Một tuần 4 vụ xả súng - Nước Mỹ có bao giờ hết bạo lực súng đạn?
Nước Mỹ vừa trải qua một tuần đẫm máu với bốn vụ xả súng. Ít nhất 34 người chết, 50 người bị thương. Một câu hỏi muôn thuở lại được đặt ra: Nước Mỹ bao giờ mới hết bạo lực súng đạn?
Nước Mỹ bất lực
Một lễ hội ở Bắc California, một siêu thị Walmart ở Mississippi, một siêu thị cũng của Walmart ở gần biên giới Mỹ-Mexico và một quận giải trí nổi tiếng ở Ohio. Tất cả bốn địa điểm trên đều là hiện trường các vụ xả súng đẫm máu.
Theo CNN, ai cũng biết xả súng có thể xảy ra ở bất kỳ nơi đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bởi bất kỳ ai. Sau mỗi vụ xả súng, người Mỹ lại nhỏ lệ, thắp nến tiếc thương, cầu nguyện cho những người đàn ông, phụ nữ, những đứa trẻ ngã gục xuống trước họng súng mà không vì lý do gì cả. Nước Mỹ, dù đau buồn và tức giận, dù sốc và bất bình, nhưng rõ ràng không thể hành động để thay đổi bất kỳ điều gì. Mọi chuyện rồi đâu lại vào đó.
Sự bất lực của các lãnh đạo Mỹ là điều không thay đổi được. Sự bất lực ấy được chứng minh sau khi một tay súng giết chết 20 học sinh lớp một ở Sandy Hook năm 2012. Khi đó, Quốc hội Mỹ không làm gì cả.
Sự bất lực ấy lại được chứng minh một lần nữa sau khi các học sinh trung học bị thảm sát ở Parkland, Florida. Một lần nữa sau khi xảy ra vụ thảm sát người hâm mộ âm nhạc ở Las Vegas. Một lần nữa sau khi một tay súng giết hàng loạt người tại câu lạc bộ đêm ở Orlando.
Bạo lực súng đạn - điều từng khiến cả đất nước báo động và tranh cãi kịch liệt – nay càng trở nên đáng sợ hơn vì nó đã trở thành một điều bình thường. Tổng thống Donald Trump đã gửi lời chia buồn chân thành nhưng không rõ ông có thay đổi chính sách gì không. Ông nói: “Chúng ta thực sự đã làm rất nhiều nhưng có lẽ cần phải làm nhiều hơn nữa. Chúng ta phải ngăn chặn điều này. Điều này đã diễn ra ở nước chúng ta hàng năm, hàng năm nay rồi. Chúng ta phải ngăn chặn điều này”.
Tuy nhiên, tất cả chỉ có vậy. Trong bài diễn văn với người dân toàn quốc từ Nhà Trắng ngày 5/8 sau hai vụ xả súng kinh hoàng tại Texas và Ohio, Tổng thống Trump đã không đề xuất thay đổi chính sách hay dự luật nào.
Đỗ lỗi cho nhau
Tổng thống Trump đổ lỗi cho phe Dân chủ. Phe Dân chủ đồng loạt đổ lỗi cho Tổng thống Trump và cho rằng việc ông chấp nhận những người theo tư tưởng chủ nghĩa dân tộc người da trắng thượng đẳng đã tạo điều kiện cho sự thù hằn sinh sôi và bộc phát ở nơi công cộng.
Trên kênh ABC sáng 4/8, quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney đã bảo vệ Tổng thống Trump và chỉ ra rằng xả súng hàng loạt xảy ra từ lâu trước khi ông Trump nhậm chức. Ông nói: “Căn bệnh ung thư này, sự khó khăn mà cả nước chúng ta đối mặt tồn tại trước chính quyền này nhiều năm nay rồi. Bạn có thể làm gì đây? Bạn phải cố gắng và chỉnh đốn xã hội? Bạn phải tìm ra lý do tại sao tại sao người ta mang súng vào chỗ đông người”. Ông cho rằng điểm cốt lõi nằm ở người dùng súng, chứ không phải là súng ống.
Thượng nghị sĩ Kamali Harris khẳng định nếu làm tổng thống, bà sẽ cho Quốc hội 100 ngày để thông qua dự luật kiểm soát súng đạn chặt chẽ, nếu không bà sẽ dùng quyền hành pháp để thắt chặt quy định về kiểm tra lý lịch người mua súng, cho phép Cơ quan Quản lý rượu bia, thuốc lá, vũ khí và chất nổ LB Mỹ (ATF) tước giấy phép của một số người bán súng, cấm nhập súng vũ khí tấn công.
Súng đạn vẫn là vấn đề chính trị
Tổng thống Trump cũng làm điều tương tự sau vụ xả súng hàng loạt ở Las Vegas năm 2017. Ông đã sử dụng quyền hành pháp để cấm thiết bị độ súng được sử dụng trong vụ xả súng đó.
