Một số vấn đề cụ thể thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng
Ngày 20 tháng 3 năm 2020, thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Hướng dẫn số 03-HD/TW hướng dẫn 'một số vấn đề cụ thể thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng'.
1. Để tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ngày 30 tháng 5 năm 2019 (đúng 5 năm sau Chỉ thị số 36-CT/TW), Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW “về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” (từ đây gọi là Chỉ thị số 35). Như vậy, Chỉ thị số 35 đã chính thức thay thế Chỉ thị số 36. Để thực hiện Chỉ thị 35, ngày 18 tháng 10 năm 2019, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW “về một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.
Ngày 9 tháng 6 năm 2014, Bộ Chính trị ban hành Quyết định 244-QĐ/TW “về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng” đã được thực hiện trong bầu cử của đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XII của Đảng. Hướng dẫn số 03-HD/TW hướng dẫn “một số vấn đề cụ thể thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng” ngày 20 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư, phần căn cứ ban hành ghi rõ: “Căn cứ Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng”. Như vậy, các nội dung của Quyết định số 244 sẽ vẫn có hiệu lực trong công tác bầu cử trong Đảng ở các cấp và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
2. Hướng dẫn số 03 bao gồm 11 vấn đề cụ thể. Các vấn đề cụ thể thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng theo hướng dẫn này bao gồm: (1). Về đối tượng và phạm vi điều chỉnh (Điều 1). (2) Về số lượng và danh sách đoàn chủ tịch (chủ tịch) đại hội, cơ quan tiếp nhận hồ sơ ứng cử, đề cử của đảng viên (Khoản 1, Khoản 2, Điều 4). (3) Về kiểm phiếu bằng máy tính (Điều 7). (4) Về thủ tục, hồ sơ ứng cử, đề cử (Điều 10, Điều 12). (5) Về trách nhiệm của người đề cử trong việc giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy tại đại hội (Điều 11). (6) Về việc cho rút và không cho rút khỏi danh sách bầu cử (Khoản 4, Khoản 5, Điều 5). (7) Việc lấy phiếu xin ý kiến đối với những người ứng cử, được đề cử tại đại hội (hội nghị). (8) Về số dư và danh sách bầu cử (Điều 16). (9) Về lấy phiếu giới thiệu bí thư cấp ủy. (10) Danh sách trích ngang của các ứng cử viên (Điều 18). (11) Về việc bầu đủ số lượng đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên, triệu tập hoặc không triệu tập đại biểu thay thế đại biểu dự đại hội đối với một số trường hợp cụ thể (Điều 20)…
3. Hướng dẫn số 03 đã ghi rõ về việc thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng với các nội dung hướng dẫn việc ứng cử, đề cử từ cấp cơ sở đến cấp huyện và tương đương trở lên.
Đối với việc ứng cử, đề cử ở đại hội đại biểu đảng bộ cơ sở, Hướng dẫn ghi rõ, trường hợp đảng viên chính thức không phải là đại biểu đại hội nếu ứng cử để đại hội xem xét bầu vào cấp ủy thì làm đơn ứng cử (có mẫu) nộp đảng ủy cơ sở. Trường hợp đại biểu chính thức của đại hội khi đề cử đảng viên chính thức không phải là đại biểu của đại hội để đại hội xem xét bầu vào cấp ủy thì chuẩn bị phiếu đề cử (có mẫu) nộp cho đoàn chủ tịch đại hội; phiếu đề cử phải có ý kiến đồng ý của người được đề cử. Đối với việc ứng cử, đề cử ở đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương, theo hướng dẫn, việc ứng cử, đề cử ở đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương trở lên, thủ tục, hồ sơ ứng cử được hướng dẫn như sau: Đối với đại biểu chính thức ở đại hội đại biểu nếu ứng cử để đại hội xem xét bầu vào cấp ủy thì làm đơn ứng cử (có mẫu) nộp đoàn chủ tịch đại hội. Trường hợp đảng viên chính thức không phải là đại biểu đại hội nếu ứng cử để đại hội xem xét bầu vào cấp ủy thì nộp hồ sơ ứng cử cho cơ quan tổ chức của cấp ủy triệu tập đại hội chậm nhất là 15 ngày làm việc trước ngày khai mạc đại hội. Về thủ tục, hồ sơ đề cử: Đối với đại biểu chính thức của đại hội nếu đề cử đảng viên chính thức trong đảng bộ không phải là đại biểu của đại hội để đại hội xem xét bầu vào cấp ủy thì chuẩn bị hồ sơ đề cử, nộp đoàn chủ tịch đại hội. Tại đại hội (hội nghị), nếu việc ứng cử, đề cử được tổ chức tại các đoàn đại biểu thì trưởng đoàn đại biểu tổng hợp danh sách những người ứng cử, được đề cử (không lấy danh nghĩa đoàn đại biểu đề cử; không biểu quyết danh sách ứng cử, đề cử tại đoàn) nộp đoàn chủ tịch đại hội.
Một trong những nội dung mới đáng chú ý trong Hướng dẫn 03 so với Hướng dẫn 04 trước đây là việc quy định kiểm phiếu bằng máy vi tính. Theo đó, nếu kiểm phiếu bằng máy vi tính, cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy cấp triệu tập đại hội phải lựa chọn nhân viên kỹ thuật bảo đảm tiêu chuẩn chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, bảo đảm công tác bảo mật, giới thiệu cho đoàn chủ tịch đại hội xem xét, quyết định việc sử dụng.
Như vậy, về quy chế bầu cử trong Đảng hiện nay, từ cấp cơ sở trở lên thực hiện theo các quy định, đó là: Chỉ thị số 35-CT/TW “về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”; Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương “về một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”; Quyết định 244-QĐ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Bộ Chính trị “về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng” và Hướng dẫn số 03-HD/TW, ngày 20 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư “một số vấn đề cụ thể thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng”.