Một tập thể anh hùng

Một ngôi trường 20 năm luôn phải 'xoay xở' với công tác tuyển sinh, thậm chí phải 'nhặt nhạnh' học sinh ở nơi khác. Một ngôi trường đang đứng ở bậc 68 nhưng đã tăng lên 39 bậc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, lọt top 12 trường đạt nhiều chỉ số cao về kết quả thi tốt nghiệp và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Trường THCS & THPT Thống Nhất (Yên Định) đã đi qua những buồn, vui như thế...

Lãnh đạo Trường THCS&THPT Thống Nhất trao thưởng cho giáo viên khối THCS có học sinh đoạt giải cao cấp huyện. (Ảnh nhà trường cung cấp)

Lãnh đạo Trường THCS&THPT Thống Nhất trao thưởng cho giáo viên khối THCS có học sinh đoạt giải cao cấp huyện. (Ảnh nhà trường cung cấp)

Xuyên qua khó khăn

Thành lập tháng 6/2000, một hành trình 24 năm đủ dài để cảm nhận những thăng trầm ở ngôi trường vùng trung du và bán sơn địa này. Lần giở ký ức thời gian, là những khó chồng khó. Khó nhất, trăn trở nhất vẫn là câu chuyện tuyển sinh. Và cho đến lúc này, nó vẫn được xem là vấn đề “nóng” ở Trường THCS & THPT Thống Nhất. Nói như vậy, để thấy câu chuyện tuyển sinh dường như luôn là nỗi ám ảnh lớn đối với cán bộ, giáo viên nhà trường.

Thực tế, có những năm, đã có hàng chục học sinh bị điểm “liệt” khi thi vào Trường THCS & THPT Thống Nhất. Trong khi quy mô tuyển sinh không nhiều thì việc bị “liệt” điểm vài chục học sinh cho thấy chất lượng đầu vào kém ra sao. Nhắc lại câu chuyện buồn tuyển sinh, nguyên Hiệu trưởng Lê Trung Tiến vẫn còn đau đáu nỗi niềm. Ông còn nhớ rõ, nhất là những năm đầu sau thành lập, đã có lúc tưởng như phải đóng cửa trường vì học sinh không bảo đảm số lượng. Ông kể lại: “Vất vả vô cùng. Chúng tôi đã từng “vươn” ra các trường lân cận ở Thọ Xuân, Cẩm Thủy,... để làm công tác tuyển sinh, “nhặt nhạnh” từng em. Chúng tôi thậm chí phải đặt vấn đề với một số trường, rằng nếu học sinh nào có nguy cơ trượt mà không đi về các trường khác thì cứ về trường tôi. Ngay cả khi học sinh chỉ được 0,25 điểm nhà trường cũng lấy. Tuyển sinh đều phải ở cái thế đó và cứ mặc định bao nhiêu năm như thế. Buồn nhiều chứ, nhưng đâu còn cách nào khác...”.

Nguyên nhân thì từ cán bộ, giáo viên ai cũng biết. Chỉ có điều không biết làm cách nào để không lặp lại tình trạng này. Vậy nên, câu chuyện tuyển sinh không mấy “sáng sủa” ở Trường THCS và THPT Thống Nhất kéo dài tới 20 năm. Nếu nói về nguyên nhân thì nhiều, trong đó nổi cộm mấy vấn đề. Thứ nhất trường nằm trong vùng lõm, giáp ranh giữa 4 huyện: Yên Định, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thọ Xuân. Thứ hai, mật độ dân cư thưa thớt, cự ly khoảng cách đến trường xa. Thứ ba là xung quanh đều có trường lân cận, giáp ranh. Thứ tư, chất lượng nhà trường luôn ở top cuối. 4 nguyên nhân cộng lại đã dẫn đến câu chuyện buồn trong công tác tuyển sinh.

