Một số vấn đề rút ra qua đấu tranh Chuyên án VBT6
Nhằm gỡ cảnh báo 'thẻ vàng' cho ngành thủy sản, đầu năm 2023, Chính phủ ban hành 'Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4', trong đó, BĐBP được xác định là một trong những lực lượng chủ công thực hiện kế hoạch này.
Qua công tác rà soát địa bàn, đối tượng, lực lượng trinh sát Biên phòng phát hiện tại các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang có 16 đối tượng/12 đường dây với dấu hiệu môi giới, tổ chức đưa tàu cá Việt Nam ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, 4.788 phương tiện có nguy cơ cao vi phạm IUU.
Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch hành động của Chính phủ, góp phần ngăn chặn hành vi đưa tàu cá ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, Cục Trinh sát BĐBP đã báo cáo Tư lệnh BĐBP đề nghị xác lập Chuyên án đấu tranh với đường dây, đối tượng tổ chức môi giới, đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép tại địa bàn các tỉnh phía Nam, lấy bí số VBT6. Lực lượng tham gia đánh án gồm các phòng nghiệp vụ, Đoàn Trinh sát miền Trung, Đoàn Trinh sát miền Nam thuộc Cục Trinh sát BĐBP và các Phòng Trinh sát của BĐBP 17 tỉnh, thành phố, do đồng chí Cục trưởng Cục Trinh sát BĐBP làm Trưởng ban Chuyên án. Tỉnh Quảng Ngãi được xác định là một trong 3 địa bàn trọng điểm của Chuyên án VBT6.
Tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Ban Chuyên án VBT6 đã chỉ đạo lực lượng đánh án tiến hành rà soát toàn bộ hoạt động liên quan đến tàu cá đánh bắt xa bờ, hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn. Qua rà soát, đã phát hiện một số đối tượng có dấu hiệu hoạt động môi giới, tổ chức đưa tàu cá sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, trong đó nổi lên là đối tượng Du Soh (sinh năm 1986, trú tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang), có dấu hiệu móc nối với một số đối tượng người Malaysia để môi giới, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam sang vùng biển Malaysia khai thác hải sản trái phép. Đây là đối tượng có thời gian dài định cư, sinh sống tại Malaysia.
Năm 1993, Du Soh cùng gia đình vượt biên sang Malaysia, sống tại thị trấn Cherating, quận Kuantan, tỉnh Pahang, làm phục vụ khách sạn, các khu resort. Năm 2004, cùng gia đình trở về quê cũ do không được nhập quốc tịch Malaysia; thời gian đầu làm thuyền viên trên các tàu cá Việt Nam khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài (Malaysia, Thái Lan, Campuchia). Từ năm 2013 đến nay, Du Soh thường xuyên qua lại Malaysia làm phiên dịch, gần đây làm hướng dẫn viên tự do cho khách Malaysia đến Việt Nam. Đáng chú ý, Du Soh đã 5 lần làm phiên dịch tại tòa án Malaysia khi đưa ra xét xử thuyền trưởng, thuyền viên tàu cá Việt Nam bị Malaysia bắt giữ, do đó đã quen biết các ngư dân Việt Nam.
Sau khi phát hiện đối tượng, Ban Chuyên án VBT6 đã chỉ đạo lực lượng đánh án tập trung điều tra xác minh, thu thập thông tin, tài liệu về hoạt động của đối tượng, đồng thời bố trí lực lượng bám sát, theo dõi mọi di biến động của đối tượng. Đặc biệt, ngày 15/9/2022, lực lượng đánh án nắm được có 4 tàu cá của người dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (QNg90690TS, QNg90545TS, QNg90440TS và QNg 95454TS) bị lực lượng chức năng Malaysia xua đuổi, bắt giữ, trong đó có 2 tàu QNg90690TS, QNg90545TS bị lực lượng chức năng Malaysia tịch thu cùng 30 ngư dân bị phạt tù về hành vi “sử dụng giấy tờ giả đánh bắt cá trong vùng biển cùng 30 ngư dân” (theo Điều 14-3B, Luật Biển Malaysia).
Quá trình xác minh cho thấy 2 tàu cá trên do đối tượng Du Soh làm môi giới, đưa sang vùng biển Malaysia khai thác hải sản trái phép. Tuy nhiên, việc thu thập tài liệu, chứng cứ của lực lượng đánh án gặp rất nhiều khó khăn do thuyền trưởng và các thuyền viên đang bị giam giữ tại Malaysia, người nhà của các thuyền trưởng không hợp tác. Đến ngày 13/3/2023, khi các thuyền trưởng và thuyền viên mãn hạn tù, trở về địa phương, một mặt, Ban Chuyên án chỉ đạo lực lượng đánh án ở địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ngãi và các cơ quan chức năng tiến hành điều tra xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ về đường dây, đối tượng đưa tàu cá sang vùng biển Malaysia đánh bắt hải sản trái phép liên quan đến các tàu cá bị bắt giữ; mặt khác, chỉ đạo Đoàn Trinh sát miền Nam giám sát chặt chẽ di biến động của đối tượng Du Soh tại địa bàn tỉnh An Giang và thành phố Hồ Chí Minh.
