Một 'thương hiệu' trong làng chèo Việt Nam
Cách đây 65 năm, ngày 1-10-1954, Đội văn công thuộc Cục Chính trị-Tổng cục Cung cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Đó là tiền thân của Đoàn Nghệ thuật chèo Tổng cục Hậu cần (TCHC) và nay là Nhà hát Chèo Quân đội.
Đại bản doanh Nhà hát Chèo Quân đội ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) những ngày cuối tháng 9 rộn ràng hơn hẳn. Trên sàn tập sân khấu được xây dựng theo quy chuẩn của một nhà hát biểu diễn, các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn diễn 2 hăng say tập dượt vở chèo “Công lý không gục ngã”. Đây là vở diễn lịch sử được dàn dựng hấp dẫn, có nhiều tình tiết gay cấn, kịch tính, thể hiện rõ quan điểm: Niềm tin vào sự chiến thắng của công lý cũng như sự nghiêm minh trong kỷ cương, phép nước. Dẫu là câu chuyện về một giai đoạn lịch sử đầy biến động, nhưng vở diễn lại chạm vào tâm tư người xem vì tính thời cuộc, hiện đại. Đại tá, đạo diễn, NSND Nguyễn Quốc Trượng, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, chia sẻ: “Thời gian qua, khi thực hiện các vở mới, chúng tôi chú trọng dàn dựng tập trung để các tác phẩm gọn gàng, súc tích, dễ hiểu, chuyển tải tốt về nội dung, tính nghệ thuật, những giá trị tư tưởng của vở chèo đến khán giả”.
Không khí rộn ràng của vở diễn nối dài từ nhà hát tới Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019, diễn ra tại Bắc Giang. Phần thi của Nhà hát Chèo Quân đội diễn vào tối thứ 7 (21-9) tại khán phòng của Trung tâm hội nghị tỉnh Bắc Giang không còn chỗ trống. Các nghệ sĩ, diễn viên hóa vai trong vở chèo “Công lý không gục ngã” mang đến cho bạn nghề và công chúng nhiều ấn tượng bởi tài năng diễn xuất cũng như giá trị tư tưởng mà vở diễn mang lại. Bà Nguyễn Thị Hoa, nhà ở huyện Việt Yên (Bắc Giang) cứ nán lại sân khấu dù cho vở diễn đã kết thúc. Bà Hoa mong mỏi gần 20 năm nay mới được xem trực tiếp các nghệ sĩ chèo quân đội trên sân khấu. Bà hâm mộ các nghệ sĩ chèo quân đội từ ngày xem “Bài ca giữ nước” dàn dựng vào những năm 80 của thế kỷ trước trên ti vi. Nay, theo bà, các nghệ sĩ, diễn viên của nhà hát trẻ, đẹp, hát hay, tài năng không khác các thế hệ nghệ sĩ trước đây.
Vở diễn “Công lý không gục ngã” cùng với vở “Bến nước ngũ bồ” được Nhà hát Chèo Quân đội đầu tư dàn dựng và tham dự Cuộc thi Nghệ thuật chèo toàn quốc 2019 là một trong những hoạt động trọng điểm chào mừng kỷ niệm 65 năm thành lập nhà hát. Trước “sân chơi” chuyên nghiệp, các nghệ sĩ-chiến sĩ vẫn luôn khẳng định “thương hiệu” của một “chiếu chèo chiến sĩ” bằng tài năng và thành tích gặt hái được, khiến bạn nghề nể phục, đông đảo công chúng ngưỡng mộ.
Đại tá, NSND Nguyễn Quốc Trượng cho hay, các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ nhà hát luôn thấm nhuần lời Bác Hồ căn dặn khi Đoàn Văn công TCHC được vinh dự vào Phủ Chủ tịch biểu diễn vở chèo “Anh lái xe và cô chống lầy” cùng một số tiết mục ca nhạc: “Các cháu là người lính, người nghệ sĩ, các cháu phải rèn luyện để diễn cho bộ đội, cho nhân dân xem ngày càng hay hơn”. Lời dạy của Bác là niềm động viên, thôi thúc các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên nhà hát say sưa sáng tạo, liên tiếp dựng nên những tác phẩm đặc sắc của “chiếu chèo chiến sĩ”, những vở lịch sử, dã sử, dân gian, đặc biệt là các vở diễn về người chiến sĩ xưa và nay, về hậu chiến tranh… Ngọn lửa cống hiến cứ tiếp tục nối dài, phát huy trong thành công của những vở diễn: “Chu Văn An-Người thầy của muôn đời” giành HCV; “Tiếng đàn vùng Mê Thảo” được tặng thưởng vở diễn xuất sắc nhất tại Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013; Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2014 thắng lợi giòn giã với vở diễn “Nguyễn Chí Thanh-Sáng trong như ngọc một con người" giành HCV; vở diễn “Điều đọng lại sau chiến tranh” đoạt HCB; “Đời luận anh hùng” đoạt HCV, “Ánh sao đầu núi” được tặng vở diễn xuất sắc Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016; vở diễn “Những người mẹ” giành HCV, “Rặng trâm bầu” đoạt giải vở diễn xuất sắc về đề tài chiến tranh cách mạng tại Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2018…
Là đoàn chèo duy nhất của quân đội, do vậy địa bàn hoạt động rất rộng. Không quản vất vả, khó khăn, mỗi năm, nhà hát chia thành 2-3 đoàn đi biểu diễn từ địa đầu Móng Cái đến đất mũi Cà Mau; đi phục vụ tại Lào, Campuchia; phục vụ bộ đội Trường Sa, nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc từ 170 đến 200 buổi biểu diễn. Khi có lệnh điều động là những nghệ sĩ lại khoác ba lô lên đường. Dẫu có lúc gia đình bận rộn, khó khăn, những chiến sĩ-nghệ sĩ ấy vẫn luôn tươi cười bước lên sân khấu, đem lời ca tiếng hát phục vụ bộ đội và nhân dân.
Đại tá Lê Danh Toàn, Chính trị viên nhà hát cho biết: “Trong xây dựng đơn vị, nhà hát luôn chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trẻ, nâng cấp phương tiện kỹ thuật, chăm lo đời sống của nghệ sĩ, diễn viên. Kết hợp đào tạo chính quy tại các trường nghệ thuật với đào tạo trong thực tế. Trong thời gian tới, cán bộ, nghệ sĩ, chiến sĩ nhà hát nguyện khắc ghi lời Bác căn dặn, đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn xây dựng nhiều chương trình, vở diễn hay phục vụ bộ đội và nhân dân. Chúng tôi phấn đấu xây dựng nhà hát xứng đáng là một đơn vị nghệ thuật tiêu biểu, góp phần cùng ngành chèo cả nước bảo tồn và phát triển nghệ thuật chèo truyền thống, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.