Một thông điệp - nhiều ý nghĩa
Phát biểu kết luận phần thảo luận hội trường về dự thảo Nghị quyết áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào đầu tuần này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ báo cáo Quốc hội nội dung về ưu đãi đầu tư trong kỳ họp này và thể hiện vào Nghị quyết chung của Kỳ họp; các nội dung cụ thể sẽ giao Chính phủ xây dựng một nghị định phù hợp.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung và thông qua dự thảo Nghị quyết áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu ngay trong Kỳ họp này. Trên hội trường và trong thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất cho rằng, cần thiết ban hành ngay nghị quyết này. Cùng với đó, phải có thêm nghị quyết về chính sách ưu đãi, hỗ trợ để bảo đảm duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn với doanh nghiệp, đồng thời không vi phạm các cam kết chung về việc áp dụng thuế tối thiểu và cũng không quá tốn kém cho ngân sách.
Bởi lẽ, khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng thì hầu hết biện pháp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành (miễn thuế, thuế suất ưu đãi dưới 15%) sẽ không còn giá trị với các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu chỉ thấy Việt Nam tăng thu mà không hỗ trợ trở lại, các nhà đầu tư nước ngoài có thể rút vốn, chuyển bớt đầu tư sang quốc gia khác.
Hơn nữa, các quốc gia cạnh tranh thu hút FDI với Việt Nam trong khu vực đã và đang nghiên cứu, ban hành những hình thức ưu đãi đầu tư mới, vượt trội để duy trì sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu Việt Nam không có động thái điều chỉnh phù hợp thì sẽ đuối sức trong cuộc cạnh tranh này và ảnh hưởng đến mục tiêu thu hút FDI - vốn đã, đang và sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam.
Trên thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ động đề cập đến vấn đề này từ rất sớm. Tại phiên họp tháng 4.2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội sốt ruột vì thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề cấp bách nhưng Chính phủ chưa có đề xuất. Sau sự thúc giục đó, những chuyển động liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu mới diễn ra sôi động. Trong Nghị quyết Kỳ họp thứ Năm - một cách chính thức, Quốc hội yêu cầu Chính phủ đề xuất giải pháp chính sách phù hợp với thuế tối thiểu toàn cầu.
Theo dự kiến ban đầu, dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu. Tuy nhiên, do hồ sơ dự án Nghị quyết chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Vì vậy, cùng với việc thông qua dự thảo Nghị quyết khẳng định Việt Nam sẽ thực thi thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, việc Quốc hội có một thông điệp về chính sách hỗ trợ đầu tư thể hiện trong Nghị quyết Kỳ họp thứ Sáu là hết sức quan trọng và cần thiết. Điều này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi và công bằng, qua đó củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, giữ chân họ và thúc đẩy họ mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là thông điệp về một Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, toàn diện vào kinh tế toàn cầu và sẵn sàng tham gia các luật chơi chung.
Và còn một ý nghĩa đặc biệt nữa trong câu chuyện này. Đó là Quốc hội tiếp tục thể hiện tầm nhìn xa, rộng, cũng như tinh thần kề vai sát cánh với Chính phủ trong việc tìm đối sách cho những vấn đề quan trọng của đất nước và nâng cao năng lực quản trị quốc gia.