Một số vấn đề về đọc hiểu thần thoại trong Chương trình Ngữ văn mới

Năm học 2022 - 2023 Chương trình giáo dục phổ thông mới đang bắt đầu được thực hiện đối với học sinh lớp 10.

Ảnh minh họa: INT

Ảnh minh họa: INT

Đối với môn Ngữ văn, việc thay đổi từ lối truyền thụ kiến thức trước đây được thay bằng việc hình thành kỹ năng, tự học, tự tiếp nhận kiến thức, phương pháp tự học, phương pháp đọc hiểu đến tạo lập nhiều loại văn bản khác nhau trong cuộc sống.

Tránh xu hướng hiện đại hóa

Chương trình Ngữ văn mới cũng quan tâm đồng bộ cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết với thời lượng phù hợp. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin chia sẻ mấy vấn đề về Đọc hiểu Thần thoại trong các bộ sách hiện hành nhằm chia sẻ cùng các em học sinh cũng như các giáo viên Ngữ văn khi thực hiện chương trình mới.

Có thể nói trong số các thể loại tự sự dân gian, Thần thoại là thể loại ra đời sớm nhất, ra đời từ thời kỳ nguyên thủy và được tiếp tục tu bổ trong các xã hội có giai cấp và tồn tại tới ngày nay.

Có thể hiểu ngắn gọn Thần thoại là truyện kể dân gian về các vị thần, các nhân vật sáng tạo văn hóa, phản ánh quan niệm của con người về thế giới tự nhiên và đời sống xã hội.

Như vậy, ngay ở thời kỳ nguyên thủy, khi tư duy con người đã có bước phát triển nhất định, người nguyên thủy chứng kiến các hiện tượng tự nhiên diễn ra hằng ngày và có nhu cầu mong muốn tìm giải đáp về khởi nguồn vũ trụ cũng như sự xuất hiện của các hiện tượng tự nhiên hay đặc điểm các loài vật.

Thần thoại ra đời nhằm đáp ứng các nhu cầu trên, có hai loại là Thần thoại suy nguyên và Thần thoại sáng tạo. Trong đó, Thần thoại suy nguyên chiếm vị trí quan trọng nhất không chỉ đối với Việt Nam mà cả trên thế giới.

Các thần thoại như Thần Trụ Trời, Đẻ đất đẻ nước, Đi san mặt đất Nữ Oa vá trời, Thần Át-Lát… đã thể hiện nỗ lực của người nguyên thủy trong việc lý giải nguồn gốc vũ trụ.

Đọc hiểu Thần thoại từ góc nhìn thể loại là đặt Thần thoại trong môi trường của nó ra đời, không thể lấy cách nhìn và tư duy của người hiện đại để đọc, bên cạnh đó cũng tránh xu hướng hiện đại hóa thể loại. Trong những chức năng của Thần thoại thì chức năng nhận thức chiếm vị trí quan trọng nhất, nó ra đời bởi nhu cầu nhận thức thực tiễn cuộc sống nảy sinh trong quá trình lao động sản xuất của người nguyên thủy.

Mục đích cuối cùng của Thần thoại là tư duy suy nguyên: Tại sao có vụ trụ, trời đất, ngày đêm, mưa nắng… quá trình lý giải các hiện tượng đó thực chất đã hình thành vũ trụ quan, nhân sinh quan cũng như các tri thức của cộng đồng, có thể nói hầu hết các hiện tượng tự nhiên đều được Thần thoại tìm cách giải thích.

Chẳng hạn Thần thoại Hy Lạp cho rằng Át-Lát là thần bị Zeus trừng phạt bằng cách phải đội bầu trời, thần Atlas con trai của thần khổng lồ Titans Iapetus và tiên nữ Asia, bị Zeus trừng phạt phải mãi mãi gánh cả bầu trời, để bầu trời không sụp đổ.

Riêng đối với Atlas chỉ huy của đội quân phe đối lập, Zeus bắt đội cả bầu trời; chàng quỳ một chân xuống cho vững, hai tay bưng bầu trời trên đôi vai lực lưỡng. He-ra-Clet trong quá trình đi tìm táo vàng cũng đã phải gánh bầu trời thay để Át-Lát đi lấy táo và bằng mưu trí của mình He-ra-Clet đã thoát ra được.

Thần thoại Trung Quốc cũng có nhân vật Nữ Oa đội đá vá trời để cứu loài người: Vòm trời rách toang, đất đai ầm ầm rung chuyển, núi rừng bốc cháy, nước ngập mênh mông, loài người hốt hoảng kéo nhau chạy trốn. Nhưng trời sập còn biết trốn vào đâu!

