Một tấm lòng
Tình cờ quen biết chị trong một chương trình hát với nhau tại quán cà phê Flowers ở phường Mỹ Bình cách đây 3 năm do tôi phụ trách. Một buổi tối chị lặng lẽ vô quán ngồi uống ly cà phê chăm chú xem khách hát... Một lúc sau nhìn lại thì thấy chị đã đi về tự lúc nào mà mình không hay biết. Tưởng chị giận gì mà bỏ về chị lắc đầu cười.
Thấy quán cậu được bạn bè đến ủng hộ tôi mừng giùm cậu, hôm đó tôi có công việc nên về sớm chứ có giận gì đâu.
Lần sau nữa gặp nhau ở quán cà phê Lộc vừng chị hỏi:
- Âm thanh của cậu chị nghe như thiếu cái gì đó phải không cậu?
Tôi trả lời chị:
- Dạ nếu có tiền mua cái vang số tiếng ca sẽ hay hơn chị ơi.
- Bao nhiêu tiền?
- Dạ hơn hai triệu...
Chị nói không cần suy nghĩ:
- Có ai bán cậu mua đi chị sẽ giúp cho cậu.
Tưởng chị nói cho vui không ngờ chị lấy tiền trả ngay cho người bán. Thấy tôi có vẻ ngại chị cười rồi nói như trấn an:
- Chị giúp cậu lúc cậu cần, khi nào cậu có nhớ tìm giúp người khác là chị vui rồi.
Từ đó thỉnh thoảng gặp chị và được chị mời đi cà phê sáng, tôi mới biết hàng tuần nhóm nấu cháo từ thiện tự nguyện mang tên Tình Thương của chị đều nổi lửa nấu nồi cháo thịt xay đem phát cho các nơi như: Bệnh viện Đa khoa Tỉnh, nhà dưỡng lão TP Long Xuyên (TPLX) và nhà dưỡng lão của tỉnh An Giang. Hỏi chị thông thường thì người ta phát thức ăn từ thiện là đồ chay sao nhóm của chị phát cháo thịt.
Chị nói:
- Người bệnh ăn cháo thịt mới mau hồi phục cậu ơi.
Tò mò tôi tìm đến nhà chị ở công viên Xẻo trôm 2 phường Mỹ Quý TPLX, nơi làm bản doanh cho các thành viên trong hội thiện nguyện cùng đến để góp phần công sức cho nồi cháo "Tình thương mến thương" này.
Đến nơi tôi bất ngờ khi thấy nhóm nấu cháo gần chục người đang tất bật công việc của mình. Một nồi cháo to đùng giửa sân nấu 25 ký gạo, cùng với 10 ký thịt nạc, 10 ký củ cải đỏ, 4 ký hành tiều, 2 ký hành lá và ngò rí cũng những nguyên liệu phụ khác để ra 1600 phần cháo đem cấp phát miễn phí trong ngày thứ bảy hàng tuần.
Chị cho biết:
- Mỗi nồi cháo như vậy tổng kinh phí khoảng 3 triệu đồng. Bình quân mỗi tháng 4 lần nấu cũng phải tốn 12 triệu. Hiện tại một doanh nghiệp may ở địa phương hổ trợ mỗi tháng 3 triệu đồng, một MTQ hổ trợ 110 ký gạo/ tháng... số còn lại nếu không có ai đóng góp chị sẽ tự lo.
Điều bất ngờ hơn là chị hỏi:
- Có phải cậu muốn hỏi chị nấu cháo như vầy được bao lâu rồi phải không?
- Dạ... ủa sao chị biết em sẽ hỏi như vậy ?
- Thì ai gặp chị cũng hỏi như vậy mà cậu. Mà nói ra có lẽ cậu không tin đâu. Chị nấu 45 năm rồi đó cậu. Trước thì nấu tại bệnh viện tuần 2 lần, sau này dời về bệnh viện mới không có chỗ nấu nên chị mới đem về nấu trước sân nhà mình. Củi thì toàn là người ta cho không đó, xưa nấu cháo lúc 1 giờ đêm đến mờ sáng chở cháo đi phát bằng xe honda cực lắm, bây giờ đổi qua nấu ban ngày và có thùng ba gác nên cũng đỡ cực hơn.
Trong lúc tôi chăm chú nhìn các thành viên trong đội đang tất bật trong công việc, chị giới thiệu từng người làm quen, ai cũng có nụ cười hiền, vui tươi và thân thiện.
