Một số vấn đề về xác định thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính
Ngày 26/8, TANDTC đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với chủ đề 'Kỹ năng giải quyết vụ án hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai'. TS Đào Thị Xuân Lan, Thẩm phán TANDTC đã giải đáp những vướng mắc xung quanh vấn đề này.
Xác định thẩm quyền của Tòa cấp huyện
Theo TS Đào Thị Xuân Lan, khiếu kiện về quyết định hành chính (QĐHC) trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai rất đa dạng… Để giải quyết vụ án hành chính liên quan đến lĩnh vực này, trước hết cần xác định thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện, tỉnh.
Về thẩm quyền của Tòa án, Điều 31 Luật TTHC quy định, Tòa án cấp huyện giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch, của UBND cấp huyện.
Trong vụ án hành chính đã có quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND cấp huyện, nhưng người khởi kiện chỉ khởi kiện đối với quyết định hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã. Để xác định thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là của TAND cấp huyện, cấp tỉnh căn cứ theo quy định Điều 193 Luật TTHC để xác định thẩm quyền giải quyết vụ án.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 32 của Luật TTHS thì Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch, UBND cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án. Trong trường hợp này, Tòa án phải xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính của UBND cấp xã và quyết định giải quyết khiếu nại Chủ tịch UBND cấp huyện. Trong điều kiện hiện nay, các TAND cấp tỉnh đang bị áp lực lớn về công việc, để tránh việc chuyển quá nhiều vụ án hành chính lên TAND cấp tỉnh và phù hợp với các quy định của pháp luật thì trong trường hợp này, TAND cấp huyện vẫn thụ lý, xem xét giải quyết vụ án hành chính.
Trường hợp có căn cứ xác định quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND cấp huyện trái pháp luật và phải hủy quyết định hành chính này mới bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì TAND cấp huyện đang thụ lý, giải quyết vụ án đình chỉ việc xét xử và chuyển hồ sơ vụ án cho TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp có căn cứ xác định quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND cấp huyện đúng pháp luật, không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và không phải hủy quyết định hành chính này thì TAND cấp huyện đang thụ lý, xem xét tiếp tục giải quyết vụ án.
Thẩm quyền Tòa án cấp tỉnh
Về thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh, Điều 32 Luật TTHC quy định, Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:
Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, TANDTC, VKSNDTC và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.
Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan thuộc một trong các cơ quan Nhà nước quy định tại Khoản 1 Điều này và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.
Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước đó; khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án.
Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam thì Tòa án có thẩm quyền là TAND TP. Hà Nội hoặc TAND TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh xác định thẩm quyền, việc xác minh, thu thập chứng cứ giải quyết vụ án hành chính trong quản lý đất đai đúng quy định của pháp luật cần được chú ý. Theo đó, Tòa án xem xét yêu cầu, ý kiến của các đương sự; quyền, nghĩa vụ của các đương sự, Tòa án nghiên cứu để xác định được vấn đề nào các bên đã thống nhất, vấn đề nào các bên chưa thống nhất; tài liệu, chứng cứ đã có trong hồ sơ do đương sự cung cấp đã đầy đủ hay chưa, để có kế hoạch thu thập, bổ sung tài liệu, chứng cứ gì… Từ đó, xác định những vấn đề cần chứng minh (những vấn đề cần làm rõ) và phương hướng thu thập, xác minh thêm tài liệu, chứng cứ bổ sung.
Việc thu thập, xác minh chứng cứ phải tuân theo quy định của Luật TTHC về thực hiện các biện pháp thu thập chứng cứ để bảo đảm chứng cứ được thu tập theo đúng quy định của Luật TTHC.
Theo TS Đào Thị Xuân Lan, để có cơ sở giải quyết vụ án hành chính trong quản lý đất đai đúng quy định của pháp luật cần phải chú ý các quy định tại Điều 55 về quyền và nghĩa vụ của đương sự trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; các quyền và nghĩa vụ đương sự theo quy định tại Khoản 3 Điều 57, Khoản 2 Điều 78 Luật TTHC…
Ngoài ra, trong quá trình xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ Thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp được qui định tại Khoản 2 Điều 84 LTTHC để thu thập tài liệu, chứng cứ: Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa các đương sự với người làm chứng; xem xét, thẩm định tại chỗ; trưng cầu giám định; quyết định định giá tài sản.