Một thời bão nổi

Cứ ngỡ rằng quên

Tiếng ù ù của gió

Tiếng lộp độp mưa rơi

Cứ ngỡ rằng quên

Trận cuồng phong

Cây bàng bật gốc. Chơ vơ.

(LĐ online) - Sau bao năm tôi xa cha mẹ, xa những trận bão giông, xa những giọt nước mắt xối xả... Nơi tôi ở, một nước ôn đới, bốn mùa rõ rệt, không nhiều bão giông. Và tôi cứ nghĩ mình đã quên, quên đi những trận cuồng phong bão táp, quên đi những giọt nước mắt…

… Để chiều nay khi đọc báo thấy tin cơn bão số 5, bão Noul tràn về. Nhìn trên tấm bản đồ, bão Noul ầm ập tiến vào dải đất miền Trung mong manh như một mũi tên khiến trái tim tôi lại thổn thức, đau đáu về nơi xa.

Ảnh minh họa từ Internet

Ảnh minh họa từ Internet

Ở nơi xa ấy, cha mẹ tôi đã già, chân tay không còn rắn chắc như xưa, vậy mà những cơn bão ngày một dày hơn, những cấp gió cứ ngày một mạnh thêm, những cơn mưa ngày càng xối xả. Mắt mẹ đã mờ, chân cha đã chậm, con gái lại lấy chồng xa, còn ai che chắn những cánh cửa khi bão nổi. Điện thoại nhấc lên, tiếng cha đứt quãng giữa những đợt gió : ‘Mày cứ yên tâm, cha mẹ vẫn còn nóc nhà’.

Cứ ngỡ rằng quên

Nước mắt mẹ tôi theo cơn mưa xối xả

Những ngón tay sần sùi của cha

Níu vào gió

Giữ lại mái nhà

Vâng, tôi quên sao được, ánh mắt của mẹ tôi ngày ấy. Ngơ ngác. Hốt hoảng. Đớn đau.

Đó là một ngày đầu tháng chín năm 1986, khi cơn bão số 5 ập vào, quê tôi đứng tuyến đầu đón bão. Trước đó mấy hôm, cha mẹ đã đóng được hàng nghìn viên gạch, chuẩn bị cho việc đốt lò để xây nhà. Đống gạch còn chưa kịp khô, nằm ngả nghiêng ngoài sân nắng. Buổi sáng khi có tin bão đổ về, cha không phải đến trường để ở nhà chạy gạch. Suốt cả sáng đến trưa rồi qua chiều, cha mẹ mới kịp sơ tán chỗ gạch vào nhà, một căn nhà cấp bốn. Từ chiếc đài phát thanh nhỏ, cô phát thanh viên liên tục báo tin về cơn bão. Cứ sau vài giờ, cơn bão lại nhẩy lên vài cấp độ. Cha tôi bỏ ăn cả trưa để chằng lại mái nhà. Mẹ tranh thủ vần nốt những viên gạch cuối. Hai chị em tôi còn nhỏ quá không giúp gì nhiều cho cha mẹ, chỉ luẩn quẩn bên bà ngoại, cố gắng thu dọn nhà cửa để đủ chỗ cho gia đình năm người chúng tôi nằm duỗi chân ra ngủ. Buổi tối hôm đó, cha mẹ lầm lũi ăn vội bát cơm rồi tranh thủ sang giúp bác hàng xóm cạnh nhà chống bão.

Cứ ngỡ rằng quên

Những khuôn mặt người

Hoảng hốt. Bất lực. Đớn đau.

Chưa kịp hiểu bắt đầu lại từ đâu

Trắng đôi tay còn lấm lem bùn đất

Cơn thịnh nộ đi qua

Đớn đau ở lại

Sao lỡ đành quên!

Nửa đêm, tiếng mưa lộp bộp ném vào mái mỗi lúc một mạnh. Cha đánh thức chúng tôi dậy, kéo xuống gầm giường. Bà ngoại, tôi và chị gái chui xuống chiếc giường duy nhất còn chắc chắn trong khi cha mẹ vẫn hì hục căng mình giật lại từ sức gió chiếc cánh cửa. Bà ngoại ôm chặt chúng tôi vào lòng, nằm ép người xuống đất. Tiếng viên ngói đầu tiên rơi bôm bốp xuống chiếc giường bên cạnh. Bốn bức tường rung rắc rắc. Mái ngói ù ù những tiếng gió như tiếng con rồng phun lửa. Nước mưa tràn vào nhà xối xả. Đống gạch ngấm nước nhão nhoét. Mẹ đứng bên cạnh tức tưởi. Gió mỗi lúc một to. Cha quyết định cho cả nhà sang nhà hàng xóm tránh bão.

