Một tua làng đá Hà Giang
Một nghiên cứu sinh về Việt Nam học của Đại học Berkeley (Mỹ) kể rằng những người bạn của anh đã đến Việt Nam đều rất ca ngợi những ngôi làng đá ở vùng cực Bắc. Theo như thông tin anh đưa ra, chúng tôi đi tìm về những vùng du lịch bản địa hết sức đặc sắc này.
Ba ngôi làng mà chúng tôi đi qua đều khá vắng, không giống như những địa điểm du lịch khác trong nước. Một “thổ địa” ở Hà Giang cho hay: Khách đến các làng này đa phần là người ngoại quốc, nếu là khách trong nước thì cũng là những người trẻ ưa xê dịch cho nên không khí du lịch ở đây không mấy tưng bừng. Cũng chính vì vậy, không gian văn hóa, kiến trúc và cả dịch vụ ở những nơi này đều vẫn còn giữ được nét nguyên bản, ít bị can thiệp.
Bản Lô Lô Chải nằm dưới chân cột cờ Lũng Cú, Hà Giang là nơi sinh sống của người Mông và Lô Lô. Địa hình ở đây gồ ghề, đường xá đi lại khó khăn, lại thêm khí hậu khắc nghiệt nên các dân tộc thiểu số tại đây sinh sống theo phương thức tự cung tự cấp với nghề nông. Điểm đặc biệt của ngôi làng này là còn giữ hầu như nguyên vẹn kiến trúc nhà trình tường mái lợp ngói máng với tất cả sân vườn, bờ giậu đều được xây bằng đá tai mèo. Dân trong làng có nghề phụ như thêu, làm mộc... Hàng năm, làng Lô Lô Chải có hàng chục lễ hội truyền thống như: lễ cúng thần rừng, lễ mừng lúa mới, lễ mừng nhà mới...
Qua Hà Giang, đến Cao Bằng sẽ gặp các bản Pác Rằng, Phia Chang, Đỏ Cọ thuộc xã Phúc Sen nằm liền kề nhau, có nghề truyền thống rèn dao, rìu... và hiện đều có các gia đình kinh doanh homestay. Các hàng rào trong các bản này đều được xếp bằng đá mà không cần dùng chất kết dính nào. Quanh những gốc cây cũng được bà con xếp đá bao quanh nhằm bảo vệ cây tránh trâu bò phá phách.
Đi sâu hơn nữa đến giáp biên giới sẽ gặp bản Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng nổi tiếng với những ngôi nhà sàn làm bằng đá. Cái tên “làng đá” và tục thờ thần đá ở đây là một nét văn hóa rất hiếm gặp.
Người dân Khuổi Ky coi đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ. Con người sinh ra từ đá và khi chết sẽ hóa thành đá. Đá trong tâm tưởng của họ thiêng liêng như một vị thần giúp che chở những khắc nghiệt của thiên nhiên.
Ở đây, nhà sàn của bà con dân tộc Tày được xây dựng từ đá. Ngôi nhà được thiết kế 2 tầng, trước đây tầng dưới để nuôi nhốt gia cầm, tầng trên dành cho người ở. Các vật dụng sinh hoạt hàng ngày như: cối xay đá, cối giã bằng đá, hàng rào, bờ rào, thậm chí ghế ngồi cũng đều được bà con dân tộc chế tác ra từ đá.
Làng Khuổi Ky đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người. Hiện nay dân làng Khuổi Ky đã biết làm du lịch từ những bề dày văn hóa của mình.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/mot-tua-lang-da-ha-giang-1512788.tpo