Một thời sôi động
Những năm 1990, các bài báo chống tiêu cực chủ yếu có trên các báo thuộc hội đoàn. Thế nhưng Hànôịmới, một tờ báo Đảng địa phương đã cho đăng nhiều bài về đề tài nhạy cảm này.
Cuối những năm 1980, Tổng Biên tập Hồng Lĩnh nghỉ hưu, nhà báo Hồ Xuân Sơn được Thành ủy điều về làm Tổng Biên tập Báo Hànôịmới. Đây là thời kỳ nước ta bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới. Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn xin phép ra ấn phẩm phụ Hànôịmới Chủ nhật, gồm 6 trang, phát hành vào sáng chủ nhật. Nội dung của Hànôịmới Chủ nhật khác với các số xuất bản hằng ngày, có nhiều bài phản ánh chân thực đời sống đa dạng, rất gần với bạn đọc. Ông may mắn có một Phó Tổng Biên tập đồng quan điểm là nhà báo lão thành - dịch giả Dương Linh. Báo Hànôịmới Chủ nhật bán rất chạy, trở thành hiện tượng của làng báo phía Bắc.
Năm 1997, nhóm phóng viên báo Hànôịmới Chủ nhật nhận được tài liệu bạn đọc cung cấp, liên quan đến sai phạm của Việt Nam Airline khi mua 2 chiếc máy bay Forker. Có lẽ phải rất tin tưởng chúng tôi nên họ mới cung cấp tài liệu. Tuy nhiên, tài liệu đó có “chuẩn” hay không và “chuẩn” đến mức nào thì cần phải xác minh. Rồi việc kiểm tra qua nhiều nguồn khác nhau đã cho kết quả: Tài liệu đó đáng tin cậy! Nhóm phóng viên Hànôịmới Chủ nhật bắt đầu bàn bạc. Viết bài không khó nhưng quan điểm của Tổng Biên tập thế nào? Tổng Biên tập là người đứng đầu tờ báo, cũng là người chịu trách nhiệm cuối cùng, đăng hay không là quyền của Tổng Biên tập.
Chủ trương chống tham nhũng, tiêu cực được ghi rõ trong Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ VIII. Báo nào "lơ" đề tài này cũng chẳng sao, bởi đó không phải là quy định bắt buộc. Còn cho đăng, nếu có chi tiết sai thì Tổng Biên tập có thể sẽ gặp “tai nạn”, nhẹ thì kỷ luật, nặng có khi sự nghiệp chính trị tiêu tan. Thế nhưng, vì “mệnh lệnh” đạo đức nên nhiều báo vẫn cử phóng viên điều tra đăng bài, đáp ứng mong mỏi của bạn đọc, cũng là trách nhiệm xã hội của báo chí. Việc Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn đồng ý cho đăng về chủ đề này khiến chúng tôi rất hứng khởi.
Chấp bút là Trưởng ban Nguyễn Triều. Bài đầu tiên có cái tít “Bay lên nào”. Báo phát hành sáng chủ nhật, dù là ngày nghỉ nhưng thông tin từ “đối tác” cho biết, lãnh đạo Việt Nam Airline vô cùng bực bội, không phải vì báo mà vì trong đơn vị của họ có “nội gián”. Sau đó, họ gửi công văn nói báo “vu khống”, yêu cầu đính chính. Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn cho thảo công văn trả lời theo quy định và đề nghị hai bên gặp gỡ trao đổi. Chủ nhật tuần tiếp theo, báo ra bài thứ hai, vẫn do nhà báo Nguyễn Triều viết. “Đối tác” của chúng tôi dặn “phải hết sức thận trọng khi gọi điện thoại từ cơ quan ra bên ngoài”. Chúng tôi thông báo với Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn có thêm tài liệu mới, đó là kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính về việc mua hai máy bay Forker có sai phạm, để ông yên tâm. Việc chúng tôi có trong tay bản kết luận thanh tra không phải do "đối tác" cung cấp mà là tình cờ (sự việc xảy ra đã lâu nhưng xin được giữ kín tên tuổi của người này).
Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn bắt đầu chịu sức ép từ nhiều nơi, yêu cầu dừng đăng bài tiếp theo, kèm theo câu “sẽ bị kỷ luật, sẽ mất chức... vì làm lộ bí mật quốc gia”. Nhưng Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn bảo ông đã làm đúng lương tâm và quyết đi đến tận cùng sự việc. Ông cho đăng tiếp bài thứ ba. “Lửa” lại bùng lên khi đồng nghiệp Tiến Thanh (báo Thanh Niên) xin chúng tôi tài liệu để đăng bài dài kỳ trên Thanh Niên - một tờ báo uy tín, phát hành với số lượng lớn ở trong Nam, ngoài Bắc khi đó.
Chống tham nhũng tưởng đơn giản chỉ là tố cáo cái sai, gây thiệt hại cho nhà nước thì sẽ được ủng hộ, song thực tế vô cùng phức tạp. Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn bắt đầu mệt mỏi vì các cuộc điện thoại vào lúc nửa đêm, còn chúng tôi thì hoang mang. Một cuộc gặp giữa Báo Hànôịmới và Việt Nam Airline được tổ chức. Tại cuộc họp, họ vẫn cho rằng báo vu khống. Để phòng ngừa những điều xấu nhất có thể xảy ra, Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn chỉ đạo chúng tôi thảo công văn kèm theo tài liệu, chứng cứ gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Về phía ông, trong một cuộc họp, ông đã “trưng” kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính thì lãnh đạo Việt Nam Airline mới “đổi giọng”. Nhưng câu chuyện lại xoay sang hướng khác, họ “truy” chúng tôi lấy tài liệu ở đâu, do ai cung cấp. Họ nhập nhằng xung quanh dấu “tuyệt mật” và “mật” dù mức độ quan trọng của hai con dấu đó hoàn toàn khác nhau. Thế là trong khoảng 3 tháng liền, hằng ngày nhà báo Nguyễn Triều phải sang Bộ Công an, ngày nào cũng chỉ một việc duy nhất: Giải trình tất cả những gì liên quan đến vụ việc. Và trước sau như một, Nguyễn Triều chỉ nói “có ai đó gửi tài liệu vào thùng thư của báo, thấy đề tài hay nên chúng tôi xác minh và viết bài”. Còn Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn thì bị phê bình vì để phóng viên sử dụng tài liệu có đóng dấu “mật”. Cuối cùng, sóng gió cũng qua. Sau vụ việc “động trời” này, Tổng Biên tập Hồ Xuân Sơn lại cho đăng nhiều bài điều tra về sai phạm ở một số đơn vị...
Dũng cảm chưa chắc đã là anh hùng, nhưng anh hùng thì trước hết phải có lòng dũng cảm. Công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nếu không có người dũng cảm khó có thể giành được thắng lợi. Trong sự nghiệp xây dựng quốc gia phồn thịnh, công bằng, dân chủ, văn minh cũng vậy, nếu không có người dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân thì khó thành công. Chuyện đã cách đây một phần tư thế kỷ, nhà báo Hồ Xuân Sơn đã rời cõi tạm nhưng với chúng tôi, đó là kỷ niệm khó quên trong đời làm báo.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/1045187/mot-thoi-soi-dong