Một Triều Tiên vô cùng quyết liệt trước dịch Covid-19
Một chuyến bay đặc biệt của Triều Tiên được cho là chở hàng chục nhà ngoại giao và những người nước ngoài khác đã đáp xuống vùng Viễn Đông của Nga ngày 9/3 trong bối cảnh Triều Tiên thắt chặt lệnh phong tỏa nhằm bảo vệ nước này trước sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19).
Nhân viên y tế Triều Tiên kiểm tra thân nhiệt hành khách trước khi lên chuyến bay tới Nga. (Nguồn: AP)
Biện pháp quyết liệt
Sáng 9/3, chuyến bay mang số hiệu 271 của hãng hàng không Triều Tiên Air Koryo chở tổng cộng 103 hành khách, 63 người nước ngoài và 40 người Triều Tiên, đã đáp xuống sân bay quốc tế Vladivostok (Nga). Tuy nhiên, hiện chưa rõ Triều Tiên có tổ chức thêm các chuyến bay như thế này để sơ tán người nước ngoài hay không. Nhận định về tình hình tại Bình Nhưỡng cũng như tại một số tỉnh thành khác ở Triều Tiên, đại sứ Đức tại Bình Nhưỡng Pit Heltmann chia sẻ: "Bạn có thể nhìn thấy ai cũng đeo khẩu trang... và có sự căng thẳng nhất định ở Bình Nhưỡng cũng như trên khắp đất nước này".
Bí thư thứ nhất của đại sứ quán Đức tại Bình Nhưỡng Klaus Stross cho biết phần lớn các trường học ở Triều Tiên đều đóng cửa. Còn Đại sứ Anh tại Bình Nhưỡng Colin Crooks đã bình luận trên mạng xã hội Twitter: "Thật buồn khi phải chia tay các đồng nghiệp tại đại sứ quán Đức và Văn phòng Pháp tại Triều Tiên, những cơ quan sẽ bị đóng cửa tạm thời".
Phát biểu trước báo giới Berlin, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức Rainer Breul cho biết: "Giới chức Triều Tiên cho biết các biện pháp này sẽ kéo dài ít nhất thêm một vài tháng nữa. Điều này khiến chúng tôi quyết định hoạt động của đại sứ quán của chúng tôi ở Bình Nhưỡng sẽ khó có thể diễn ra bình thường trong một sớm một chiều", đồng thời cho biết khi tình hình trở lại bình thường, họ sẽ nối lại hoạt động của đại sứ quán Đức ở Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, Bộ ngoại giao Pháp hồi tuần trước xác nhận kế hoạch đóng cửa tạm thời văn phòng hợp tác của Pháp ở Bình Nhưỡng. Trong một tuyên bố gửi hãng tin AP, bộ này cho biết "Triều Tiên đã thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm kiềm chế dịch bệnh kể từ cuối tháng 1/2020, đặc biệt gây ảnh hưởng cho các văn phòng đại diện nước ngoài và cản trở nghiêm trọng hoạt động của Văn phòng Hợp tác Pháp tại Bình Nhưỡng".
Triều Tiên hiện vẫn chưa công khai xác nhận bất kỳ trường hợp lây nhiễm Covid-19 nào, song truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin hàng nghìn người đã được cách ly như một phần của các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt.
Các hành khách nước ngoài check in trước chuyến bay đặc biệt tới Nga ngày 9/3. (Nguồn: AP)
Liên quan tới "sự tồn tại quốc gia"
Mới đây, ngày 2/3, Triều Tiên đã gỡ bỏ biện pháp cách ly kéo dài một tháng đối với giới ngoại giao nước ngoài làm việc tại Bình Nhưỡng, cho phép họ rời Triều Tiên nếu cần. Đến ngày 6/3, Triều Tiên cho biết nước này đã ngừng cách ly 221 công dân nước ngoài sau 1 tháng. Ít nhất 160 người nước ngoài khác được cho là vẫn ở trong tình trạng cách ly khi Triều Tiên nói nước này ban đầu đã đưa hơn 380 người nước ngoài vào diện "theo dõi y tế nghiêm ngặt".
Đến ngày 8/3, đài tiếng nói quốc gia của Triều Tiên đưa tin giới chức nước này hồi tuần trước đã ngừng áp đặt biện pháp cách ly đối với 1.020 người ở tỉnh Kangwon và 2.630 người khác ở tỉnh Jagang. Tin tức mà truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố trước đó cho hay ít nhất 7.000 người Triều Tiên đã bị cách ly, bao gồm 3.000 người ở tỉnh Phyongan Bắc, 2.420 ở tỉnh Phyongan Nam và 1.500 người khác ở Kangwon.
Triều Tiên đã coi chiến dịch chống Covid-19 là vấn đề liên quan đến "sự tồn tại quốc gia". Bình Nhưỡng đã cấm khách du lịch nước ngoài, đóng cửa biên giới với Trung Quốc, tăng cường kiểm tra tại các điểm nhập cảnh, và huy động nhân viên y tế theo dõi người dân để cách ly những người có triệu chứng của bệnh. Nhiều chuyên gia nhận định Triều Tiên có nguy cơ cao trước các dịch bệnh lây nhiễm do nước này thiếu thốn các nhu yếu phẩm y tế và cơ sở hạ tầng chăm sóc y tế xuống cấp lâu nay.
Người phát ngôn của Bộ Thống Nhất Hàn Quốc Yoh Sang-key hôm 9/3 cho biết Triều Tiên sẽ không đáp lại những đề xuất của Hàn Quốc về việc tham gia những nỗ lực cách ly chung. Tháng 1/2020, Triều Tiên buộc Hàn Quốc phải rút hàng chục binh sĩ ra khỏi văn phòng liên lạc liên Triều ở thị trấn biên giới Kaesong của Triều Tiên, yêu cầu đóng cửa văn phòng này cho đến khi Covid-19 được kiểm soát.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mot-trieu-tien-vo-cung-quyet-liet-truoc-dich-covid-19-111192.html