Một tên tuổi lớn của sân khấu cách mạng Việt Nam

Năm nay (2024), tỉnh Trà Vinh và giới nghệ sĩ sân khấu cả nước long trọng tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Nghệ sĩ Nhân dân - Soạn giả Viễn Châu, tôn vinh những cống hiến lớn lao của ông cho sự nghiệp phát triển sân khấu cải lương và tài tử Nam Bộ. Tuy nhiên, bên cạnh Viễn Châu, cũng trên lĩnh vực sân khấu cải lương, cũng tròn trăm năm tuổi (1924 - 2024), còn một người con quê hương Trà Vinh là Soạn giả - Đạo diễn - Nhà quản lý sân khấu Phạm Ngọc Truyền cần được tưởng nhớ và ghi nhận đúng mức công lao đóng góp cho chặng đường dài hình thành, phát triển sân khấu cách mạng Việt Nam.

Soạn giả Phạm Ngọc Truyền (các bút danh khác là Lê Ngọc Phái, Như Sơn) sinh năm Giáp Tý 1924, trong một gia đình điền chủ nhỏ, tại một vùng quê giàu truyền thống cách mạng và cũng là vùng đất học - làng An Trường, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Nhờ gia đình khá giả, sau khi học hết bậc sơ học trường quận, rồi bậc tiểu học trường tỉnh, Phạm Ngọc Truyền được cha mẹ cho lên Sài Gòn học bậc trung học.

Giai đoạn 1920 - 1940 là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử ở khắp các tỉnh Nam Bộ và bước đầu hình thành sân khấu cải lương, khởi đi từ thành phố Sài Gòn hoa lệ. Chính vì vậy, cậu học sinh tân học Phạm Ngọc Truyền song song với việc tiếp thu dòng văn học lãng mạn đương thời nhưng vẫn tỏ rõ năng khiếu và sự say mê với loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ.

Đầu năm 1945, Phạm Ngọc Truyền hòa vào không khí đấu tranh sôi động của giới học sinh, sinh viên Sài Gòn, rồi trở về quê nhà tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong xã An Trường, đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 ở quận lỵ Càng Long. Là một thanh niên có học, giàu nhiệt huyết, Phạm Ngọc Truyền nhận bất cứ công việc nào mà cách mạng phân công, từ đứng lớp bình dân chống giặc dốt; vận động địa chủ, phú nông phát chẩn chống giặc đói; tham gia đội y tế quận cùng các đơn vị dân quân chuẩn bị chống giặc ngoại xâm.

Tháng 9/1945, thực dân Pháp nổ súng tái xâm lược nước ta, buộc nhân dân miền Nam phải đứng lên chiến đấu chống ngoại xâm. Phạm Ngọc Truyền trở thành tấm gương sáng cho thanh niên Càng Long, thanh niên Trà Vinh khi tự tay xé bỏ giấy thông hành sang Pháp du học mà gia đình tốn kém chạy vạy mới có được, tình nguyện ở lại tham gia cuộc kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh. Đầu năm 1946, Phạm Ngọc Truyền tập hợp một số thanh niên có năng khiếu, thành lập Đội Văn nghệ huyện Càng Long, dàn dựng các tiết mục, chương trình và tổ chức biểu diễn khắp các xã, động viên cán bộ, chiến sĩ các đơn vị vũ trang ra sức chiến đấu tại các mặt trận, cổ vũ các tầng lớp đồng bào đem sức người, sức của ủng hộ kháng chiến, ủy lạo bộ đội.

Tiếng lành đồn xa, từ hoạt động hiệu quả của Đội Văn nghệ huyện Càng Long, đầu năm 1947, Ty Thông tin thuộc Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Trà Vinh rút Phạm Ngọc Truyền về, giao nhiệm vụ thành lập và điều hành Đoàn Văn nghệ tuyên truyền lưu động tỉnh. Trên cương vị Trưởng đoàn, Phạm Ngọc Truyền với bí danh và bút danh Lê Ngọc Phái, đã sáng tác và trực tiếp dàn dựng 09 vở cải lương, kịch ngắn, ca cảnh với thời lượng 30 - 60 phút, trong đó có những vở in đậm dấu ấn trong đời sống văn hóa, tinh thần bộ đội và quần chúng nhân dân vùng tự do trên địa bàn tỉnh Trà Vinh suốt một thời gian dài như Trai đất Việt, Tình quân dân, Mùa đông binh sĩ… Không chỉ biểu diễn khắp các huyện, thị xã trong tỉnh mà, theo yêu cầu của Ban Tuyên truyền Khu bộ 8, Trưởng đoàn Lê Ngọc Phái còn đưa Đoàn Văn nghệ tuyên truyền lưu động Trà Vinh mở rộng địa bàn biểu diễn phục vụ sang các tỉnh phía Nam của Khu bộ như Bến Tre, Vĩnh Long, Sa Đéc…

