Một thuở chăn trâu

Ngày ấy, nhà tôi có nuôi hai con bò để cày bừa, ngoài cày ruộng nhà còn phải đi cày mướn mới đủ gạo ăn. Bò thì chịu đựng nắng dẻo dai, nhưng mưa thì kém hơn trâu. Mùa cày bừa thường là mùa mưa, nên cha tôi đổi lấy hai con trâu để cày bừa thuận tiện hơn. Cứ đến ngày mùa, khi trời tờ mờ sáng, cha tôi hự hẹ đánh đôi trâu đi trước, cái cày đi sau ra đồng cày cấy.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tầm hơn 9 giờ tôi mang mo cơm đến cho cha ăn, tôi để riêng một mo để mang theo lúc chăn trâu. Chờ đến trưa cha tôi thả cày, tôi lùa trâu sang đồng ruộng trống cách đó hơn 3 cây số cho ăn tới chiều mới lùa về chuồng.

Tôi nhớ trong bài ca vọng cổ “Em bé quê” mà nghệ sĩ Minh Vương (nay là NSND) và Tha

nh Kim Huệ (NSUT) thường ca trên đài có câu: “Ai bảo chăn trâu là khổ/ chăn trâu sướng lắm chứ/ ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau và miệng hát nghêu ngao…”. Quả thật chăn trâu vui buồn lẫn lộn. Khi cha thả cày, tôi tắm hai con trâu sạch bùn sình, mát mẻ, rồi điều khiển cho một con đi trước, tôi cưỡi trên lưng con trâu đi sau, đến đồng ruộng trống ăn cỏ.

Hai chú trâu hiền lành đi theo con đường mòn cũ đến cánh đồng, hòa nhập đàn trâu xóm trên, xóm dưới mấy chục con. Ở đây còn có đàn bò đông đảo không kém đàn trâu. Người dân địa phương thường gọi khu vực này là cánh đồng Rừng Miễu, vì nơi đây ngoài cây rừng, người dân còn lập nhiều cái miếu nhỏ để thờ gia binh. Ngày nay không còn rừng và miễu, nhưng khi ngang qua đây người dân vẫn gọi là xóm Rừng Miễu.

Khi đám trâu bò mải mê gặm cỏ, bọn tôi tụm năm tụm bảy chơi đánh gòng, đá banh, bắn ống thụt… đủ thứ trò chơi quê trên đồng. Bọn tôi mặn trò chơi chia phe bắn ống thụt, cứ như một trận chiến. Cũng chính trò chơi này để lại trong tôi những kỷ niệm khó quên, dở khóc, dở cười.

Những chiếc ống thụt bọn tôi chế ra từ cây tầm vông hoặc cây tre nhỏ, cắt một đoạn khoảng 20-30cm, tùy theo sở thích của từng đứa, phải có lỗ nhỏ độ bằng đầu chiếc đũa, sao cho bỏ vừa khít viên đạn- bằng trái bời lời hoặc trái cò ke, ở khoảng gần giữa chiếc ống thụt gắn thêm một ống trúc dài khoảng 20cm để chứa đạn.

Cán ống cũng làm bằng cây tầm vông ngắn, ống nào cán đấy, có gắn cái chìa nhỏ vừa khít lỗ thụt để đẩy viên đạn khi bắn, thành phẩm gọi là ống thụt máy, còn ống thụt thường không gắn thêm ống trúc trên, mà chỉ nạp mỗi lần một viên đạn.

Ðầu ống thụt gắn thêm cái cổ chai nhựa hoặc đan lá dừa quanh đầu nòng hình loa kèn, khi bắn tiếng nổ lớn, thanh tao hơn, rất vui tai. Thú vị hơn, khi những trái cò ke, bời lời còn tươi bắn văng ra xác và nước, cảm giác như nòng súng bốc khói.

Lần ấy, nơi bìa Rừng Miễu, khi đàn trâu bò gặm cỏ, bọn tôi thấy có nhiều hầm hào của lực lượng cách mạng, nên chia hai phe bắn nhau, một bên là chăn trâu, một bên chăn bò, trong lúc giao chiến lợi dụng những hầm hào ấy mà núp ló, chạy lên chạy xuống liên tục.

Bỗng dưng, không biết trùng hợp hay sao, mà có một chiếc máy bay đầm già ầm ù quần đảo trên đầu. Linh tính sẽ có chuyện nguy hiểm, vì đây là vùng giải phóng, nên bọn tôi bỏ trâu bò, quăng cả ống thụt, chạy một mạch hơn 4 cây số để về nhà.

Vừa tới nhà, mặt mày xanh hơn tàu chuối, đã nghe tiếng máy bay phản lực ầm ầm hướng từ Gò Dầu bay qua, nghiêng cánh thả hàng chục quả bom xuống nơi chúng tôi vừa đánh trận giả. May sao, tất cả bọn tôi lẫn trâu bò đều về tới nhà an toàn, chỉ có con nghé của chú Hai ở cạnh bên nhà chạy không kịp, bị thương nặng nhưng cũng chạy về tới nhà mới giãy chết. Những hố bom đận ấy, sau ngày giải phóng người dân san lấp thành ruộng thuộc.

Ký ức thuở chăn trâu, ngồi trên lưng trâu, tận hưởng ngọn gió đồng thanh bình, yên ả; những trò chơi mộc mạc, dân dã ngoài đồng cùng bạn bè trang lứa, giờ vẫn đọng lại trong tâm thức, khó mà quên được.

THÙY DUNG

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/mot-thuo-chan-trau-a133925.html