Một thế giới đã đổi thay!
Như con quỷ reo rắc nỗi kinh hoàng thoát ra khỏi chiếc bình tai họa ở Vũ Hán, Trung Quốc, bệnh dịch COVID-19 đã quét qua toàn bộ địa cầu, tác động đến mọi mặt của đời sống nhân loại trong năm 2020, kể từ chính trị đến kinh tế, từ văn hóa đến xã hội;...
Nỗi niềm hoài nhớ quá khứ
Cuối năm 2020, trên tờ The New Yorker của Mỹ đăng tải một bức biếm họa, vẽ hai ông bà người Mỹ lứa tuổi trung niên đứng trong một căn phòng ấm áp nhìn qua cửa sổ, bên ngoài mưa gió lạnh lẽo, nói với nhau: “Nhớ ngày trước, chỉ có thời tiết như thế kia mới có thể giữ chân chúng mình ở trong nhà thôi nhỉ?”.
Trong khi ấy thì cũng dịp cuối năm 2020, một trong những hệ thống từ điển tiếng Anh nổi tiếng là Từ điển Collins cũng đã chọn từ “lockdown” là “từ ngữ của năm”. Nó đã được dùng tới 250.000 lần chỉ trong một năm qua.
Vậy giữa bức tranh biếm họa hai người trung niên hoài nhớ về một thời vàng son, khi chỉ có mưa dầm gió bấc mới có thể ngăn người ta ra khỏi nhà, với “từ ngữ của năm” mà Từ điển Collins chọn là “lockdown” có điểm gì chung?
“Lockdown”, trong tiếng Anh nghĩa là “phong tỏa”. Theo chính giải thích của nhà làm từ điển thì sở dĩ họ chọn danh từ này làm “từ ngữ của năm” bởi vì danh từ này “đã định nghĩa lại rất nhiều mặt của đời sống trên khắp thế giới trong những năm qua.
Mà đời sống thế giới trong năm 2020 quả thật đã bị “phong tỏa” một cách toàn diện, khiến cho hàng tỷ con người trên thế giới phải dự phần vào trải nghiệm chưa từng có, giới hạn mọi hoạt động của mình trong những không gian bị bó hẹp một cách ngặt nghèo. Thế nên, trong bức biếm họa kia, những người trung niên chỉ còn biết hoài nhớ về một thời quá vãng đẹp đẽ, khi người ta có thể thoải mái tự do tự tại đi lại mà không bị ngăn trở bởi nỗi khiếp sợ...
Nỗi khiếp sợ đó mang tên COVID-19.
Năm 2020 sẽ đi vào lịch sử nhân loại như là một năm đầy hoang mang sợ hãi, là “năm COVID-19”.
Như con quỷ reo rắc nỗi kinh hoàng thoát ra khỏi chiếc bình tai họa ở Vũ Hán, Trung Quốc, bệnh dịch COVID-19 đã quét qua toàn bộ địa cầu, tác động đến mọi mặt của đời sống nhân loại trong năm 2020, kể từ chính trị đến kinh tế, từ văn hóa đến xã hội; nó tác động mạnh mẽ đến bản đồ địa chính trị thế giới, lật đổ một tổng thống này và đưa một người khác lên thay, khiến nhiều quốc gia phải trả giá cực kỳ đắt chỉ vì đã lựa chọn sai phương thức đối phó với nó; làm thay đổi hành vi, nhận thức của từng cá nhân cho đến các nhà hoạt động chính trị, các nguyên thủ quốc gia.
Tóm lại, năm 2020 trở thành một bước ngoặt đáng quên trong lịch sử phát triển của nhân loại vì những điều đáng nhớ mà COVID-19 đã gây ra trên toàn cầu.
“Hiệu ứng cánh bướm”
Có thể lấy tác động của đại dịch COVID-19 lên cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ như một ví dụ điển hình cho “hiệu ứng cánh bướm”, khi mà con virus nhỏ bé dường như vô hình đã có thể làm chệch hướng cả một quốc gia như thế nào, ngay cả khi đó là siêu cường số 1 thế giới.
