Một tờ báo, một triển lãm và âm vang từ quá khứ đến hiện tại
Hôm nay (4/5), là ngày cuối cùng của Triển lãm tương tác kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước do Báo Nhân Dân tổ chức dường như sức nóng chưa hạ nhiệt ở ngày cuối này.
Khi tờ báo trở thành cầu nối giữa quá khứ và tương lai
Ngày cuối cùng của triển lãm tương tác đặc biệt tại khuôn viên Báo Nhân Dân, dòng người vẫn xếp hàng đều đặn, từ các cựu chiến binh, các thành viên câu lạc bộ khiêu vũ trung niên, đến những sinh viên yêu sử, thậm chí cả du khách quốc tế.
Nổi bật trong đám đông khách tham quan là cặp vợ chồng cô chú Dương Văn Sáng-Nguyễn Thị Hiền cùng mặc quân phục tới triển lãm. Chú Sáng năm nay 74 tuổi, còn cô Hiền đã bước sang tuổi 69.

Vợ chồng cô chú Dương Văn Sáng-Nguyễn Thị Hiền chụp ảnh lưu niệm tại triển lãm. (Ảnh: KIM CƯƠNG)
Chú Sáng cho biết: "Chú từng là bộ đội chiến đấu ở chiến trường Trường Sơn từ năm 1970. Sau khi đất nước thống nhất chú tiếp tục phục vụ trong quân đội tới năm 1983 mới ra quân. Hiện chú là thương binh hạng 2. Vì thế, khi biết đến Báo Nhân Dân mở triển lãm này, vợ chồng cô chú quyết định phải tới để tham quan".
Và với những nhân chứng lịch sử như cựu chiến binh Dương Văn Sáng thì triển lãm là một hành trình trở về. Ông bồi hồi chia sẻ ký ức của niềm hạnh phúc vỡ òa khi 50 năm trước trên đường hành quân của đoàn xe vận tải Trường Sơn và đến Nha Trang nhận được tin giải phóng. “30/4 là khát vọng của dân tộc Việt Nam. Lúc nào cũng yêu chuộng hòa bình mà vẫn đánh bại mọi kẻ thù”, người cựu chiến binh không giấu nổi sự xúc động qua khóe mắt chớm rưng rưng, trong lúc cẩn thận cầm lấy tờ phụ san, như giữ lấy một phần ký ức hào hùng không thể phai mờ.

Khách tham quan hào hứng khi được cầm trên tay phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân. (Ảnh: HẢI YẾN)
Theo cô Hiền, vợ của cựu chiến binh, thương binh hạng 2/4 Dương Văn Sáng: “Là những người lính từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhưng do tuổi cao và sức khỏe có hạn nên hai vợ chồng chỉ có thể kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước tại Hà Nội, mà không thể thăm lại những địa điểm chiến đấu của chú năm xưa.
Tuy nhiên, khi tới triển lãm, cô chú thực sự xúc động khi triển lãm đã tái hiện lại những khoảnh khắc lịch sử qua những thước phim tư liệu được chiếu trong mô hình lều dã chiến. Cô chú cảm ơn Báo Nhân Dân đã tạo ra 1 triển lãm ý nghĩa, gợi lại dấu ấn sâu sắc với những người lính năm xưa từng tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước vì nhiều nguyên nhân không thể đi xa vẫn được sống lại những khoảnh khắc, kỷ niệm hào hùng của một thời oanh liệt ngay tại Thủ đô Hà Nội”.

Cô Nguyễn Thị Thành tại khu vực trải nghiệm 3D mapping, nơi tái hiện dấu mốc đánh chiếm Dinh Độc Lập. (Ảnh: HẢI YẾN)
Cùng chung cảm xúc của thế hệ đã đi qua những năm tháng hào hùng của dân tộc, cô Nguyễn Thị Thành, thành viên Câu lạc bộ Khiêu vũ không tuổi phường Hàng Gai ở Hà Nội, xúc động chia sẻ: “Đây là một triển lãm khơi gợi được trong lòng người dân thủ đô về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam sau 50 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Tạo nên một tinh thần hồ hởi cho toàn dân”.
“Dù đã trải qua thời khắc lịch sử ấy khi còn là học sinh trung học, cô vẫn xúc động nhớ lại tiếng loa truyền tin chiến thắng vang lên giữa vườn hoa thành phố, và tinh thần thi đua sôi sục lan tỏa khắp nơi. Giờ đây, giữa lòng Hà Nội hiện đại, triển lãm đã khiến cô như được đến với Dinh Độc Lập, lên xe tăng, và tiến vào bằng lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam không phải bằng ký ức, mà bằng trải nghiệm thị giác sống động của công nghệ”, cô Thành cho biết.

