Một tiếng lòng tha thiết lặng thầm
Nghe tên tác giả, có thể nhiều người không biết nhưng nghe bài hát thì lại rất quen thuộc, nhất là lớp người hôm nay đã ở tuổi 'xưa nay hiếm'. Đó là Nguyễn Văn Khánh - một trong những nhạc sĩ để lại nhiều ca khúc hay thuộc dòng 'tiền chiến' khiến công chúng, nhất là ở Hà Nội một thời từng say đắm: 'Thu', 'Chiều vàng', 'Lời thề xưa', 'Nhạc sĩ với cây đàn', 'Nỗi lòng'…
Nhớ lại, khoảng năm 1969, vừa tốt nghiệp đại học, có mấy tháng chờ công tác, rỗi, tôi tìm đến học đàn ghi-ta một người chỉ sống bằng nghề dạy đàn là Nguyễn Văn Khánh. Đó là một người đàn ông trông mảnh khảnh, không được khỏe với nước da mai mái và tạng người gầy yếu. Ngoài đàn ghi-ta gỗ (lục huyền cầm), ông còn chơi rất giỏi và dạy thêm đàn Hạ uy cầm (còn họi là đàn Hawai). Điều đặc biệt thú vị là ông chơi bằng tay trái, tức là ngược với cách chơi thông thường của mọi người khác.
Tôi ngưỡng mộ và bái phục ngón đàn rất ngọt ngào, bay bướm, có phần lả lướt của ông ở cả hai loại nhạc cụ này. Nhưng thấy ông ít nói, có vẻ khép kín, lại cũng chẳng thấy xuất hiện, biểu diễn ở đâu nên tôi nghĩ ông chắc cũng như nhiều người chỉ thuần túy dạy đàn kiếm sống. Và tôi đã không dám hỏi chuyện ông, chỉ trả bài rồi chăm chú nghe ông bày cho các "ngón" đàn. Sau chừng nửa giờ học, tôi chào ông, ra về. Sau mấy tháng học, đến khi tôi đi làm, không còn thời gian thì dừng việc học đàn.
Cũng thời gian này, tôi có dịp quen biết, lui tới ca sĩ Ngọc Bảo (thường được gọi là tài tử Ngọc Bảo khá nổi tiếng khi ấy). Tôi coi ông như một người anh, người thầy về phương diện ca hát. Ngọc Bảo sở trường hát nhạc tiền chiến. Khi nghe ông hát những ca khúc vừa nhắc ở trên, tôi thấy rất hay mà lần đầu tiên được nghe từ ông, tôi hỏi thì được biết tác giả là Nguyễn Văn Khánh, sáng tác từ trước năm 1954.
Ông cũng cho biết sau 1954, nhạc sĩ này không viết gì nữa tuy còn trẻ, mới 32 tuổi, chỉ sống bằng nghề dạy đàn. Vậy là tôi đã có mấy tháng học đàn Nguyễn Văn Khánh mà không biết ông là một nhạc sĩ tài hoa, tác giả những ca khúc nổi tiếng một thời. Vì rất thích mấy bài đó mà tôi đã chép từ Ngọc Bảo về tập, nhanh chóng hát thuần thục. Tôi quyết định trở lại thăm Nguyễn Văn Khánh, định bụng sẽ hát cho ông nghe, hy vọng ông sẽ hào hứng chuyện trò.
Quả đúng như vậy. Lần gặp lại sau mấy tháng, ông yêu cầu tôi đánh đàn ghi-ta xem có tiến bộ chút nào hơn trước. Sau khi nghe tôi hát rất say sưa mấy bài nổi tiếng, ông trở nên cởi mở hơn và kể về bản thân cùng sự ra đời mấy bài đó. Từ lần ấy, cộng với một vài lần đến chơi khác, tôi đã hiểu được nhiều về ông. Nguyễn Văn Khánh lúc mới gặp luôn khiến đối tượng nghĩ ông khép kín, không dễ bộc lộ. Nhưng khi đã gần gũi thì trở nên cởi mở và chân tình, sẵn sàng thổ lộ những điều không dễ nói ra.