Sau hơn 3 năm ông Trump vào Nhà Trắng, trước khi con virus quái ác xuất hiện, Mỹ có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong vòng 50 năm, mức tăng lương hằng năm nhanh chóng đạt gần 5% trong nhóm lao động có thu nhập thấp nhất, cùng một thị trường chứng khoán sôi động bậc nhất thế giới. Cuộc sống của hàng triệu người Mỹ được cải thiện một cách rõ rệt. Ông Trump, với lối nói khoa trương quen thuộc, có thể tự hào khoe rằng ông đã “làm tốt hơn bất kỳ một tổng thống tiền nhiệm nào!”.
Ấy nhưng ngày vui của ông qua nhanh!
Khi dịch bệnh chết người xuất phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, ông Trump lên tiếng ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Thế rồi khi dịch bệnh bùng phát khắp thế giới và nước Mỹ phải hứng chịu những đòn đánh ác liệt của COVID-19, ông Trump dần đổi giọng. Từ chỗ gọi tên loài virus chết người là “virus Trung Quốc” và từ đó khởi động những màn đấu khẩu ác liệt giữa hai bên, ông Trump bắt đầu nhận thấy mối đe dọa do COVID-19 gây ra lớn dần.
Khác với những đối thủ trên thương trường trước đó mà ông có thể thương lượng, đàm phán để giành lợi thế, COVID-19 là một đối thủ ông Trump không thể tìm ra được cách nào để thỏa hiệp. Chỉ trong thời gian ngắn, đại dịch chết người này đã thổi bay mọi thành tựu kinh tế mà ông Trump có được nhờ cắt giảm thuế, bãi bỏ các quy định và chính sách thương mại đối đầu.
Cho đến thời điểm cuộc bầu cử diễn ra, ông Trump đã không còn một chút vốn liếng nào trong tài khoản thành tích để trình ra cho cử tri Mỹ ngoài việc đổ tội (hoàn toàn chính xác) cho đại dịch COVID-19 là thủ phạm của suy thoái kinh tế Mỹ.
Nhưng yếu tố mấu chốt mà đại dịch COVID-19 tác động lên cuộc bầu cử Mỹ chính là phương cách phản ứng của chính quyền ông Trump với đại dịch này đã dẫn tới những tổn thất kinh khủng về nhân mạng. Trong trường hợp này, chính sách (dài hạn) đóng vai trò quan trọng hơn vaccine! Những ngày sau bầu cử, trung bình mỗi ngày nước Mỹ phải chịu một vụ tấn công khủng bố 11-9 với hơn 3.000 người chết, một tổn thất không thể chấp nhận nổi trong thời bình.
Vô hình trung, cuộc bầu cử tổng thống lại trở thành một cuộc bỏ phiếu chấm điểm cung cách xử lý khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra và trong cuộc sát hạch này, ông Trump, với tư cách tổng thống, đã không vượt qua được. Chiếm được số phiếu phổ thông nhiều ở mức kỷ lục đối với một tổng thống đương nhiệm, thế nhưng ông vẫn thua sút ông Biden khoảng 7 triệu phiếu, một khoảng cách mênh mông giữa hai đối thủ trong bất kỳ một cuộc bầu cử tổng thống nào.
Chẳng phải ngẫu nhiên khi ông Trump kết tội hãng sản xuất ra vaccine phòng COVID-19 “không có đủ can đảm” để công bố việc vaccine có hiệu quả trước ngày bầu cử!
Cuộc “Thế chiến thứ ba”
Trên bình diện toàn cầu, đại dịch COVID-19 trở thành một cuộc “Thế chiến thứ ba” khiến cả thế giới chao đảo và tê liệt. COVID-19 đã làm được những điều mà thậm chí ngay cả một cuộc thế chiến cũng chưa làm được: các đường biên giới đóng cửa, mọi giao dịch hầu như ngừng lại, số lượng người chết leo thang với tốc độ kinh hoàng và hệ thống y tế ở nhiều quốc gia sụp đổ trước gánh nặng số người cần phải điều trị quá lớn.