Ông Roland và bà Sally, du khách từ New Zealand cùng phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân. (Ảnh: HẢI YẾN)
Không chỉ thu hút bạn đọc Việt Nam, triển lãm còn ghi dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế. Ông Roland và bà Sally, du khách từ New Zealand, chia sẻ rằng họ “rất ấn tượng với hình ảnh trong phụ san đặc biệt”.
Với họ, Dinh Độc Lập không chỉ là một công trình kiến trúc đẹp mà còn là biểu tượng sống động của khát vọng độc lập và tinh thần dân tộc Việt Nam. “Sau 3 chuyến đi tới Việt Nam, không khí chuyến thăm lần này thực sự khác biệt, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc và sự hân hoan lan tỏa khắp nơi”.
Triển lãm không chỉ là nơi lưu giữ, mà còn là nơi đánh thức
Bên ngoài khu vực triển lãm, 11 tấm hình phóng to các trang nhất Báo Nhân Dân phát hành vào các ngày 30/4 của các năm 1975, 1980, 1985, 1990, 1995, 2000, 2005, 2010, 2015, 2020 như các mốc son báo chí lịch sử giúp bạn đọc thấy được cả dòng chảy của ngôn ngữ, tư duy và bản lĩnh truyền thống cách mạng qua từng thời kỳ.
Không gian triển lãm tuy không quá rộng, nhưng cách bài trí kết hợp công nghệ 3D mapping lần đầu tiên được áp dụng đã tạo nên một trải nghiệm thị giác ấn tượng, khiến ngay cả những bạn trẻ vốn quen với không gian số cũng phải bất ngờ.
Bạn Nguyễn Mạnh Hùng, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội có mặt từ đầu giờ sáng để tham quan triển lãm hào hứng chia sẻ: “Em đọc báo và nghe các bạn cùng lớp nói về trải nghiệm của triển lãm này, nên em quyết tâm tới để có được trải nghiệm của bản thân. Quả thực, triển lãm không chỉ khiến em ấn tượng với các mô hình lịch sử được tái hiện, các mốc thời gian của lịch sử Việt Nam được thế hệ trẻ như em hôm nay dễ ghi nhớ mà triển lãm còn ứng dụng công nghệ mà giới trẻ như em hiện nay đều mong muốn trải nghiệm như có thể quét QR trên tờ phụ san Nhân Dân được tặng.
Em sẽ cất giữ phụ san được tặng tại triển lãm như một món quà lưu niệm nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước vì chỉ cần quét QR em đã có thể tìm lại thông tin lịch sử của ngày này”.
Trải nghiệm 3D mapping tái hiện dấu mốc đánh chiếm Dinh Độc Lập của quân đội Việt Nam.
Sinh viên Kiều Văn Quý, Học viện Kỹ thuật Mật mã, đã hai lần xếp hàng chỉ để có thêm phụ san tặng bạn bè. Với bạn trẻ này, tờ báo không chỉ là món quà tinh thần mà còn là công cụ trực quan để hiểu rõ hơn về Chiến dịch Hồ Chí Minh và các sự kiện lịch sử mà sách vở hay video trên mạng khó có thể truyền tải hết. “Chúng em có thể hình dung được rõ hơn về kích cỡ xe tăng, bối cảnh đằng sau lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam”, Quý chia sẻ. “Lần đầu tiên em được tiếp cận với một ấn phẩm lịch sử như thế giữa Hà Nội”.

Rất đông bạn đọc hào hứng trải nghiệm tại Triển lãm tương tác của Báo Nhân Dân. (Ảnh: HẢI YẾN)
Để những chiến công lịch sử của dân tộc luôn là niềm tự hào của thế hệ mai sau
Trong những ngày triển lãm tương tác kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước do Báo Nhân Dân tổ chức luôn có lượng khách tham quan hùng hậu là các cháu thiếu nhi đủ mọi lứa tuổi được gia đình đưa tới.
Bé Nguyễn Đặng Phúc Minh, năm nay 9 tuổi, đang học tại Trường Tiểu học-Trung học cơ sở Hà Nội cùng em gái 4 tuổi đã được bố mẹ 2 lần đưa tới triển lãm. Phúc Minh cho biết: “Con rất thích học môn lịch sử nên khi biết có triển lãm này con xin bố mẹ đưa đi tham quan. Ngày 30/4 con và gia đình đã tới tham quan 1 lần rồi nhưng vì hôm đó rất đông người nên con và gia đình chưa xin được phụ san tặng của Báo Nhân Dân, nên con đã xin bố mẹ đưa con và em cùng thăm triển lãm lại lần nữa để có thể xin tờ phụ san làm kỷ niệm. Đồng thời, con cũng được xem lại kỹ hơn triển lãm”.

Gia đình bé Nguyễn Đặng Phúc Minh tham quan khu vực triển lãm. (Ảnh: KIM CƯƠNG)
Gia đình chị Hoàng Thị Yến, hiện đang sinh sống tại thành phố Sơn La, sau khi biết đến triển lãm của Báo Nhân Dân diễn ra từ ngày 29/4 đến hết ngày 4/5, đã quyết định xuống Hà Nội để kịp ngày hôm nay (4/5) được tham quan triển lãm trước khi sự kiện kết thúc.
Chị Yến chia sẻ: “Chúng tôi biết tới triển lãm không chỉ trên ti-vi, báo, đài đưa tin mà trên Tik Tok, Facebook cũng đưa về triển lãm rất tích cực. Vợ chồng chúng tôi quyết định phải đưa các con xuống Hà Nội kịp thời cho các cháu được tham quan, tìm hiểu, học hỏi trước khi triển lãm kết thúc. Các cháu đều rất vui sướng, hào hứng khi tham quan, tìm hiểu lịch sử tại đây. Tôi thấy triển lãm là một cách làm sáng tạo, sâu sắc về lịch sử cho trẻ con đồng thời cũng là 1 điểm tới vui chơi bổ ích cho cả trẻ con và người lớn trong những ngày lễ lớn của đất nước như này”.

Hai con của chị Hoàng Thị Yến từ Sơn La tới tham quan triển lãm. (Ảnh: KIM CƯƠNG)
Triển lãm tương tác của Báo Nhân Dân đã đem lại những ngày đầy cảm xúc, để lại dấu ấn sâu đậm về một hành trình kết nối ký ức lịch sử và khát vọng tương lai của dân tộc Việt Nam trong lòng khách tham quan.
Ở đây, một tờ báo không chỉ làm nhiệm vụ thông tin, mà còn làm nhiệm vụ kết nối: kết nối các thế hệ, kết nối những người từng sống, từng chứng kiến, với những người đang tò mò tìm hiểu. Và hơn hết, kết nối quá khứ oai hùng với một tương lai mà lịch sử vẫn luôn là nền móng.