Bà Nữ Oa đau lòng thấy con cháu ngoi ngóp trong cảnh đất trời nghiêng ngửa tối tăm. Bà nghĩ chỉ còn một cách vá lại vòm trời cho nguyên lành như cũ mới mong cứu được loài người.

Nhưng công việc vá trời đâu phải chuyện dễ, xưa nay đã có ai nghĩ đến, đừng nói dám làm! Chỉ vì thương con mà ngày đêm bà không quản khó khăn, vất vả, một mình hì hục khuôn đất, đội đá ở khắp nơi về để vá trời cho bằng được, kịp cứu đàn con.

Giáo viên Tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Bắc Giang tham gia đợt sinh hoạt chuyên môn cụm năm 2022.

Giáo viên Tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Bắc Giang tham gia đợt sinh hoạt chuyên môn cụm năm 2022.

Thần thoại các dân tộc Việt Nam

Bìa sách Ngữ văn lớp 10 tập 1.

Bìa sách Ngữ văn lớp 10 tập 1.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Tổng chủ biên chương trình môn Tiếng Việt/Ngữ văn cho biết: Điểm khác biệt nhất của chương trình Ngữ văn lần này so với những năm trước là được xây dựng xuất phát từ các phẩm chất, năng lực cần có của người học để lựa chọn nội dung dạy học. Các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào bốn kỹ năng lớn: Đọc, viết, nói và nghe. Đọc bao gồm yêu cầu đọc đúng và đọc hiểu. Yêu cầu về đọc hiểu bao gồm các yêu cầu hiểu văn bản (trong đó có cả đọc thẩm mỹ, cảm thụ, thưởng thức và đánh giá) và hiểu chính mình (người đọc).

Hệ thống Thần thoại Việt Nam cũng có nhiều truyện về các vị thần như thần Trụ Trời, thần Mây, thần Mưa, thần Sấm, thần Chớp, thần Gió… mỗi vị đều có những đặc điểm riêng biệt với khả năng của mình. Truyện Thần Trụ Trời kể về quá trình tạo lập vũ trụ, phân tách trời và đất của một ông thần to lớn, khổng lồ.

Thuở ấy trời đất còn mờ mịt, hỗn độn, thần đứng dậy, đội trời lên, rồi tự mình đào đất, đắp cột chống trời. Khi trời đất phân đôi thần liền phá cột chống trời đi, đất đá văng đi khắp nơi, biến thành hòn núi, hòn đảo, thành gò, thành đống,… Thông qua câu chuyện Thần Trụ Trời, nhân dân cổ đại nhằm lí giải quá trình tạo lập vũ trụ đồng thời kí gửi ước mơ chinh phục thế giới tự nhiên.

Thần Gió lại được giới thiệu có một hình dạng kỳ quặc. Thần không có đầu. Bảo bối của thần là một thứ quạt mầu nhiệm. Thần sẽ làm gió nhỏ hay bão lớn, lâu hay mau tùy theo lệnh Ngọc Hoàng.

Những lúc thần Gió phối hợp với thần Mưa có khi cả thần Sét nữa cùng hoạt động là những lúc đáng sợ nhất. Thỉnh thoảng thần xuống hạ giới đi chơi vào những buổi tối trời. Đó là lúc giữa đồng bằng tự nhiên nổi lên trận gió xoáy, dân gian thường gọi là thần Cụt đầu.

Thần Sét được kể: Trong đám tướng lĩnh của Ngọc Hoàng trước tiên phải kể đến thần Sét. Thần Sét hoặc có danh hiệu là Thiên lôi, cũng có khi gọi là ông Sấm, thần mặt mũi rất nanh ác, tiếng quát tháo rất dữ dội. Thần chuyên một việc thi hành luật pháp ở trần gian, hành động của thần phản ánh sự thịnh nộ của Ngọc Hoàng.

Thần có một lưỡi búa đá. Khi xử án kẻ nào dù là người, là vật, là cây cỏ thì thần tự mình nhảy xuống tận nơi trỏ ngọn cờ vào đầu tội nhân rồi dùng lưỡi búa bổ lên đầu, chứ không chém vào cổ. Có khi thần không mang lưỡi búa lên theo mà quẳng luôn tại đó. Thần thường ngủ về mùa đông vào khoảng tháng Hai tháng Ba mới lại dậy làm việc.