Tuy nhiên, Tu chính án thứ hai trong Hiến pháp về quyền sở hữu súng của người Mỹ vẫn là một vấn đề chính trị.
Trong một cuộc mít tinh hồi tháng 7 ở Bắc Carolina, ông Trump đã nói với đám đông người ủng hộ rằng họ nên sợ hãi phe Dân chủ vì “họ định tước súng khỏi tay các bạn”.
Theo Tổng thống Trump, cần phải cho giáo viên và những người khác mang súng để bảo vệ sinh viên, rằng luật hạn chế súng đạn sẽ khiến cho mọi người bất lực trước những kẻ xả súng. Ông còn bảo vệ những người Mỹ muốn sở hữu vũ khí tấn công bán tự động để giải trí: “Với một số người, đó là giải trí. Họ ra ngoài và bắn. Họ tới trường bắn và họ có rất nhiều niềm vui”.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, cho rằng cần áp dụng luật “cờ đỏ” ở nhiều bang hơn. Luật này cho phép gia đình và người quen có thể “gắn cờ” báo hiệu nguy hiểm với giới chức về một người mà họ cho là không nên mua súng. Theo luật này, những người bị xác định là gây nguy hiểm tới an ninh cộng đồng sẽ không được phép tiếp cận các loại vũ khí hoặc bị tước vũ khí ngay khi phát hiện.
Texas và Ohio – nơi xảy ra hai vụ xả súng cuối tuần – không có luật như vậy. California thì có và là bang có luật súng đạn nghiêm khắc nhất Mỹ. Thực tế vụ xả súng ở lễ hội tại Bắc California xảy ra quá gần vụ xả súng tại Texas cho thấy luật súng đạn có ảnh hưởng hạn chế.
Đây là những bang đi đầu trong giải quyết bạo lực súng đạn. Trong khi đó, trên khắp nước Mỹ, luật súng đạn thường là chắp vá và mỗi bang một khác. Chỉ có 9 bang và thủ đô Washington cấm ổ đạn kích thước lớn. Trung tâm Luật Giffords nhằm ngăn chặn bạo lực súng đạn thống kê rằng các bang gồm California, Colorado, Connecticut, Hawaii, Maryland, Massachusetts, New Jersey, New York, Vermont và thủ đô Washington DC là những nơi có luật cấm mua bán, sở hữu và/hoặc sản xuất loại ổ đạn to. Luật khác nhau ở từng bang và xác định băng đạn to là có thể chứa 10 đến 15 viên đạn.
Xem đoạn video trích xuất từ máy quay an ninh cho thấy khoảnh khắc xảy ra vụ tấn công. (Nguồn: CNN)
Quốc hội đã thông qua một số biện pháp nhỏ trong những năm gần đây. Năm 2018, các nghị sĩ đã thông qua một dự luật khuyến khích giới chức liên bang và bang báo cáo nhiều dữ liệu hơn cho “Fix NICS” - hệ thống kiểm tra lý lịch người mua súng đạn ở Mỹ. Dự luật không tăng cường kiểm tra lý lịch nhưng yêu cầu các cơ quan liên bang chịu trách nhiệm nếu họ không báo cáo con số cho hệ thống trên.
Tuy nhiên, các nghị sĩ đã không thông qua dự luật nào để hạn chế vũ khí bán tự động từ năm 1994 – năm Quốc hội thông qua Đạo luật thực thi pháp luật và kiểm soát tội phạm bạo lực. Đạo luật này cấm sản xuất, chuyển giao hoặc sở hữu vũ khí tấn công bán tự động trong phần lớn trường hợp và hết hạn năm 2004. Hạ viện đã thông qua một dự luật kiểm soát súng đạn sâu rộng và được lưỡng viện ủng hộ hồi tháng 2 năm nay để yêu cầu kiểm tra lý lịch toàn diện người mua súng, nhưng Thượng viện chưa cân nhắc dự luật này.
Các nghị sĩ Dân chủ ngày 4/8 đã yêu cầu lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đề nghị các thượng nghị sĩ cân nhắc các biện pháp kiểm soát súng đạn. Văn phòng của ông McConnell chưa bình luận gì về điều trên.
Hiện chưa rõ một hệ thống kiểm tra lý lịch mới có thể “bắt” được toàn bộ hay bất kỳ một tay súng bị tình nghi nào trước khi họ ra tay hay không, nhưng hệ thống này sẽ phá vỡ tình trạng “ngủ say” hàng chục năm qua tại Quốc hội – nơi các nhà lập pháp Mỹ gần như không làm gì để hạn chế tình trạng bạo lực súng đạn. Cho tới khi Quốc hội Mỹ có thể làm được điều gì đó thì người Mỹ sẽ phải chấp nhận thực thế là xả súng hàng loạt sẽ là một phần cuộc sống.