Một tỉnh Thanh Hóa thịnh vượng và 'kiểu mẫu' luôn là mục tiêu, khát khao của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh ta (*)
Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (29-7-1930 – 29-7-2020), phóng viên Báo Thanh Hóa đã có bài phỏng vấn đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Thanh Hóa đang nỗ lực hiện thực hóa “khát vọng thịnh vượng”. Ảnh: P.V
Phóng viên: Kính thưa đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu, khẳng định được vị thế và tầm chiến lược quan trọng đối với khu vực và cả nước.
Trong 90 năm xây dựng và phát triển đó, những bài học kinh nghiệm nào trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã được đúc kết, thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy?
Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh:
Có thể khẳng định rằng: 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương và sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Nhân dân các dân tộc tỉnh ta đã anh dũng, cần cù, sáng tạo, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, giành được những thành tựu rất to lớn, đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng nước ta.
Từ thực tiễn cách mạng ở tỉnh ta, có thể đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Theo tôi, có 5 bài học quan trọng sau:
Một là: Luôn đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, xuyên suốt của đảng bộ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Thực tiễn cho thấy, lúc nào chúng ta làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thì lúc đó kết quả về mọi mặt của tỉnh ta tốt và ngược lại. Để lãnh đạo được, thì Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và mỗi cán bộ trong bộ máy phải có đạo đức cách mạng, có trình độ về mọi mặt ngang tầm nhiệm vụ. Như vậy, dân mới tin và thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đó. Do vậy, không có cách nào khác, là phải liên tục rèn luyện, phấn đấu, nỗ lực, cố gắng hết sức để xứng đáng với lòng tin của Nhân dân.
Hai là: Giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong Nhân dân, trên cơ sở các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; trên cơ sở đặt lợi ích chung của tỉnh, của địa phương, cơ quan, đơn vị lên hàng đầu. Và, thực hiện thật tốt lời dạy của Bác trong bản di chúc thiêng liêng, đó là: “Phải có tình đồng chí thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau”. Đây là những vấn đề có tính nguyên tắc, để đảm bảo sự thành công trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ.
Ba là: Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân; khơi dậy và phát huy cao độ truyền thống cách mạng, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.
Từ đó, tạo động lực tinh thần to lớn, xây dựng quyết tâm chính trị cao, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Bốn là: Trong lãnh đạo, chỉ đạo, vừa phải bảo đảm tính toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm; vừa chú trọng xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương, định hướng lớn; vừa phải tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề cấp bách, khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và đảm bảo đời sống của người dân.
Năm là: Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp có trình độ chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn tốt, có phẩm chất đạo đức cách mạng, có phương pháp làm việc khoa học; năng động, sáng tạo, nói đi đôi với làm, luôn xả thân vì sự nghiệp cách mạng của tỉnh.
Phóng viên: Đồng chí vừa nói ở trên, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ là vấn đề có tính nguyên tắc; nhiều cán bộ, đảng viên và người dân ở tỉnh ta cũng rất quan tâm. Xin đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho ý kiến thêm về vấn đề này?
Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh:
Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và Nhân dân ta. Bác Hồ đã dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”.