Giữa những đợt gió ầm ầm, cha cõng bà ngoại, mẹ dắt tay hai đứa chúng tôi, lần theo bức tường rào đi lánh nạn. Con đường thường ngày chia cắt hai nhà chúng tôi chỉ dài độ năm mươi mét, chạy một nhoáng là sang đến nơi, nhưng tối nay nó dài, dài mãi ra. Mẹ đi trước chắn từng cơn gió cho hai chúng tôi bước sau. Mỗi đợt gió đổ về, chúng tôi có cảm giác bị hất tung, thổi ngược về phía sau. Bàn tay bé bỏng của chúng tôi nằm gọn trong tay mẹ, tay kia bấu chặt vào tà áo của nhau. Chúng tôi đang cùng nhau đấu lại trận cuồng phong.

Đi mãi rồi cũng đến. Nhà bác hàng xóm ở một mình đã đổ mái bằng nên có vẻ chắc chắn hơn. Khi chúng tôi bước vào, bác lấy chăn chùm kín người cho tôi bớt lạnh, lấy bộ quần áo thùng thình của bác cho chúng tôi thay. Trong bộ quần áo quá khổ, nhìn hai chị em như những con bù nhìn rơm trên cánh đồng mùa gặt. Hai đứa ôm bụng cười ngặt nghẽo. Khi chúng tôi đã nằm trên giường yên ổn, cha để chúng tôi lại để chạy qua nhà. Tiếng mẹ thút thít tiếc đống gạch non. Tôi vẫn hồn nhiên đòi bà hát ru. Rồi cơn bão cũng qua.

Ảnh minh họa từ Internet

Ảnh minh họa từ Internet

Khi chúng tôi tỉnh dậy, bầu trời xanh thăm thẳm, nắng vàng lấp lánh, giữa bốn bề hoang tàn đổ vỡ. Cả một cảnh tượng tưởng chừng chỉ có trong phim. Mắt mẹ đỏ ngầu, mắt cha trũng sâu. Chúng tôi lần theo bờ rào để trở về nhà.

Ngỡ ngàng. Căn nhà cấp bốn của chúng tôi vẫn đứng vững sau trận cuồng phong. Một vài viên ngói rơi xuống giường vỡ vụn để lọt vào những tia nắng ấm áp. Bà ngoại lôi ra từ góc bếp nồi khoai luộc từ chiều hôm qua trước khi bão về. Chúng tôi ngồi quây quần bên manh chiếu đã kịp khô một ít. Cha mẹ chia cho chúng tôi những củ khoai to nhất. Mắt cha hình như đỡ sâu hơn khi nhìn mái nhà : ‘Đừng lo, bố sẽ trèo lên thay ngói mới’. Mẹ nhìn chúng tôi tủm tỉm: ‘Chúng ta sẽ tranh thủ đi thu gom lá về đun bếp. Sau bão, lá cây rụng đầy đường, sẽ có rất nhiều lá to cho các con chơi’. Và cuộc sống của chúng tôi lại bắt đầu.

Mẹ tôi khoác chiếc áo tơi

Nhặt về những lá bàng

Vẫn ngỡ ngàng một màu xanh

Bắp tay cha lại rắn hơn sau bao thử thách

Giữ nguyên mái nhà

Có thể nào quên

Sau phong ba

Những mầm non lại vươn lên từ đất

Tiếng em thơ trong chiều ríu rít

Lúa vàng trĩu bông

Theo bước chân chị về (*)

Gần nửa đời người xa cha mẹ, tôi vẫn giật mình mỗi khi nhớ về trận bão khủng khiếp năm ấy, năm khi tôi còn rất nhỏ. Những tưởng nó đã thành ký ức phai màu, nhưng không, mỗi tin bão về, trái tim tôi vẫn đau đáu hướng về quê nhà, dẫu biết rằng sau cơn mưa trời lại sáng.

(*) Trích bài ‘Quê tôi’ - Quyên GAVOYE

Quyên GAVOYE

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202009/mot-thoi-bao-noi-3022661/