MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐƯỢC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI QUAN TÂM, THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ TẠI KỲ HỌP THỨ 5

Theo chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, khóa XV, sáng 28/8, các đại biểu sẽ cho ý về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trước đó, tại Kỳ họp thứ 5, dự án Luật này đã nhận được nhiều sự quan tâm, cho ý kiến của các đại biểu Quốc hội với 144 lượt ý kiến thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật này.

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, đa số ý kiến phát biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành luật như Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã nêu. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị làm rõ thêm về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, yêu cầu thực tiễn để tính thuyết phục về sự cần thiết ban hành Luật. Một số ý kiến băn khoăn về sự cần thiết thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, vì hiện nay đã bố trí Công an cấp xã chính quy. Có ý kiến cho rằng cần giữ nguyên các lực lượng hiện có ở cơ sở và tăng cường chế độ, chính sách cho các lực lượng này.

Tại Kỳ họp thứ 5, sáng 20/6, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Tại Kỳ họp thứ 5, sáng 20/6, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật để bao quát hết các lực lượng có tính chất tự nguyện, tự quản tham gia hỗ trợ Công an cấp xã. Một số ý kiến đề nghị rà soát rà soát nội dung của dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Hòa giải ở cơ sở… Một số ý kiến đề nghị làm rõ về tính khả thi và tính hiệu quả khi bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Nhiều ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng quy định về vị trí, chức năng của lực lượng này thiếu cụ thể, còn chồng chéo, trùng lặp với vị trí, chức năng của Công an cấp xã và một số lực lượng hiện có ở cơ sở đã được quy định trong Luật Công an nhân dân, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Phòng cháy, chữa cháy…Đề nghị thể hiện rõ hơn vị trí, địa vị pháp lý của lực lượng này để làm căn cứ cho việc quy định chức năng, nhiệm vụ, bố trí lực lượng và bảo đảm điều kiện hoạt động cho lực lượng này. Một số ý kiến đề nghị xác định rõ đây là lực lượng của Nhà nước hay là lực lượng tự quản, do cơ quan nào thành lập, quản lý, chịu trách nhiệm; làm rõ hơn tính chất, mức độ, phạm vi tham gia hỗ trợ cho lực lượng Công an.

Về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Bên cạnh các ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật, nhiều ý kiến cũng cho rằng một số nhiệm vụ quy định cho lực lượng này quá nhiều và nặng, vượt quá chức năng, trình độ, năng lực của lực lượng này, khó bảo đảm tính khả thi; cần quy định phù hợp với vị trí, chức năng, trình độ, năng lực; thể hiện rõ tính chất tham gia hỗ trợ; tránh chồng chéo, trùng lặp với nhiệm vụ của Công an cấp xã và các lực lượng khác ở cơ sở như Dân quân tự vệ, lực lượng bảo vệ… đã được quy định của các luật có liên quan.

Tại Kỳ họp thứ 5, sáng 24/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tại Kỳ họp thứ 5, sáng 24/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quyền hạn của lực lượng này, rà soát thực tiễn nhiệm vụ các thành phần trước khi kiện toàn đang thực hiện, có khả năng thực hiện để quy định trọng Luật bảo đảm tính khả thi. Một số ý kiến cho rằng, một số nhiệm vụ còn chung chung, đề nghị quy định cụ thể, rõ ràng hơn để dễ thực hiện.

Về tiêu chuẩn tuyển chọn lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Nhiều ý kiến nhất trí như dự thảo Luật. Nhiều ý kiến cho rằng quy định tiêu chuẩn như dự thảo Luật là quá cao, đề nghị quy định cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi. Nhiều ý kiến đề nghị ưu tiên tuyển chọn các trường hợp là bộ đội, công an xuất ngũ, cựu chiến binh, đảng viên, đoàn thanh niên, đồng bào dân tộc, người trong các tôn giáo, người am hiểu về phong tục, tập quán, nắm vững địa bàn, người có uy tín, tham gia vào lực lượng này. Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định tiêu chuẩn về độ tuổi tối đa tham gia lực lượng.

Về bố trí lực lượng, thẩm tra hồ sơ, bầu Tổ viên, chức danh, công nhận chức danh, thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự: Nhiều ý kiến nhất trí quy định về xây dựng lực lượng như dự thảo Luật. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể số lượng tối đa, tối thiểu, tiêu chí, điều kiện thành lập Tổ bảo vệ an ninh trật tự. Nhiều ý kiến đề nghị về số lượng Tổ bảo vệ an ninh trật tự, số lượng thành viên mỗi Tổ tại từng thôn cần tính toán đến đặc thù của địa bàn thành thị, nông thôn, vị trí địa lý, quy mô dân số, quy mô kinh tế, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự và việc bố trí các lực lượng khác sẵn có tại địa phương. Một số ý kiến đề nghị rà soát lại quy trình thành lập lực lượng, bầu Tổ viên để đơn giản trình tự, thủ tục.

Các đại biểu tại phiên họp thảo luận toàn thể hội trường

Các đại biểu tại phiên họp thảo luận toàn thể hội trường

Về bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Nhiều ý kiến đề nghị báo cáo đánh giá kỹ hơn về tổ chức, ngân sách khi thành lập lực lượng này. Một số ý kiến đề nghị tính toán đầy đủ mức chi ngân sách, mức hỗ trợ để vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vừa động viên, khuyến khích được người dân tham gia lực lượng, vừa bảo đảm khả năng chi của ngân sách và phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Nhiều ý kiến đề nghị rà soát các quy định về bố trí nơi làm việc cho lực lượng này để bảo đảm tính khả thi. Cũng có ý kiến đề nghị giao địa phương bố trí địa điểm, nơi làm việc cho lực lượng này và quy định theo hướng mở để các địa phương thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương mình. Có ý kiến đề nghị quy định rõ trụ sở làm việc của lực lượng này được bố trí ở đâu, xây dựng mới hay như thế nào.

Về bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ chế độ, chính sách đối với lực lượng này và cần bảo đảm tính tương quan, hài hòa với chế độ, chính sách đối với các lực lượng khác ở cơ sở hiện nay. Một số ý kiến đề nghị rà soát, quy định cụ thể, rõ ràng hơn về hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, quy định chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho lực lượng này.

Về quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và huy động lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định rõ mối quan hệ, cơ chế phối hợp với các tổ chức khác ở cơ sở như cấp ủy, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Ban công tác mặt trận, lực lượng quân sự, dân quân tự vệ, các tổ chức, đoàn thể khác ở cơ sở để xác định rõ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời giám sát, đánh giá được hiệu quả hoạt động đối với lực lượng này.

Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến về bố cục của Luật và một số nội dung cụ thể khác như nguyên tắc tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; hành vi bị nghiêm cấm; về trang bị, quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; giải quyết trường hợp lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ; về nhiệm vụ chi của Bộ Công an, nhiệm vụ chi của địa phương, trách nhiệm của cơ quan tổ chức; về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Thời gian qua, các cơ quan đã tích cực phối hợp tiến hành nhiều phiên họp để trao đổi, thảo luận làm rõ các nội dung, đi đến thống nhất nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau. Đồng thời tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến về các nội dung của dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79323