Ông không là con nhà nòi, cũng không học hành gì về âm nhạc nhưng được trời phú cho năng khiếu và lòng say mê âm nhạc từ nhỏ. Chẳng học ai, chỉ vì quá yêu thích mà tự mày mò luyện tập để rồi trở thành một trong hai người chơi đàn hạ uy cầm hay nhất ở Hà Nội trước năm 1954 (người còn lại là William Chấn - thầy dạy đàn của Đoàn Chuẩn cũng là một tay chơi hạ uy cầm nổi tiếng khi đó).
Chơi đàn chưa khiến Nguyễn Văn Khánh thỏa tình yêu âm nhạc. Ông bắt đầu tìm đến sáng tác từ rất sớm. Phạm Duy đánh giá rất cao những ca khúc của ông. Nhạc sĩ họ Phạm nhận xét rằng Nguyễn Văn Khánh không chịu ảnh hưởng bất cứ ai, cũng không khai thác dân ca hoặc yếu tố truyền thống trong giai điệu mà sáng tác hoàn toàn ngẫu hứng và đã mô phỏng một cách rất tự nhiên tính chất của đàn hạ uy cầm. Đó là sự mềm mại, điệu đà, lả lướt của âm sắc đàn này. Bởi vậy mà các bài hát của Nguyễn Văn Khánh luôn có giai điệu rất ướt át, lãng mạn, dễ lôi cuốn người nghe trong khi ông không mấy dụng công làm ca từ.
Ông là người rất đa tình, đa đoan, vướng vào vòng tình ái từ rất sớm. Chuyện rằng ngay từ năm thứ hai học ở bậc thành chung, mới 14-15 tuổi, ông đã thầm yêu, trộm nhớ cô láng giềng bằng tuổi mình là con út của ông Thông phán làm việc ở Phủ thống sứ Bắc Kỳ. Sẵn ngón đàn, cứ những đêm trăng sáng, Khánh lại đem ra vườn sau nhà dạo những nét nhạc thật lả lướt. Cô hàng xóm nghe thấy rất thích cũng lẻn ra liếc nhìn sang. Thế là 4 mắt vô tình bắt gặp nhau.
Nhưng cả hai đều ngần ngại, không nói được với nhau câu gì. Khánh rất "láu cá", đã hái quả cà chua xanh ném qua hàng rào sang vườn nhà cô gái rồi giả bộ cố vươn tay sang nhặt nhưng không với tới, bèn nhờ cô gái nhặt hộ. Cô nhặt nhưng đã rất hóm mà nói: "Cà chua còn xanh, sao có thể rụng được nhỉ trong khi không có gió bão gì". Thế là từ đó, họ thành quen biết và gặp nhau tự nhiên hơn. Và tình yêu dần nảy nở, kéo dài được 3 năm mà gia đình không ai hay biết.
Đến năm cuối bậc thành chung do vướng vào yêu đương mà Khánh thi trượt. Sau đó, cô gái cương quyết không gặp Khánh với ý định để anh tập trung thi tiếp. Anh chàng hứa cho được gặp nhau một tuần một lần, sẽ quyết tâm thi đỗ bằng được. Quả là tình yêu có sức mạnh ghê gớm. Lần thi sau, Khánh đã đỗ. Đúng lúc này thì người cha của cô gái bị điều lên Thái Nguyên làm việc. Ông đã đưa cả gia đình lên đây sinh sống. Đương nhiên, cô cũng phải lên theo.
Thế là họ phải xa nhau. Khánh đã không quản đường xa, mỗi tuần đều đặn lên thăm người yêu một lần vào thứ 7, bất kể trời mưa hay nắng. Tuy có đám rất "môn đăng hộ đối" do gia đình nhận lời nhưng cô gái vẫn khăng khăng thoái thác, một lòng hướng đến chàng nhạc sĩ nghèo. Thời gian này, mỗi lần gặp nhau, cả hai đều rất bùi ngùi, không biết tương lai của mình sẽ ra sao. Tâm trạng đó về sau được Nguyễn Văn Khánh viết nên bài "Nỗi lòng": "Yêu ai yêu cả một đời/ Tình những quá khắt khe/ Khiến cho đời ta đau tủi cả lòng/ Vì yêu ai mà lòng hằng nhớ…".
