Một tỉ phú người Malaysia sẵn sàng đầu tư vào Dự án 6A của Trương Mỹ Lan?
Trình bày trong phần bào chữa, luật sư cho biết, có các nhà đầu tư mong muốn được đưa vốn vào tiếp tục đầu tư cho dự án của bị cáo Trương Mỹ Lan.
Ngày 18-11, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 bị cáo khác ở giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan tiếp tục với phần tranh luận.
Trình bày phần bào chữa, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết, trước khi hợp nhất ngân hàng Sài Gòn (SCB), Đệ Nhất (FCB) và Việt Nam Tín Nghĩa (TNB) thành SCB thì có nhiều khoản vay hơn 125.000 tỉ đồng của khách hàng trước để lại và không liên quan đến bị cáo Lan.
Bên cạnh đó, bị cáo Lan cho biết, trước khi bị bắt tạm giam đã cho SCB mượn 3 tòa tại Ba Son, tòa nhà Windsor và tòa nhà tại số 87 Cống Quỳnh có giá trị khoảng 65.000 tỉ đồng.
Bị cáo Lan mong những tình tiết giảm nhẹ mà VKS ghi nhận được áp dụng đối với tội tham ô tài sản thay vì tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. “Bị cáo được giảm nhẹ hình phạt về tội vi phạm cho vay nhưng bị tử hình về tội tham ô thì không có ý nghĩa” - bị cáo Lan nói.
Bị cáo Lan cho rằng, việc xác định thiệt hại của vụ án thì thanh lý, bán hết tài sản thế chấp nhưng SCB chưa bán tài sản nào. Kết luận điều tra và cáo trạng xác định tổng tài sản hiện hữu của SCB là 714.000 tỉ đồng nếu trừ đi 673.000 tỉ đồng mà bị cáo Lan bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm thì không có thiệt hại.
Bào chữa cho bị cáo Lan, luật sư (LS) Giang Hồng Thanh cho rằng quan điểm của đại diện VKS về việc số tiền khắc phục hậu quả chưa đủ để được giảm nhẹ án tử hình là đúng đắn với quy định của pháp luật nhưng chưa phù hợp với vụ án.
Lý giải về vấn đề trên, LS Thanh cho biết các tài sản có thể thu hồi và tài sản của bị cáo Lan đều đang bị kê biên. Bị cáo Lan muốn khắc phục hậu quả nhưng tài sản đã bị kê biên thì không thể thực hiện được.
Đối với các mã tài sản hiện đang kê biên, LS Thanh cho biết, ước tính số tiền có thể lên đến 700.000 tỉ đồng đủ khắc phục hậu quả. Hiện nay, với bảng giá đất UBND TP.HCM vừa mới ban hành thì giá trị các tài sản này đã tăng lên 3-5 lần.
"Mới đây Quốc hội đã thảo luận dự thảo nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Tuy nhiên, bị cáo Lan chưa thể được áp dụng những quy định này và cần phải có cơ chế đặc thù đối với vụ án này" - luật sư Thanh nêu quan điểm.
Cũng trong phần bào chữa, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết hiện có các nhà đầu tư làm việc với luật sư về mong muốn đưa vốn vào tiếp tục đầu tư cho các dự án của bị cáo Lan. Từ đó, bị cáo Lan sẽ có tiền khắc phục hậu quả.
Đối với Dự án 6A, huyện Bình Chánh hiện không thực hiện nghĩa vụ cho khoản vay nào tại SCB, hiện đã có một tỉ phú người Malaysia sẵn sàng bỏ tiền để đầu tư dự án.
Đối với tòa nhà số 29 Liễu Giai, Hà Nội, đã có các nhà đầu tư nước ngoài gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước về việc chuyển tiền từ nước ngoài vào để cho bị cáo Lan vay 400 triệu USD để trả nợ, giải tỏa kê biên. Sau khi trả nợ cho các ngân hàng nước ngoài, phần còn lại bị cáo Trương Mỹ Lan sẽ dùng khắc phục hậu quả vụ án.
Cạnh đó, LS Trang đề nghị VKS xem xét và đề nghị không tử hình bị cáo Lan. Vì nếu tuyên bị cáo Lan mức án tử hình, chế độ giam giữ rất khó trong việc bị cáo Lan tiếp cận nhà đầu tư nước ngoài, khắc phục hậu vụ án.
Chiều nay, phiên xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 vụ án Trương Mỹ Lan tiếp tục phần bào chữa của các luật sư.