Chị khoe:
- Mùa dịch năm rồi chị vận động người quen thân và gom hết tiền tiết kiệm của mình hàng ngày nấu cơm cung cấp cho các khu bị cách ly trong tỉnh mỗi sáng 600 xuất cơm, chiều thì 1200 xuất đó cậu. Ngoài ra còn gom góp mua gạo cấp phát cho bà con đang khốn khó trong mùa dịch 5 tấn gạo.
Nghe chị nói như vậy tôi chợt nhớ mùa dịch năm rồi một cô gái không quen biết vô trang Facebook của tôi cầu cứu:
- Chú ơi chồng con đang bệnh, con có 5 đứa con nhỏ đang đói. Chú tìm cách cứu con.
Sau khi hỏi biết địa chỉ tôi a lô cầu cứu chị, vừa nghe tôi trình bày chị trả lời ngay:
- Chị đang bận đem cơm cho điểm cách ly, cậu chịu khó chạy ra nhà chị lấy gạo đem vô đưa giúp người ta giùm chị.
Nhưng ngoài 10 ký gạo tốt chị còn đưa thêm một ký khô cá tra phồng và 200 ngàn đồng, chị nói:
- Người ta khổ lắm mới cầu cứu đến mình nếu giúp gạo không chắc cũng không đủ. Thôi giúp thêm ít tiền cho con nhỏ mua gì thì mua. Chị cảm ơn cậu đã giới thiệu cho chị được làm việc tốt.
Hỏi về các thành viên của tổ nấu cháo chị trầm ngâm một lúc rồi thở dài:
- Trong nhóm thiện nguyện có nhiều người đang ở nước ngoài, cũng không ít người đã về với Chúa... Người bệnh chết cũng có, người mắc cô vid cũng có... Tội nghiệp nhất là có những cháu bé còn nhỏ chỉ hơn 10 tuổi đã theo mẹ đến phụ giúp các công việc phù hợp với lứa tuổi của mình. Cảm động vì có đứa nhịn ăn để dành tiền đóng góp phụ giúp cho nồi cháo và đứa nào cũng gọi chị là má Chi. Tiếc là mùa dịch vừa qua đã mất đi một đứa...
Chị lặng thinh một lúc rồi kể tiếp:
- Năm nay chị 64 tuổi, chị bắt đầu tham gia nấu cháo từ thiện từ năm 19 tuổi. 45 năm xuyên suốt góp chút công sức cho người bệnh, người già neo đơn cơ nhỡ có chút gì đó để gọi là bồi dưỡng để sớm bình phục lúc bệnh tật ốm đau, giúp chút dinh dưỡng cho những người già neo đơn trong viện dưỡng lão. Bao nhiêu bài viết, bao nhiêu phóng sự của các cơ quan báo đài đến phỏng vấn đưa tin về tổ nấu cháo của chị nhưng chị nói với các em là có đáng gì đâu để ngợi khen. Mình tuy không khá giả gì nhưng trời thương cho mình có sức khỏe không ốm đau bệnh tật gì đó là phước phần của con người mà mình đã may mắn có được. Vậy tại sao mình không cứu giúp người khó khăn cơ nhỡ bằng khả năng của mình phải không cậu?
Khi hay tin tôi cùng những người bạn đang vận động mì gói và sữa cho trẻ em người dân tộc ở Buôn hồ Đăk Lăk đầu tháng 8 năm nay, chị nói ngay không suy nghĩ:
- Cho chị gởi cho mấy em 10 thùng mì nhé. Còn sữa thì chị sẽ cố gắng tìm bạn bè giúp cho các em.
Khi ngõ ý muốn viết bài về chị, chị lắc đầu từ chối:
- Thôi đi cậu ơi chị có làm gì được cho đời đâu mà viết bài về chị.
Đúng ra tôi nghe lời chị, nhưng dẫu sao tấm lòng của chị bao năm qua tốn hao công sức, tiền của để cứu giúp cho biết bao người (trong đó có cả tôi) vì vậy xin phép chị cho tôi mượn bài viết này để giới thiệu cho mọi người về một người phụ nữ có "Tấm lòng" luôn luôn sẵn sàng cứu giúp cho mọi người, xứng đáng cho chúng ta trân quý khi nhắc về chị con chim đầu đàn của tổ nấu cháo thiện nguyện "Tình Thương" .
(*) Xin giới thiệu chị là chị Huỳnh Chi tổ nấu cháo thiện nguyện "Tình Thương" ở TP Long Xuyên- An Giang.
Chuyện quê
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/mot-tam-long-a15199.html