Đầu vào kém dẫn đến chất lượng thấp, đầu ra theo đó cũng thấp. Đơn cử, có năm, tỷ lệ tốt nghiệp THPT chỉ đạt 42%. Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Thống Nhất, thầy giáo Lưu Vĩnh Tuấn ngậm ngùi: “Nhà trường luôn xây dựng chỉ tiêu, phấn đấu trên 90% đậu tốt nghiệp, “mon men” lên 91, 92 hay 95% là thấy căng rồi”.

Tất nhiên, câu chuyện tuyển sinh mới chỉ là lát cắt của vấn đề nhưng nó lại là rào cản lớn nhất kéo theo nhiều hệ lụy mà đáng lo ngại nhất chính là chất lượng dạy và học như đã đề cập. Ngoài tuyển sinh còn là câu chuyện về cơ sở vật chất, đội ngũ... Thầy và trò nhà trường đã từng “trú chân” trong những phòng học trống huơ trống hoác, sân trường bùn đất, lầy lội... Trường giữa “ốc đảo”, nhìn đâu cũng thấy thiếu thốn, khó khăn. Vậy nên, đất nghèo không giữ được người ở lại, đã có hàng trăm giáo viên cứ dạy được một thời gian lại bỏ trường, bỏ lớp đến vùng đất mới. Thầy đi, trò cũng đi. Đã có những học trò vì nghèo khó, vì đường xa nên đã bỏ học giữa chừng. Giáo viên lại lặn lội đến nhà động viên, thuyết phục nhưng chỉ số ít quay lại.

Đất nghèo bao giờ mới “nở hoa”?

Vinh dự lớn lao

Đã có những câu chuyện buồn như thế ở Trường THCS&THPT Thống Nhất. Tất nhiên, đấy là câu chuyện của ngày hôm qua. Còn hôm nay, vẫn giữa “ốc đảo” ấy, trường đã khoác “áo mới”. Dãy nhà 2 tầng 24 lớp với 1.036 học sinh, gấp nhiều lần số học sinh của những ngày đầu thành lập đã minh chứng cho sự trưởng thành và phát triển của nhà trường. Có còn không câu chuyện tuyển sinh khó nhọc? “Đã có tín hiệu tích cực hơn. 4 năm trở lại đây, trường tuyển đủ chỉ tiêu, thương hiệu nhà trường đang dần khẳng định”, Phó hiệu trưởng Trịnh Thành Trung phấn chấn cho biết.

“Với truyền thống của một tập thể sư phạm đoàn kết, bộ máy lãnh đạo năng động, sáng tạo và tâm huyết, trải qua hơn 20 năm phát triển và trưởng thành, Trường THCS&THPT Thống Nhất luôn tìm kiếm thuận lợi, phát huy nội lực và có bước tiến vượt bậc trên tất cả các mặt... Khẳng định tiềm năng và sức mạnh của một ngôi trường vùng trung du, tạo được lòng tin trong Nhân dân cũng như lãnh đạo Đảng, chính quyền và ngành”, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bùi Thị Thanh cho biết.

Thương hiệu? Chắc chắn là vậy. Bây giờ, cả một tập thể không đặt vấn đề tỷ lệ tốt nghiệp bao nhiêu mà quan tâm nhiều hơn đến điểm bình quân các môn thi tốt nghiệp. Rõ nét nhất ở năm học 2023-2024, khi điểm bình quân các môn thi tốt nghiệp là 7,09. Con số này đã mang lại sự tự hào cho Trường THCS&THPT Thống Nhất, giúp nhà trường tăng 39 bậc, lọt top 12 trường đạt nhiều chỉ số cao về kết quả thi tốt nghiệp và đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Cũng trong năm học 2023-2024, nhà trường đã có học sinh đoạt giải nhất môn Lịch sử cấp tỉnh. Đây là giải nhất môn văn hóa đầu tiên từ khi trường thành lập. Bên cạnh đó, trường có 38% học sinh có điểm thi đại học từ 27 điểm trở lên, một tỷ lệ cao, rất ít trường đạt được...

