Một thời cùng nắng gió Krông Pa
Khi còn công tác, tôi thường về vùng Krông Pa, nơi giáp với hạ nguồn con sông Ba thuộc tỉnh Phú Yên. Con đường 25 từ Gia Lai về Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) trước năm 2000 được mệnh danh là 'con đường khổ ải', nhất là đoạn từ Ayun Pa về thị trấn Phú Túc. Do vậy, nó đã trở thành lực cản của cán bộ ở tỉnh về công tác ở xứ sở của người Jrai Mthur này. Ngược lại, người dân Krông Pa cũng 'cực chẳng đã' có việc quan trọng mới về Pleiku, còn không thì họ xuôi về Tuy Hòa thuận lợi hơn.
Tuy con đường 25 bấy giờ lắm ổ gà, nhiều cống ngầm sạt lở trong mùa mưa nhưng tôi vẫn thích thú mỗi lần về vùng đất lắm bãi bồi bên triền sông Ba ấy. Mỗi khi vượt đèo Tô Na, nơi phân định ranh giới giữa Ayun Pa và Krông Pa vào buổi chiều cuối mùa mưa, tôi thường dừng lại nơi đỉnh đèo để được ngắm thung lũng Hồng khi mặt trời sắp ngả về Tây.
Đó là bãi bồi khá rộng trên dòng sông Ba chảy qua khúc eo của dãy núi chắn ngang. Dưới ánh nắng dịu dần buổi chiều tà, xung quanh là núi đá, mặt nước sông hắt lên một màu hồng nhạt bao trùm cả thung lũng bên đèo đẹp đến ngỡ ngàng. Có lẽ vì thế nên địa danh của khúc sông này mới mang cái tên mỹ miều “Thung lũng Hồng”!
Thị trấn Phú Túc bấy giờ còn nghèo, cư dân thưa thớt. Những buôn làng Jrai bao quanh thị trấn đầy nắng gió, ít cây xanh này. Mùa khô nơi đây sông suối cạn khô khốc. Những cánh đồng Chư Gu, Chư Ngọc… sau mùa gặt chỉ còn lại một dải đất cằn cỗi phơi mình trong cái nóng cháy da. Thi thoảng còn vài ba chòi tranh trơ trọi giữa đồng không lộng gió.
Hồi ấy, các buôn làng Jrai Mthur thường thiếu đói trong mùa giáp hạt vì ruộng đồng thiếu nước, chỉ trông chờ vào một vụ mùa mưa. Nhằm khắc phục tình trạng này, huyện Krông Pa chủ trương ưu tiên phát triển cây điều và đặt tên là “cây xóa đói giảm nghèo” bên cạnh các loại cây ngắn ngày khác như: mì, thuốc lá…
Với vùng đất cằn khô nơi đây, ngoài cây điều thì khó có loài cây nào tồn tại được trong vòng 7-8 tháng bị nung dưới “chảo lửa”. Vùng điều ở mảnh đất này có thời kỳ phát triển lên đến trên 5.000 ha. Đi đến đâu cũng thấy những vườn điều xanh um rất thích mắt.
Nhưng thị trường lại chao đảo, giá bán cho thương lái cứ sụt giảm khiến người dân chẳng mấy mặn mà khi đến mùa thu hoạch điều. Lại thêm, thời tiết ở đây trái khuấy, khi mùa điều đang đơm hoa kết quả thì xuất hiện những trận mưa rào làm rụng hết chỉ còn lại cành lá trơ xương. Người dân lại phá vườn điều… Và cứ thế, bà con quẩn quanh với đói nghèo!
Tôi nhớ, mỗi lần ngồi trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Mạnh, ông vẫn bày tỏ nỗi trăn trở cần làm gì để người dân có cái ăn, nhất là đồng bào dân tộc địa phương? Cũng từ những trăn trở này, dự án thủy lợi Ia Mlah ra đời với sức tưới cho 5.000 ha lúa nước. Công trình như một phép màu đã giải thoát cho hàng vạn cư dân ở vùng khô hạn này. Ngoài hồ thủy lợi Ia Mlah với hàng triệu mét khối nước ở phía Bắc huyện, còn có đập dâng thủy điện Sông Ba Hạ ở phía Nam đã góp phần điều tiết khí hậu trong vùng ôn hòa hơn, cái “chảo lửa” trong mùa khô cũng dịu đi đôi phần.
Những năm sau đó, có dịp trở lại vùng hạ lưu sông Ba, tôi nhận thấy cuộc sống của người dân đã có nhiều đổi thay nhờ giao thông thuận lợi, nước đủ tưới tiêu, sản xuất đi vào ổn định. Đất lành chim đậu, thị trấn Phú Túc ngày một sầm uất.
Bấy giờ, ngồi nhâm nhi với các anh lãnh đạo huyện Krông Pa trong giờ nghỉ, tôi có đưa ra một ý tưởng vừa đùa vừa thật: Cái nắng của vùng Krông Pa không phải là thứ đáng ghét mà tương lai nó sẽ là “tài nguyên quý”. Trước mắt, nơi đây có đặc sản thịt bò một nắng và muối kiến vàng mà chúng ta đang thưởng thức. Nếu không ở xứ nắng nóng thì không thể có thứ ẩm thực đặc biệt như vậy. Và tin rằng, trong tương lai không xa “cái nắng” ấy sẽ làm giàu cho vùng đất này!
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12400/202008/mot-thoi-cung-nang-gio-krong-pa-5696741/