Một triệu USD hỗ trợ trẻ sơ sinh Việt Nam

Nguồn tài chính này sẽ được giải ngân cho mục tiêu chăm sóc chất lượng cao cho khoảng 265.000 trẻ sơ sinh trong ba năm. Ngoài ra, sẽ có hơn 1,2 triệu trẻ sơ sinh trên cả nước Việt Nam được hưởng lợi từ các chính sách về tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và hệ thống đảm bảo chất lượng chăm sóc trẻ em.

Sáng 12.12, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và nhãn hàng tã giấy HUGGIES Việt Nam đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ các bà mẹ, trẻ sơ sinh tại các khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên của Việt Nam.

Theo thỏa thuận, nhãn hàng HUGGIES sẽ cung cấp gói viện trợ trị giá 1 triệu USD cho UNICEF, nhằm góp phần cải thiện hệ thống y tế và tạo điều kiện giúp các bà mẹ, trẻ sơ sinh tại các khu vực kể trên được tiếp cận với các dịch vụ y tế, tư vấn, giáo dục và các hỗ trợ thiết yếu.

Bà Rana Flower, Đại diện UNICEF Việt Nam và ông Ashwini Nagpal, Giám đốc điều hành Kimberly-Clark Việt Nam ký kết hợp tác. Ảnh: ANTĐ

Bà Rana Flower, Đại diện UNICEF Việt Nam và ông Ashwini Nagpal, Giám đốc điều hành Kimberly-Clark Việt Nam ký kết hợp tác. Ảnh: ANTĐ

Cụ thể, trong giai đoạn ba năm, UNICEF và HUGGIES sẽ phối hợp với Bộ Y tế triển khai các chương trình tăng cường và cải thiện hệ thống y tế, nhằm giúp trẻ sơ sinh có khả năng sống sót cao hơn. Dự án sẽ tập trung tại 7 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, gồm: Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông.

Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam – bà Rana Flowers, cho biết dự án lần này sẽ được triển khai với các hành động cụ thể từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia. Thông qua dự án hợp tác lần này, UNICEF và HUGGIES hướng tới mục tiêu chăm sóc chất lượng cao cho khoảng 265.000 trẻ sơ sinh trong 3 năm. Ngoài ra, sẽ có hơn 1,2 triệu trẻ sơ sinh trên cả nước Việt Nam được hưởng lợi từ các chính sách về tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và hệ thống đảm bảo chất lượng chăm sóc trẻ em.

Những nỗ lực trong khuôn khổ dự án bao gồm các hoạt động tập huấn cho đội ngũ cán bộ nhân viên y tế hiện tại và nhân lực mới trên toàn quốc (từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh), cập nhật các phương pháp can thiệp Chăm Sóc Sơ Sinh Sớm, đồng thời thiết lập hệ thống chất lượng y tế nhằm đảm bảo các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho sản phụ, cũng như các bà mẹ và trẻ nhỏ tại những khu vực khó khăn, khó tiếp cận...

Trong 25 năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc nâng cao tỷ lệ sống sót của trẻ em dưới 5 tuổi. Trong thời gian từ năm 1990 đến 2018, tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi đã giảm 52 xuống còn 12 trẻ/1.000 ca. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên vẫn còn ở mức cao. Trong đó, các tỉnh Lai Châu và Kon Tum tỷ lệ này cao gấp 3 lần tỷ lệ trung bình toàn quốc.

L.Quyên

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/mot-trieu-usd-ho-tro-tre-so-sinh-viet-nam-21822.html