Qua thực tiễn cách mạng 90 năm của Đảng bộ tỉnh, chúng ta rất thấm thía bài học này và theo tôi có lẽ bài học này luôn là vấn đề thời sự, luôn là vấn đề quan trọng ở tỉnh ta. Lúc nào chúng ta đoàn kết tốt, là chúng ta thành công và ngược lại. Do vậy, từng đồng chí cán bộ, đảng viên trong bộ máy phải hết sức chú trọng vấn đề này. Chức vụ càng cao, vị trí càng quan trọng, càng phải chú ý nhiều hơn; vì đây không phải là việc của cá nhân nữa, mà là thành công hay thất bại của cơ quan, đơn vị; là sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ, của Nhân dân tỉnh ta.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi bên ngoài buổi làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa. Ảnh: Minh Hiếu
Nhưng, như tôi nói ở trên, chúng ta phải nhận thức và hành động về đoàn kết cho thật đúng. Tức là phải trên cơ sở quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đặt lợi ích chung của cơ quan, đơn vị lên trên hết; với “tình đồng chí thương yêu giúp đỡ lẫn nhau”, như Di chúc Bác Hồ viết. Điều này hoàn toàn khác và đối lập với một số ít cán bộ, đảng viên hiện nay nhận thức và hành động không đầy đủ. Tôi ví dụ như: Bây giờ trước khi chúng ta quyết định một việc khó, một việc lớn, một việc quan trọng; đòi hỏi phải có sự bàn bạc, trao đổi, thậm chí phải tranh luận gay gắt thì mới có thể đi đến thống nhất, thì lại cho là hiện tượng mất đoàn kết hoặc là mất đoàn kết... Cá biệt còn tung tin thất thiệt ra ngoài về vấn đề đoàn kết trong tổ chức, từ đó tranh thủ lẫn nhau, lấy lòng nhau, nhất là các kỳ lấy phiếu tín nhiệm và đại hội. Đây là “đoàn kết” theo kiểu “cánh hẩu” mà Bác Hồ và Đảng ta hết sức lên án. Chúng ta phải hết sức cảnh giác và đoạn tuyệt với kiểu “đoàn kết này”. Làm được như vậy chắc chắn chúng ta sẽ thành công.
Phóng viên: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng mong muốn: Thanh Hóa phải trở nên giàu có, bởi sự giàu có của Thanh Hóa cũng chính là sự giàu có của đất nước.
Vậy, kính thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, sắp tới Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ làm như thế nào để thực hiện thắng lợi lời dạy của Bác và mong muốn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng?
Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh:
Một tỉnh Thanh Hóa giàu có, thịnh vượng và “kiểu mẫu” luôn là mục tiêu khát khao của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh ta. Thực hiện thành công mục tiêu cao cả đó, không chỉ là tình cảm sâu đậm, lòng thành kính và biết ơn vô hạn của chúng ta đối với Bác Hồ kính yêu, với Đảng quang vinh mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân Thanh Hóa với sự phát triển đi lên của tỉnh.
Thanh Hóa chúng ta từ trước đến nay luôn được sự quan tâm sâu sắc của Trung ương. Gần đây nhất, sự quan tâm, kỳ vọng của Trung ương với Thanh Hóa tiếp tục được thể hiện bắng việc Bộ Chính trị đã nhất trí ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại sự kiện trọng đại đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu: Thanh Hóa phải trở nên giàu có, bởi sự giàu có của Thanh Hóa cũng chính là sự giàu có của đất nước.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, thời gian tới chúng ta phải triển khai thực hiện rất nhiều việc. Trong đó, theo tôi, có 2 việc quan trọng hàng đầu là:
Thứ nhất: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh ủy, trước mắt là: Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 sắp tới.
Trong các nghị quyết này, đường hướng phát triển của tỉnh đã rất rõ; mục tiêu đã rất cụ thể. Nên phải quán triệt, triển khai sâu rộng trong toàn Đảng bộ và các tầng lớp Nhân dân, để mọi người thấm nhuần và quyết tâm chính trị cao nhất tổ chức thực hiện thắng lợi các nghị quyết trên.
Thứ hai: Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ trong bộ máy, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, đủ năng lực, phẩm chất, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nói đi đôi với làm, nói cái gì làm đúng cái đó, hứa cái gì thực hiện thành công cái đó; luôn khát khao vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm trở thành một “cán bộ kiểu mẫu”.
Bởi Bác Hồ đã dạy: “... Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”. Cán bộ, đảng viên “kiểu mẫu”; mỗi người dân Thanh Hóa “kiểu mẫu”, thì chắc chắn tỉnh Thanh Hóa chúng ta sẽ trở nên giàu có và “kiểu mẫu”.
Tôi nghĩ, khi chúng ta làm tốt 2 việc trên, thì nhất định chúng ta sẽ thực hiện thành công lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và mong muốn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đối với tỉnh Thanh Hóa.
(*) Đầu đề là của tòa soạn báo.