Một thoáng xinh đẹp kiến trúc Thổ Nhĩ Kỳ

Vì nằm ở cả châu Á lẫn châu Âu và là một cường quốc hùng mạnh, với nền văn hóa rực rỡ, trải qua nhiều thời đại vàng son, Thổ Nhĩ Kỳ có một di sản kiến trúc vô cùng phong phú, thể hiện trên nhiều kiểu nhà cửa trang nhã. Về đại thể, ở miền Bắc Anatolia thường có nhà cửa bằng gỗ do nhiều rừng rậm, tại miền Trung Anatolia lại có nhà cửa bằng đất và đá nén, trong khi ở Tây và Nam Anatolia có sự kết hợp giữa cả đá lẫn gỗ, ngói… và về phong thái thì theo từng giai đoạn từ Hy Lạp tới La Mã, Byzance, Seljuk, Ottoman và hiện nay.

Tuy nhiên, dù ở thời nào, kiến trúc nơi đây cũng gắn chặt với các niềm tin tôn giáo mà vì chúng dân gian xây nên những công trình nhà ở rất công phu, đặc biệt là các công trình tín ngưỡng của cộng đồng như thánh đường Hồi giáo, lăng tẩm, phần mộ. Dưới đây, chỉ xin kể tới một hình thức kiến trúc rất nổi bật và vẫn còn được duy trì tới giờ, nhờ sự gần gũi, tuyệt đẹp – kiến trúc Ottoman.

Nền tảng của kiến trúc Ottoman chính là những kiến trúc trước đó song đổi mới hơn, mà thật ra là rộng thêm, to cao song hài hòa, nhịp nhàng. Bên cạnh có thật nhiều mảng sáng, tháp minaret vòi vọi, người ta cũng chú trọng tới những trang trí trong ngoài bằng gạch gốm sứ, họa tiết hoa lá cách điệu, mang tới chất thơ và sự tôn nghiêm cho công trình.

Phong cách Ottoman đã xuất hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ từ thế kỷ 14, nhưng đến thế kỷ 16 dưới triều đại Suleyman huy hoàng mới đạt đỉnh cao, và nhờ bàn tay khéo léo của kiến trúc sư trưởng Mimar Sinan. Trong khi phục vụ quốc vương, ông đã kiến tạo được hơn 355 tòa nhà và quần thể tráng lệ khắp đế chế, ví dụ như thánh đường Suleymaniye tại Istanbul, mà sự vĩ đại, cân đối cùng những mái vòm trùng điệp của nó đã trở thành biểu tượng của đất nước. Mặc dù chủ yếu lập các đền thờ (cami), nhưng các sultan cũng cho làm nhiều cung điện (sarayi), nhà tắm (hamam), trường học (medrese), bệnh viện (sifahane), dịch quán (kervansaray)…

Ở đó, các vòm và cột xà được dùng rất nhiều để tạo nên một kiến trúc nhấp nhô, bay bổng, thậm chí lao lên bầu trời. Dù vậy, chúng trông khá nhẹ nhàng như gối đầu lên nhau, vô trọng lực nhờ giải quyết được vấn đề vật lý và đa số xây bằng đá trắng, đá sáng. Bên ngoài không trang trí nhiều lắm, song bên trong nhấn nhá từng chút và thu cả một thế giới sặc sỡ vào đây với các mảng khảm, ốp, dát đá quý, vàng bạc, thủy tinh, trai ngọc… Tuy nhiên, có 3 tông màu được yêu thích nhất là màu xanh lam, xanh lá cây và đỏ hồng. Các họa tiết cũng được ưa chuộng là hoa lá, các hình học đa dạng, chữ thư pháp và kinh thi.

Lăng mộ Xanh Yesi Turbe ở Bursa.

Lăng mộ Xanh Yesi Turbe ở Bursa.

Thánh đường Xanh Yesi Cami.

Thánh đường Xanh Yesi Cami.

Trong các công trình tiêu biểu của kiến trúc Ottoman, 10 công trình sau luôn lọt vào danh sách những điểm đến thú vị quốc gia: Thánh đường Xanh Yesi Cami cùng Lăng mộ Xanh Yesi Turbe ở Bursa.

Được xây dựng bởi Mehmet I vào năm 1412, Thánh đường Xanh là một công trình đặc sắc nhất của thành phố Bursa và là nhà thờ Ottoman đầu tiên lợp ngói bên ngoài cho đẹp nên xanh ngắt. Không xa nơi này là Lăng mộ Xanh, chốn an nghỉ vĩnh hằng của đức vua.

Chợ lụa Koza Han ở Bursa.

Chợ lụa Koza Han ở Bursa.

Chợ lụa Koza Han ở Bursa cũng là một kỳ quan tuyệt đẹp của thành phố và nức tiếng khu vực về buôn bán tơ tằm. Chạy quanh một cái sân hình chữ nhật, đây là một quần thể của 95 gian hàng bazaar 2 tầng và có trên mái một loạt những vòm cao hình củ hành lượn tròn.

Chợ được Beyazit II cho lập vào năm 1491 và là trung tâm thương mại của thành phố từ đó, giao dịch tơ tằm, các loại kén và cả vải lụa thành phẩm. Giữa chợ còn có một nhà thờ nhỏ mescit 2 tầng với những bậc thang đi lên trông như một thang tầng máy bay.

Nhà thờ Selimiye ở Edirne.

Nhà thờ Selimiye ở Edirne.

Nhà thờ Selimiye ở Edirne chính là một kiệt tác của kiến trúc sư Mimar Sinan, và được ông xây dựng vào những năm 1569-1575, dưới thời sultan Selim II.