Ngoài kho tàng Thần thoại của người Kinh, các dân tộc thiểu số ở nước ta cũng còn lưu truyền một kho tàng Thần thoại vô cùng giá trị về nhiều mặt, trong đó có thể kể đến “Mẹ trời, mẹ đất”:

Ngày xưa, từ rất xưa…

Người già không nhớ nổi

………………………………………

Bầu trời nhìn chưa phẳng

Mặt đất còn nhấp nhô

Phải đi san mặt đất

Kiếm con trâu sừng cong

Chọn con trâu sừng dài

Đẽo con trâu cái ách

Đục lỗ ách luồn dây

Chão dẻo làm dây cày

Thừng dài làm dây bừa

Trâu cày, bừa san đất

Chẳng quản gì nhọc mệt

San đất là việc chung

…………………………………….

Nhiều sức, chung một lòng

San mặt đất cho phẳng

Nhiều tay chung một ý

San mặt đất, làm ăn…

(Trích Thần thoại “Mẹ trời, mẹ đất” của dân tộc Lô Lô)

Thần thoại sáng tạo với kiểu nhân vật là những anh hùng văn hóa với những kỳ tích phản ánh tín ngưỡng, văn hóa, cuộc sống lao động của từng cộng đồng. Qua đó, con người cũng gửi gắm ước mơ chinh phục tự nhiên, cải tạo cuộc sống với những mẫu nhân vật lý tưởng có cả sức mạnh trí tuệ và sức mạnh thể chất, chẳng hạn trong Thần thoại Hy Lạp các nhân vật He-ra-Clet, Pro-Mê-Tê là những mẫu nhân vật tiêu biểu.

Nhà thơ Bằng Việt từng viết những câu thơ ca ngợi Pro-Mê-Tê:

Đỉnh cao vợi. Núi vươn lên vô tận,

Nơi Prômêtê ăn cắp lửa bị xiềng.

Tiếng xích như còn âm vang trong đá.

Đã có một thời, lẫn cùng giọng hú,

Mặt người không xa khuôn mặt

sói rừng

Nhai thịt sống, rồi lấy tay chùi mép!

Đêm cuối cùng trước khi có Prômêtê

Chưa ai nhận: Mình còn là muông thú!

Chưa ai nghĩ: Mình vẫn thời tiền sử,

Lạc trong đêm dày ức triệu năm qua...

(Đỉnh Pro-Mê-Tê - Bằng Việt)

Trong kho tàng Thần thoại Việt Nam có một hiện tượng đáng lưu ý là có rất nhiều Thần thoại được Truyền thuyết hóa, nhất là những truyện kể về thời Hùng Vương. Qua khảo sát chúng tôi thấy nhiều Truyền thuyết được phát triển từ Thần thoại, chẳng hạn truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh, Thánh Gióng.

Nhận xét về truyện Thánh Gióng, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú cho rằng: Nếu truyền thuyết là một loại hình tự sự dân gian phản ánh nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa bằng hư cấu thần kỳ thì Thánh Gióng là một truyền thuyết đích thực.

Thần thoại là truyện kể về các vị thần, các nhân vật anh hùng thần linh, còn cổ tích là thông qua sự hư cấu thần kỳ để thể hiện ước mơ khát vọng của con người thì Thánh Gióng vừa là một thần thoại đẹp vừa là một cổ tích đậm chất thơ.

Trong kho tàng truyện cổ nước ta có nhiều tác phẩm mang tính đa thể loại như thế, nhưng đây là một trong những truyện tiêu biểu. Điều này nói lên cốt truyện đã xuôi theo dòng thời gian đi qua ba miền văn hóa là thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, đến mỗi miền lại được khúc xạ và bồi đắp thêm những lớp phù sa chi tiết để phát ra những ánh sáng ý nghĩa mới.

Như vậy đọc Thần thoại không chỉ là biết thêm về nguồn gốc các vị thần mà trong đó còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, đòi hỏi người đọc phải nắm bắt được những mạch ngầm của văn bản để hiểu thêm về giá trị tác phẩm.

Từ những văn bản Thần thoại được đưa vào các bộ sách, học sinh sẽ hình thành được kỹ năng đọc bất cứ văn bản thần thoại nào ngoài chương trình. Điều này giúp học sinh hình thành kỹ năng đọc hiểu thần thoại một cách thiết thực, hiệu quả, rời xa văn mẫu và cách dạy truyền thụ kiến thức trước đây.

Nguyễn Quỳnh Anh (Trường THPT Kim Sơn A - tỉnh Ninh Bình)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mot-so-van-de-ve-doc-hieu-than-thoai-trong-chuong-trinh-ngu-van-moi-post619225.html