Năm 1949, Khu bộ 8 quyết định rút Lê Ngọc Phái về công tác tại Ban Tuyên truyền (do Nhà thơ Bảo Định Giang làm Trưởng ban), trực tiếp phụ trách Đoàn Văn nghệ tuyên truyền lưu động của Khu bộ. Tại đây, ông được phân công phụ trách tiểu ban sáng tác (cả công tác đạo diễn) nghệ thuật sân khấu như ca khúc, ca cổ, kịch nói, cải lương… Ban Tuyên truyền Khu bộ 8 lúc này có các nghệ sĩ nổi tiếng như Nhà thơ Bảo Định Giang, Nhà thơ Nguyễn Bính, Nhạc sĩ Hoàng Việt, Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí, Nghệ sĩ cải lương Tám Danh, Ba Du… Nhờ đó, năng lực sáng tác, đạo diễn của Lê Ngọc Phái dần được nâng cao. Những tác phẩm sân khấu trước đây của ông khi còn ở Đoàn Văn nghệ tuyên truyền lưu động tỉnh Trà Vinh như Trai đất Việt, Mùa đông binh sĩ… được chỉnh lý, nâng tầm, dàn dựng lại và tổ chức biểu diễn phục vụ đông đảo cán bộ, chiến sĩ, đồng bào khắp các tỉnh từ Long An, Gò Công, Mỹ Tho xuống Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long hoặc các tỉnh bưng biền Sa Đéc, Cao Lãnh. Tên tuổi Soạn giả, đạo diễn Lê Ngọc Phái được khẳng định trong hàng ngũ các văn nghệ sĩ cách mạng miền Nam Việt Nam.

Sau Hiệp định Genève, Phạm Ngọc Truyền cùng tập thể Ban Tuyên truyền Khu bộ 8 tập kết ra Bắc. Cũng như nhiều cán bộ miền Nam khác, ông được Đảng, Nhà nước đưa đi đào tạo nhằm nâng cao năng lực, chuẩn bị trở về miền Nam công tác sau thời hạn Hiệp thương Tổng tuyển cử (1956) như Hiệp định đã quy định. Phạm Ngọc Truyền tốt nghiệp Đại học Tổng hợp chuyên ngành Văn học, chương trình lý luận chính trị cao cấp Trường Nguyễn Ái Quốc, rồi học tiếp các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về sáng tác, đạo diễn, mỹ thuật sân khấu…

Năm 1956, khi chính quyền Sài Gòn công khai phản bội Hiệp định Genève, đất nước chưa thể thống nhất như dự định, tháng 4/1956, Bộ Văn hóa quyết định thành lập Đoàn Cải lương Nam Bộ, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến đời sống văn hóa, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam trên đất Bắc. Soạn giả Phạm Ngọc Truyền được chỉ định làm Trưởng đoàn. Trong thời gian 12 năm (1954 - 1966) sinh sống và công tác tại miền Bắc, với tấm lòng luôn hướng về miền Nam ruột thịt, Phạm Ngọc Truyền đã sáng tác hàng loạt vở kịch nói, cải lương có giá trị như Máu thắm đồng Nọc Nạn, Khoai lang dương ngọc, Người vợ miền Nam, Sống chung, Hai chị em, Ngàn sâu hoa nở, Người con gái đất đỏ… Tất cả những tác phẩm này đều tập trung chủ đề về cuộc sống, sinh hoạt, lao động sản xuất và tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân miền Nam trước các thế lực áp bức, bất công, trước giặc ngoại xâm. Với các tác phẩm này, Đoàn Cải lương Nam Bộ đã công phu dàn dựng, đưa đi biểu diễn phục vụ các đơn vị bộ đội miền Nam tập kết đóng tại Thanh Hóa, Sơn Tây hoặc các trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc cũng như những dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm trọng đại và những dịp đưa tiễn các đoàn cán bộ, chiến sĩ về Nam chiến đấu.

Riêng vở Máu thắm đồng Nọc Nạn được Phạm Ngọc Truyền viết trong những năm 1957, 1958 dựa theo sự kiện lịch sử là cuộc đấu tranh của người nông dân vùng Ninh Thạnh Lợi (Bạc Liêu) chống lại hành động cướp đất của thực dân Pháp câu kết với giai cấp địa chủ. Tuy tính chất đấu tranh giai cấp (nông dân - địa chủ) trong tác phẩm này là tuyến phát triển chính, diễn ra một mất một còn, nhưng sâu thẳm hơn, Phạm Ngọc Truyền và Đoàn Cải lương Nam Bộ đã gởi đi một thông điệp về cá tính cương trực mà nhân ái, hồn hậu của người nông dân miền Nam đối với thiên nhiên, đất nước, xóm làng, thân tộc. “Đáng nhớ hơn, trong không khí sôi sục ở miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, vở cải lương Máu thắm đồng Nọc Nạn được Đoàn Cải lương Nam Bộ dàn dựng đã giành giải nhất tại Đại hội Văn công toàn quốc diễn ra ở Hà Nội năm 1958. Đến nay, Máu thắm đồng Nọc Nạn được xem như một trong những vở diễn kinh điển và được ưa chuộng nhất của sân khấu cải lương” (Đồng Nọc Nạn từ hiện thực đến nghệ thuật. Tác giả Tuy Hòa. Báo Đầu tư tài chính, số ra ngày 19/02/2012). Từ vở cải lương Máu thắm đồng Nọc Nạn đã truyền cảm hứng cho sự ra đời của các bộ phim Đồng Nọc Nạn (Đài PT-TH Bạc Liêu) cũng như một đại cảnh trong phim Đất Phương Nam (Hãng phim Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh)…