Gọi là nhà thờ song Selimiye trong thực tế là một quần thể hoành tráng của một thánh đường Hồi giáo với một mái vòm vĩ đại cùng 4 tòa tháp minaret mảnh khảnh, một tháp đồng hồ, một vườn thượng uyển, một thư viện, một khu chợ và nhiều trường học Hồi giáo. Tất cả cùng vươn cao sừng sững trên bầu trời cố đô Edirne, mà đặc biệt là mái vòm thánh đường cao tới 42m, đường kính 31m.

Thêm vào đó, nội thất của nó cũng được lát bởi hàng nghìn viên gạch Iznik sặc sỡ như chốn hoàng cung.

Nhà thờ Sultan Beyazid II.

Nhà thờ Sultan Beyazid II.

Một thánh đường nữa ở Edirne cũng nguy nga chẳng kém cung vua là Nhà thờ Sultan Beyazid II, vì tuy chỉ có một mái vòm lớn đường kính 21m, song có đến 100 mái vòm nhỏ khác xếp xung quanh trên các kiến trúc hình vuông và chữ nhật. Sự kết hợp giữa vuông và tròn vừa tạo nên vẻ đẹp hài hòa của công trình vừa mang tới cảm nhận về sự thái bình, đủ đầy tài lộc, nhất là khi công trình vươn dài và nhấp nhô như một dãy núi.

Xuất hiện từ năm 1488, bên trong khuôn viên của nó còn có một bệnh viện (darussifa) tới nay vẫn hoạt động không nghỉ với cách trị liệu cực kỳ thú vị đối với bệnh tâm thần, gồm dùng nhạc, tiếng nước chảy và hương thơm.

Cung điện Topkapi ở Istanbul.

Cung điện Topkapi ở Istanbul.

Cung điện Topkapi ở Istanbul không chỉ là nơi ở, trung tâm quyền lực của đế chế Ottoman suốt 400 năm, thậm chí sau khi hoàng gia chuyển sang chỗ ở mới, mà còn là một hoàng cung lớn nhất và đẹp nhất thế giới. Giữ trong mình lịch sử thành phố Istanbul, hoàng cung trung đại này vừa lộng lẫy về kiến trúc, vừa có phong cảnh thiên nhiên hết sức tươi đẹp, nhờ nằm bên biển Marmara, Bosporus, Golden Horn, lại tọa lạc trên một đỉnh đồi chính giữa thành phố, vươn dài qua 4 vườn thượng uyển, rộng tới 700.000m2.

Ra đời từ năm 1478, Topkapi gồm nhiều tòa nhà đồ sộ, tạo nên một thành phố mi ni và được bao bọc bởi những tường thành thời Byzance, dài 1.400m gọi là Sur-1 Sultani. Các sultan đã sống ở đây tới năm 1856 thì chuyển tới Cung điện Dolmabahce.

Thánh đường Xanh Sultanahmet.

Thánh đường Xanh Sultanahmet.

Cùng nhiều cung điện, Istanbul cũng có một nhà thờ rất nổi tiếng là Thánh đường Xanh Sultanahmet do nội thất đều ốp gạch xanh iznik với nhiều tông xanh, từ xanh lam tới xanh lơ, xanh dương, xanh lá, xanh ngọc. Chính Sultan Amet I là người đã cho dựng nhà thờ này, và người thực thi nó là Sedefkar Mehmet Aga.

Khánh thành năm 1616, với năm vòm chính, tám vòm phụ và sáu tháp minaret nhọn như cây bút, công trình có tường trong được trang trí bởi hơn 20.000 viên gạch vẽ thủ công và mang hoa văn của 50 loại hoa tu líp khác nhau, ngoài ra là các loại quả, kinh văn Quran…

Đây còn là một trong 5 nhà thờ Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ có 6 tháp minaret. Huyền thoại kể rằng, theo lệnh vua, các thợ xây phải làm ra những ngọn tháp vàng (altin minare), song do nghe nhầm, kiến trúc sư đã cho xây dựng 6 tòa tháp (alti minare). Thế nhưng, họ vẫn không bị trách phạt, và giờ Sultanahmet đã trở thành một biểu tượng của quốc gia và Di sản UNESCO.

Cung điện Ishak Pasa ở Dogubeyazit.

Cung điện Ishak Pasa ở Dogubeyazit.

Dù rằng chỉ mới xuất hiện vào cuối thế kỷ 18, song Cung điện Ishak Pasa ở Dogubeyazit vẫn là một viên ngọc quý của kiến trúc Ottoman. Tọa lạc trên một vùng hoang mạc, đồi núi hiểm trở, lại bị động đất vào năm 1840 và phá hủy trong Chiến tranh Nga Thổ nên công trình đã bị bỏ rơi trước khi trở thành một di tích lịch sử và được công nhận là một trong ít các cung điện lịch sử của đất nước còn sót lại.

Vào những năm 2005-2009, công trình cũng được in trên đồng tiền 100 lira Thổ Nhĩ Kỳ. Ishak Pasa đã được khởi công từ năm 1685 và trong suốt gần 100 năm bởi hoàng tộc Pasha. Về kiến trúc, nó chịu ảnh hưởng của khá nhiều kiến trúc Trung Đông, trong đó có Iran, song vẫn giữ được vẻ đẹp độc đáo với kiểu tháp cao và mái vòm đặc trưng Ottoman. Trong cung điện, còn có nhiều tòa nhà xinh đẹp như giáo đường, tháp canh, lò bánh…

Chu Mạnh Cường

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/mot-thoang-xinh-dep-kien-truc-tho-nhi-ky-27077.html