Vấn đề khó khăn đặt ra với Ban Chuyên án là pháp luật không có chế tài để xử lý đối tượng về hành vi tổ chức, môi giới đưa người, tàu cá ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, kể cả về hành chính và hình sự. Tuy nhiên, kết quả xác minh cho thấy, ngoài hành vi môi giới đưa tàu cá ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép, đối tượng Du Soh còn thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các ngư dân với số tiền lớn (1 tỷ 426 triệu đồng). Nhận thấy đây là thời cơ thích hợp để bắt giữ, xử lý đối tượng, Ban Chuyên án đã trao đổi và nhận được sự thống nhất cao của Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi và lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 20/4/2023, lực lượng phối hợp gồm Cục Trinh sát BĐBP, Công an và BĐBP tỉnh Quảng Ngãi đã lập tổ công tác vào tỉnh An Giang gọi hỏi và di lý đối tượng Du Soh ra Quảng Ngãi để điều tra làm rõ các hành vi vi phạm liên quan đến môi giới đưa tàu cá sang vùng biển Malaysia khai thác hải sản trái phép và hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Quá trình đấu tranh, đối tượng Du Soh đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, theo đó, đối tượng khai nhận: Từ năm 2013, Du Soh quen biết Ngô Văn Năm và Phạm Nhành tại tỉnh Sabab, Malaysia. Đầu tháng 7/2022, biết Ngô Văn Năm có ý định đưa tàu cá sang vùng biển Malaysia khai thác thủy sản, Du Soh đã liên lạc với ông Fikri (người Malaysia) để thống nhất đưa tàu sang khai thác hải sản bằng phương thức sử dụng hợp đồng khai thác của Malaysia, sơn số hiệu tàu cá và treo cờ Malaysia. Ngày 26/7/2022, ông Năm và ông Nhành đã chuyển cho Du Soh số tiền 58 triệu đồng/tàu và được Du Soh gửi qua Zalo ảnh “hồ sơ hợp đồng khai thác thủy sản”, đồng thời hướng dẫn hành trình đến khu vực biển Malaysia để đánh bắt cá.
Ngày 13/8/2022, sau khi tàu cá QNg90690TS và QNg90545TS bị bắt giữ, ông Fikri thông báo cho Du Soh biết và yêu cầu thông tin cho người nhà các thuyền trưởng muốn chuộc người, chuộc tàu phải gửi 30.000 tiền Malaysia (tương đương 162 triệu đồng) để “lo lót”. Lợi dụng việc người nhà của các thuyền trưởng không biết tiếng Malaysia nên Du Soh đã nâng số tiền lên và liên lạc với họ yêu cầu gửi tiền để đối tượng lo chuộc người, chuộc tàu. Người nhà các thuyền trưởng đã chuyển tổng số tiền 1 tỷ 426 triệu đồng vào tài khoản của Du Soh, nhưng đối tượng chỉ chuyển một phần cho ông Fikri lo để thả tàu, thả người, số tiền còn lại (trên 900 triệu đồng) sử dụng cho chi tiêu cá nhân.
Ngoài việc môi giới cho 2 tàu cá của Phạm Nhành và Ngô Văn Năm, đối tượng Du Soh khai nhận, còn môi giới cho một số tàu cá khác sang vùng biển Malaysia khai thác hải sản trái phép. Cụ thể: Tháng 5/2022, đối tượng đã làm hồ sơ cho tàu cá của Nguyễn Tấn Vũ sang vùng biển Malaysia khai thác hải sản, nhưng Vũ không trả tiền công môi giới; tháng 7 và tháng 8/2022, nhận tiền đóng thuế biển cho chủ tàu QNg90478TS để chuyển cho ông Fikri khi đưa tàu cá sang khai thác tại Malaysia; tháng 3/2023, liên kết với ông Fakri môi giới, làm thủ tục đưa 9 tàu cá của người tên “Út Diệu”, quê tỉnh Kiên Giang sang vùng biển Malaysia để hành nghề giã đôi, tuy nhiên, việc môi giới không thành do ông “Út Diệu” tìm được mối khác rẻ hơn.
Qua đấu tranh Chuyên án VTB6, có thể rút ra một số vấn đề như sau: Qua rà soát các quy định của pháp luật, đến nay chưa có chế tài để xử lý đối tượng về hành vi tổ chức, môi giới đưa ngư dân, tàu cá khác sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, không khai báo, vi phạm IUU. Việc xử lý bằng pháp luật đối tượng môi giới, tổ chức phải thông qua hành vi phạm tội khác của đối tượng. Đây là chuyên án đầu tiên đấu tranh với hành vi tổ chức, môi giới đưa ngư dân, tàu cá Việt Nam ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Cùng với đó, công tác thu thập, chuyển hóa tài liệu, chứng cứ để xử lý đối tượng gặp rất nhiều khó khăn, do công tác tương trợ tư pháp chưa có, nội luật của các quốc gia liên quan không tương thích.
Việc bắt giữ, xử lý đối tượng Du Soh bước đầu đã làm rõ phương thức, thủ đoạn móc nối, môi giới đưa tàu cá ra vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép trên địa bàn, góp phần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU, đặc biệt là 180 ngày quyết liệt gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu; đồng thời răn đe, cảnh tỉnh các đối tượng khác và ngư dân trên địa bàn vi phạm IUU. Với thành tích đạt được, đồng chí Trưởng ban Chuyên án đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, BĐBP Quảng Ngãi và Công an tỉnh Quảng Ngãi được tặng Bằng khen của Bộ Tư lệnh BĐBP.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Khánh (Cục Trinh sát, Bộ Tư lệnh BĐBP)