Nhưng, điều tệ hại mà COVID-19 trong năm 2020 mang lại cho nhiều quốc gia trên toàn thế giới chính là những giá trị bị đặt trước thử thách vô cùng nghiệt ngã. Trong rất nhiều trường hợp, các nhân viên y tế phải đứng trước lựa chọn đạo đức bi thảm: cứu giúp những người trẻ tuổi có khả năng sống sót cao hơn và đành phó mặc những người già, những người mắc bệnh nền có nguy cơ tử vong cao cho sự may rủi.
Có những quốc gia phát triển như Thụy Điển, do lựa chọn chính sách sai lầm ngay từ bước đầu tiên đã khiến cho những người già yếu trong hệ thống các trại dưỡng lão phải đối mặt với một tỷ lệ tử vong tàn khốc.
Các nước châu Âu như Ý, Tây Ban Nha rồi lần lượt đến Pháp, Đức, Anh, tóm lại là toàn bộ cột trụ của một châu Âu không biên giới bỗng chốc lâm vào cuộc khủng hoảng y tế, nhân đạo lớn chưa từng có. COVID-19 không buông tha bất cứ ai, dù đó là người dân bình thường hay nguyên thủ quốc gia. Cùng với ông Trump bên kia đại dương, Thủ tướng Anh Boris Johnson hay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng là những bệnh nhân COVID-19!
Tiếp theo cuộc khủng hoảng y tế, điều không tránh khỏi là một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện, gây ra tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại khủng hoảng hồi những thập niên đầu thế kỷ XX. Sẽ phải còn rất lâu nữa, nền kinh tế thế giới mới có thể khắc phục được các di chứng do đại dịch COVID-19 gây ra để quay trở lại với những chỉ số như trước khi diễn ra đại dịch.
Cú nấc của định mệnh
Vậy năm 2020 có phải là một bước ngoặt kịch tính khiến tiến trình phát triển của nhân loại bị khựng lại, hay chỉ là một cú nấc nhẹ của định mệnh nhắc nhở con người nhận ra những khả năng vô song của mình để vượt qua khủng hoảng?
Câu trả lời rằng trong bóng tối bao giờ cũng tìm thấy ánh sáng, khi một cánh cửa này đóng lại thì đồng thời cũng có những cảnh cửa khác mở ra. Chỉ cần con người không từ bỏ, không đầu hàng!
Sự kiện trong những ngày cuối cùng của năm 2020, vaccine phòng COVID-19 được tiêm rộng rãi ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới, mới chỉ là bước đi đầu tiên. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục, những phòng thí nghiệm, các hãng dược phẩm với khoản đầu tư khổng lồ và nỗ lực không mệt mỏi của các nhà khoa học đã nhanh chóng tìm ra được vô số loại vaccine để chống lại với bệnh dịch đã giết chết hàng triệu người trên thế giới. Với một số lượng người nhất định được tiêm vaccine so với tỷ lệ dân số, rồi đây căn bệnh dịch quái ác sẽ phải lùi bước trước ý chí của con người.
Qua đại dịch trong năm 2020, con người đã học được đôi điều bổ ích. Không thể dùng súng bắn được virus nhưng đã có biết bao người hùng trên tuyến đầu chống dịch hy sinh cuộc sống của chính mình để cứu giúp cuộc sống bao đồng loại. Con người học cách tin vào những chuyên gia khoa học thay vì những lời hứa hẹn mang màu sắc chính trị. Thương mại điện tử, hệ thống chăm sóc sức khỏe số hóa, giáo dục từ xa qua mạng điện toán toàn cầu đã chứng tỏ sự hiệu quả của nó trong việc giúp đời sống của con người dễ chịu hơn trong khủng hoảng.
Hơn hết, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã dạy cho con người hiểu biết sâu sắc hơn giá trị của gia đình, của tình thương yêu, của những giây phút quý giá bên người thân, bạn bè; đấy là những thứ mà khi chưa có đại dịch, vì nhiều lý do, con người đã không biết đánh giá và coi trọng một cách đúng mức.
Năm 2020, thế giới đã đổi thay vì đại dịch COVID-19. Đổi thay như thế nào, tùy thuộc vào những lựa chọn của chúng ta.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/mot-the-gioi-da-doi-thay-625015/