về quản lý nguồn thu, mức thu, nội dung chi và mức chi trong hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh. Tổ chức hạch toán kế toán, thống kê tình hình thực hiện kế hoạch KCB để cung cấp đầy đủ thông tin cho các cấp lãnh đạo. Việc tổ chức hệ thống tài khoản chi tiết, mở các sổ kế toán theo dõi các khoản chi cần được chú trọng để đáp ứng yêu cầu quản lý; đồng thời, cần xây dựng tiêu chí phân bổ các khoản chi phí vào giá thành dịch vụ để áp dụng.
Xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị trực thuộc, phù hợp với đặc thù của đơn vị và nhu cầu ngày càng cao của người bệnh. Đây là cơ sở cho việc giao nhiệm vụ, khuyến khích trong đơn vị, tạo sự chủ động trong việc sử dụng các nguồn lực, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng cường tính chuyên nghiệp trong quản lý, các đơn vị cần quan tâm nghiên cứu, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nội bộ đơn vị.
Thứ ba, hoàn thiện quản lý sử dụng tài sản, liên doanh liên kết
Việc hoàn thiện giải pháp quản lý sử dụng tài sản công tại đơn vị sẽ tăng cường quản lý sử dụng tài sản có hiệu quả đối với đơn vị.
Các cơ sở y tế cần thực hiện các nội dung như nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch mua sắm tài sản mới, thay thế tài sản hiện có không còn sử dụng được;việc kiểm kê, đánh giá định kỳ hiện trạng tài sản, máy móc, thiết bị công bao gồm đánh giá hiệu năng hoạt động của tài sản để đề xuất lập kế hoạch mua sắm, sửa chữa, thay thế sát thực tế yêu cầu;
Về đảm bảo nguồn vốn đầu tư, mua sắm: Vốn đầu tư từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp cần tập trung ưu tiên cho việc xây dựng cơ sở vật chất, cải tạo cơ sở KCB, mua sắm tài sản, hiện đại hóa công tác khám, chữa bệnh, đảm bảo tính chủ động, ứng phó kịp thời với các tình huống tài sản công bảo dưỡng sửa chữa kịp thời;
Rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện quy chế sử dụng tài sản cố định, trong đó, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn sử dụng tài sản, phát hiện kịp thời những tình huống máy móc thiết bị có hiện tượng hư hỏng; quy định tăng cường vai trò, trách nhiệm trong quản lý tài sản của người đứng đầu các khoa, phòng; đặc biệt là cán bộ hành chính của các phòng, khoa, trung tâm trong việc theo dõi sử dụng tài sản.
Thứ tư, hoàn thiện về cơ chế quản lý liên doanh, liên kết
Xuất phát từ xu hướng đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp y tế, các khám bệnh, chữa bệnh công lập cần rà soát việc thực hiện cơ chế tự chủ trong liên doanh, liên kết và thực hiện đúng Điều 17 Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ, hoàn thiện các hồ sơ thủ tục, đề án liên doanh, liên kết trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Trong giải pháp này, mỗi đơn vị cần thực hiện các nội dung như: Tổ chức rà soát hoạt động liên doanh, liên kết hiện nay để đánh giá hiệu quả và đề xuất giải pháp xử lý đối với các hợp đồng kém hiệu quả; xây dựng quy chế quản lý hoạt động liên doanh, liên kết (trong đó xác định rõ mô hình liên doanh, liên kết có thành lập pháp nhân hay không thành lập pháp nhân); trách nhiệm, quyền lợi của các bên; Xây dựng đề án liên doanh, liên kết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định;
Cần lưu ý xác định giá trị tài sản của đối tác đúng thực tế, ngoài việc xác định giá trị tài sản hữu hình đóng góp của các bên, cần lưu ý giá trị thương hiệu, uy tín của đơn vị liên quan đến công suất khai thác tài sản của các đối tác để làm cơ sở phân chia hiệu quả kinh tế phù hợp với sự đóng góp của các bên;
Rà soát, xây dựng tiêu chí phân bổ khấu hao tài sản cố định cho các loại dịch vụ của BV làm cơ sở cho việc tính khoản mục chi phí khấu hao cho giá thành dịch vụ theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định trong cơ ĐVSNCL do Bộ Tài chính quy định (Thông tư 45/2018/TT-BTC).
Thứ năm, giải pháp kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan BHXH cạnh những giải pháp thuộc trách nhiệm quản lý nội bộ, các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh công lập cần đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét đa dạng hóa mức chi trả BHYT để đáp ứng yêu cầu KCB đối với các trường hợp đặc thù.
Dịch vụ KCB có rất nhiều đối tượng, bệnh lý khác nhau, có hoàn cảnh khác nhau; trong đó có nhiều bệnh nhân sống ở vùng nghèo, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, điều trị nhiều ngày, bệnh nhân mắc các bệnh khó đóng góp chi phí cho việc KCB như: bệnh tâm thần, phong, lao,...
Nếu không có BHYT thì rất khó khăn cho việc đảm bảo bù đắp chi phí cho đơn vị. Vì vậy, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nên thống kê, báo cáo với các cấp có thẩm quyền ban hành chính sách an sinh xã hội trong lĩnh vực KCB phù hợp đối với những trường hợp này.
Ngoài ra, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần đề nghị cơ quan BHXH có cơ chế đẩy nhanh hơn nữa việc thanh toán BHYT để đáp ứng kịp thời kinh phí cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tránh tồn đọng nợ phải thu lớn, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ KCB và việc cung ứng thuốc, vật tư tiêu hao phục vụ KCB.
Để thực hiện tốt Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 và cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, cần phát huy trách nhiệm tổ chức triển khai, chỉ đạo của người đứng đầu đơn vị và vai trò tham mưu của các phòng chuyên môn, cán cán bộ quản lý tài chính, đầu tư. Khi đã xác định rõ được những nhiệm vụ cần làm, vấn đề còn lại là tổ chức triển khai thực hiện.