Rồi có một lần, do mắc việc đột xuất, phải sau hai tuần Khánh mới lên Thái Nguyên. Lòng anh bồn chồn, nóng như lửa đốt. Đến khi lên thì nghe tin người yêu bị cảm đột xuất, vào nhà thương cấp cứu nhưng không qua khỏi. Cô được gia đình đưa lên an nghỉ tại một đồi thông cách nhà chừng một cây số. Nguyễn Văn Khánh tức tốc tìm đến thì thấy ngôi mộ cỏ non vừa nhú mầm. Và sau đó, ông viết nên bài "Chiều vàng" có giai điệu rất buồn như cõi lòng mình vậy: "Trên đồi xanh chiều đã xuống dần/ Mặt trời lấp ló sau đồi chiều vàng/ Riêng mình ta ngồi ngắm quanh trời/ Lạnh lùng nghe tiếng chim chiều gọi đàn…".
Ngày trước, những anh chàng chơi đàn Tây luôn là thần tượng của các cô gái, nhất là ở thành thị. Nguyễn Văn Khánh mở lớp dạy đàn ở gần ngõ chợ Khâm Thiên. Khi ông chơi đàn thì thường có những cô gái thuê trọ ở gần đấy ra nghe và nhìn người đánh đàn. Nhưng có một cô tên Đặng Thị Thuận thì không như vậy mà tỏ ra chẳng để ý gì đến anh chàng nhạc sĩ trông rất điển trai kia. Do cô gái đã lọt mắt Khánh nên gia đình đã đem lễ vật đến dạm hỏi. Được bà chị dâu và cả nhà "vun vào" mà cuối cùng Thuận đã đồng ý làm vợ Nguyễn Văn Khánh. Đó là năm 1942, cả hai người đều mới 20 tuổi.
Tuy cuộc hôn nhân không xuất phát từ tình yêu lãng mạn nhưng khi làm vợ, Thuận đã thể hiện một phẩm chất làm vợ tuyệt vời. Cô chăm sóc chồng rất chu đáo, đặc biệt là tạo mọi điều kiện tốt nhất để chồng có thể yên tâm sáng tác. Trời nóng mà bị mất điện, cô đã ngồi bên cạnh quạt cho chồng cả buổi. Hy sinh tất cả và nhẫn nhịn, chịu đựng cả những việc làm của chồng mà không ai đồng tình cũng là điều đặc biệt ở Thuận.
Sau khi Nguyễn Văn Khánh qua đời vào năm 1976, bà Thuận cho biết ông bà sống với nhau 34 năm nhưng chỉ 1/3 thời gian đó bà được ở gần chồng, còn lại là ông đi suốt, nay đây mai đó. Bà cũng biết rõ rất nhiều bài hát ông sáng tác từ mối quan hệ với các cô gái khác sau khi đã cưới bà. Người sâu đậm nhất có tên Sâm. Cô này đã sinh cho Khánh 7 người con. Về sau, chết mất 5 người, chỉ còn 2. Khi Sâm qua đời, bà Thuận đã sẵn sàng đón chúng về nuôi coi như con mình sinh ra. Bà còn vô cùng nhân hậu và cao thượng khi lại sẵn sàng dang rộng cánh tay đón Nguyễn Văn Khánh trở lại với mình khi ông bị cô Sâm phụ bạc lúc lâm bệnh mà trước đó do mê Sâm, đã lao theo.
Số lượng bài hát Nguyễn Văn Khánh để lại không nhiều và tất cả đều là tình ca, trong đó một tỷ lệ lớn nhất là viết về những mối tình đi qua cuộc đời mình. Những bài này đến hôm nay vẫn được lớp người có tuổi còn nhớ và ưa thích. Tại các sân khấu ở hải ngoại của bà con Việt kiều, cũng luôn được vang lên trong những cuộc gặp mặt hoặc đại nhạc hội.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/mot-tieng-long-tha-thiet-lang-tham-i669348/