Thành tích lớn, niềm vui lớn. Không. Đúng hơn, đó là kỳ tích. Vì ngay cả khi tăng 39 bậc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thì đó vẫn là một con số thật khó hình dung đối với cán bộ, giáo viên nhà trường, như chia sẻ của Phó hiệu trưởng Trịnh Thành Trung: “Trước đó vẫn có sự tăng bậc nhưng chỉ tăng khoảng trên dưới 10 bậc thôi, đặt ra chỉ tiêu, nhìn thấy được và làm được nhưng tăng gần 40 bậc thì không ai đặt ra”.

Vinh dự lớn và trách nhiệm cũng lớn. Nếu không có trách nhiệm với con đường đã chọn thì liệu có vinh dự hôm nay? Phải cảm ơn những người ở lại đã vững lòng trước mảnh đất khó. Vẫn biết họ, những cán bộ, giáo viên đã giấu nỗi buồn nghề vào trong nhưng không nao núng tinh thần, cứ thế lặng lẽ, âm thầm, say mê và cống hiến... Đơn cử như kết quả trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2023-2024 vừa qua ở Trường THCS&THPT Thống Nhất, xin được nhắc lại đó là bảng vàng của thành tích. Trong đó, phải kể đến sự đóng góp của giáo viên dạy môn Ngữ văn Lưu Thị Khoa và đồng nghiệp. Riêng môn Ngữ văn tại kỳ thi này đã xuất sắc đạt mức điểm trung bình là 8,79, xếp thứ nhất toàn tỉnh. Bản thân cô giáo Lưu Thị Khoa là người đã gắn bó từ những ngày đầu thành lập ngôi trường này. Vậy nên, khó khăn, ngọt bùi, với cô tất thảy đều có như cô trải lòng: “Tôi được gắn bó với trường đến hôm nay, đó cũng là duyên. Nhìn lại hành trình đã qua, càng cho tôi niềm tin, tình yêu về con đường đã chọn”.

Quả thực, nếu không có tình yêu, tình thương, sao có thể làm nên “quả ngọt”. Và ở đây, tại ngôi trường THCS&THPT Thống Nhất này, như tâm sự của Hiệu trưởng Lưu Vĩnh Tuấn, rằng, đó là câu chuyện về nhiệt huyết. Ở đó, không có gì sáng tạo cao siêu mà chỉ có tình đồng nghiệp, đồng chí, cùng gắn bó - trách nhiệm - cống hiến. “Yêu nghề, yêu người thì sẽ có động lực để làm việc thực sự tích cực”. Hiệu trưởng Lưu Vĩnh Tuấn nói: “Từ động lực của người thầy sẽ truyền tải đến học sinh nhận thức tốt về sự học. Ở trường chúng tôi, giáo viên ngoài ôn thi theo phân công nhiệm vụ chính, khi có thời gian rỗi đều dạy miễn phí cho học sinh”.

Cũng theo Hiệu trưởng Lưu Vĩnh Tuấn, 24 năm nhìn lại, điểm tựa để tồn tại ngôi trường này liên quan đến 4 vấn đề, đó là: xây dựng quy mô trường lớp, nâng cao chất lượng, giữ gìn kỷ cương nền nếp và xây dựng cơ sở vật chất. 4 vấn đề cơ bản đã giải quyết xong nhưng vẫn còn đó suy tư, rằng: Những gì đã làm được, đạt được, ở những năm học sau có tiếp tục giữ vững, phát huy? Công tác tuyển sinh dù đủ chỉ tiêu nhưng vẫn canh cánh nỗi lo vì năm học nào cũng có trường hợp học sinh bỏ học... Đủ lại thành thiếu.

Nỗi lo ấy cũng lẽ thường tình vì đấy còn là trách nhiệm. Nhưng tôi tin, ở đâu có tình yêu, tình thương thì đất dù nghèo, dù khó, đất vẫn “nở hoa”...

Vi An

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/mot-tap-the-anh-hung-33408.htm