Năm 1963, Soạn giả Phạm Ngọc Truyền và Đoàn Cải lương Nam Bộ mang đến Đại hội Văn công toàn quốc (Tiền thân của Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc sau năm 1975) lần thứ 2 vở cải lương “Người con gái đất đỏ”, thể hiện tấm gương chiến đấu kiên cường, bất khuất của người nữ anh hùng Võ Thị Sáu trên chiến trường cũng như trong nhà tù của chế độ thực dân. “Người con gái đất đỏ” giành lấy thành công rực rỡ với tấm Huy chương Vàng danh giá của Hội đồng Giám khảo và Ban Tổ chức, sau đó được Bộ Văn hóa đưa đi lưu diễn phục vụ khắp các tỉnh, thành phố trên toàn miền Bắc, động viên, cổ vũ nhiều thế hệ thanh niên nam, nữ hăng hái tòng quân vào Nam chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua 02 lần Đại hội Văn công toàn quốc (1958 và 1963), với thành công rực rỡ của hai tác phẩm “Máu thắm đồng Nọc Nạn” và “Người con gái đất đỏ” đã đưa tên tuổi soạn giả cải lương Phạm Ngọc Truyền sánh ngang vai với các soạn giả kinh điển lúc bấy giờ như Thế Lữ, Nguyễn Đình Nghi (kịch nói), Tào Mạt (chèo)…

Năm 1967, chuẩn bị cho chiến dịch mang tính quyết định, Soạn giả Phạm Ngọc Truyền, với bí danh và bút danh Như Sơn, được phân công vào Nam công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương cục và đảm nhiệm cương vị Trưởng đoàn Văn công Quân Giải phóng. Khi Hội Văn nghệ Giải phóng kiện toàn tổ chức, Như Sơn là Trưởng ban Sân khấu của Hội. Trong những năm ở căn cứ chiến khu Đ, một số vở kịch, cải lương của tác giả Như Sơn được Đoàn Văn công Quân Giải phóng và nhiều đoàn Văn công các tỉnh dàn dựng, biểu diễn phục vụ các đơn vị vũ trang và quần chúng nhân dân như Ngọn gió đêm hè, Chuỗi nhạc rừng dương, Dòng máu… Song song đó, Soạn giả Phạm Ngọc Truyền còn mở và trực tiếp giảng dạy nhiều lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ sáng tác, dàn dựng, biểu diễn, quản lý… cho nhiều cán bộ thuộc các Đoàn Văn công khắp các tỉnh, thành phố Nam bộ.

Sau ngày miền Nam giải phóng (30/4/1975), Soạn giả Phạm Ngọc Truyền được phân công phụ trách việc tiếp quản, ổn định và tổ chức hoạt động hệ thống sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Năm 1981, tại Đại hội thành lập Hội Nghệ sĩ sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, Soạn giả Phạm Ngọc Truyền được tín nhiệm bầu làm Tổng Thư ký (Chức danh Chủ tịch Hội sau này) đầu tiên và năm 1982, tại Đại hội Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, ông được bầu làm Phó Tổng Thư ký phụ trách phía Nam.

“Những năm 80 của thế kỷ XX sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thành phố còn khá nhiều đơn vị hoạt động biểu diễn sân khấu. Về kịch nói có tới bốn đơn vị là Bông Hồng, Kim Cương, Cửu Long Giang, Kịch Trẻ. Về sân khấu cải lương có đoàn Trần Hữu Trang, Văn Công TP, Cải lương Sài Gòn 1, Sài Gòn 2, Sài Gòn 3, Thanh Minh, Hương Mùa Thu, Đoàn 2-84, Hát bội, Quảng Đông, Triều Châu. Đây là thời kỳ lên ngôi của sân khấu cải lương. Hàng chục đoàn đua nhau dựng vở, biểu diễn liên tục có khi ngày 03 suất mà vẫn thu hút đông đảo người xem yêu thích nghệ thuật ca diễn này. Thành phố Hồ Chí Minh có thể nói là kinh đô của sân khấu cải lương” (Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh 37 năm: Nhìn lại những chặng đường. NSND Trần Ngọc Giàu. Trang Thông tin điện tử Thành phố Hồ Chí Minh, 05/5/2012).

Soạn giả Phạm Ngọc Truyền chính thức nghỉ hưu năm 1986 và từ trần tháng 9/1997, tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 74 tuổi.

Hiện nay, ở Thành phố Hồ Chí Minh có con đường mang tên Soạn giả - Đạo diễn - nhà quản lý sân khấu Phạm Ngọc Truyền, người con ưu tú của quê hương Trà Vinh.

TRẦN DŨNG

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/mot-ten-tuoi-lon-cua-san-khau-cach-mang-viet-nam-42462.html