Một tỷ liều vaccine cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong năm 2022
Giám đốc CDC Mỹ khu vực Đông Nam Á nói Mỹ phối hợp với Ấn Độ, Nhật và Australia để sản xuất ít nhất 1 tỷ liều vaccine Covid-19 cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đến cuối năm 2022.
“Tôi rất vinh dự khi được lựa chọn là giám đốc đầu tiên của văn phòng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) khu vực Đông Nam Á”, bác sĩ MacArthur chia sẻ với Zing. Trong sự nghiệp 23 năm với CDC Mỹ, ông đã dành gần nửa quãng thời gian ấy để cải thiện an ninh y tế cho Đông Nam Á.
Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á được Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris làm lễ khai trương tại Hà Nội vào ngày 25/8. Đây cũng là một trong bốn văn phòng cấp khu vực của CDC Mỹ trên toàn thế giới.
“Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Đông Nam Á khi còn là một sinh viên y khoa được cử làm việc tại một bệnh viện ở nông thôn, gần biên giới giữa Thái Lan và Myanmar cách đây hơn 30 năm”, ông kể. “Chuyến công tác Việt Nam đầu tiên của tôi khi làm việc tại CDC là vào năm 1999”.
“Với vai trò lãnh đạo của mình, tôi sẽ vận động trụ sở CDC để dành những hỗ trợ kỹ thuật và tài chính liên tục cho cuộc chiến chống Covid-19 tại Đông Nam Á”, vị giám đốc khẳng định.
Tầm nhìn cho khu vực hậu đại dịch
- Tại sao trong nhiều khu vực trên thế giới, Đông Nam Á lại được chọn làm nơi đặt văn phòng khu vực thứ tư của CDC Mỹ?
- Bác sĩ MacArthur: Việc CDC Mỹ chọn Đông Nam Á là một trong những nơi đầu tiên đặt văn phòng khu vực xuất phát từ nhiều lý do. Đây là một phần rất quan trọng của thế giới xét từ góc độ các bệnh truyền nhiễm mới nổi, với nguy cơ trở thành đại dịch.
Các quốc gia đều hiểu rõ vấn đề này, và có lịch sử hợp tác lâu dài với CDC Mỹ trong nỗ lực tăng cường năng lực y tế công cộng chủ chốt để phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa về sức khỏe.
Đông Nam Á cũng được công nhận là dẫn đầu về an ninh y tế, với nhiều nước đóng vai trò quan trọng trong Chương trình nghị sự An ninh Y tế Toàn cầu (GHSA).
(GHSA được khởi xướng vào tháng 2/2014 nhằm phản ứng trước mối đe dọa toàn cầu mà bệnh truyền nhiễm tạo ra đối với thế giới đang ngày càng trở nên liên kết - PV).
Chính phủ Mỹ có truyền thống hợp tác vững mạnh với ASEAN qua nhiều thế hệ lãnh đạo.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris mới đây đã tuyên bố tại buổi lễ ra mắt văn phòng CDC Mỹ khu vực Đông Nam Á rằng việc khai trương văn phòng là “một minh chứng thực sự rõ ràng cho cam kết của chúng tôi đối với khu vực này” và “Mỹ vẫn kiên định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, bao gồm cả an ninh y tế khu vực”.
Những lời phát biểu trên của phó tổng thống cho thấy cam kết hợp tác liên tục nhằm nâng cao năng lực an ninh y tế trong khu vực.
- Tầm nhìn của ông cho văn phòng CDC Mỹ khu vực Đông Nam Á là gì?
- Bác sĩ MacArthur: Khi chúng ta chuyển sang giai đoạn thế giới hậu đại dịch, tôi nhận thấy văn phòng khu vực sẽ phát huy vai trò tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh y tế của CDC Mỹ với các chính phủ trong khu vực, các tổ chức đa phương và phi chính phủ, các đối tác nghiên cứu và doanh nghiệp nhằm hướng tới tạo dựng một khu vực an toàn hơn và mạnh khỏe hơn.
Ưu tiên hàng đầu của tôi là phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để có thể chấm dứt đại dịch Covid-19.
Ông John MacArthur, giám đốc văn phòng CDC Mỹ khu vực Đông Nam Á
- Ưu tiên đầu tiên của ông trên cương vị giám đốc văn phòng CDC Mỹ khu vực Đông Nam Á là gì? Điều gì cần phải được thực hiện ngay lập tức?
- Bác sĩ MacArthur: Tuy Đông Nam Á có rất nhiều vấn đề nổi cộm về y tế công cộng cần được giải quyết, ưu tiên hàng đầu của tôi trên cương vị giám đốc khu vực là phối hợp chặt chẽ với các văn phòng CDC Mỹ quốc gia của chúng tôi, với chính phủ các nước sở tại trong khu vực, với cơ quan chủ quản CDC Mỹ và các đối tác khác như WHO và ASEAN, để có thể chấm dứt đại dịch Covid-19.
Với vai trò lãnh đạo của mình, tôi sẽ vận động trụ sở CDC Mỹ để có được những hỗ trợ kỹ thuật và tài chính liên tục cho cuộc chiến chống Covid-19 tại Đông Nam Á.
Hợp tác y tế Việt - Mỹ
- Văn phòng CDC Mỹ khu vực Đông Nam Á có thể làm được điều gì trên phương diện hợp tác y tế Việt - Mỹ?
- Bác sĩ MacArthur: Hợp tác y tế giữa Mỹ và Việt Nam rất vững mạnh. CDC Mỹ lần đầu tiên cử chuyên gia đến Việt Nam vào năm 1950 để giúp kiểm soát bệnh sốt rét tại các tỉnh phía bắc.
Văn phòng quốc gia của CDC Mỹ được thành lập năm 1998 với nhiệm vụ hỗ trợ Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ Y tế Công cộng tại Đại học Y tế Công cộng Hà Nội.
Kể từ đó, hai bên hợp tác chặt chẽ để giải quyết nhiều vấn đề y tế quan trọng mà người dân Việt Nam phải ứng phó như SARS, tai nạn giao thông đường bộ, HIV/AIDS, bệnh lao, sốt rét, cúm mùa, Covid-19 và hơn thế nữa.
Mặc dù những trọng trách này sẽ tiếp tục thuộc về các lãnh đạo văn phòng quốc gia CDC Mỹ tại Việt Nam, chúng tôi biết rằng dịch bệnh không phân biệt biên giới. Và để có thể đảm bảo cho một đất nước Việt Nam an toàn và mạnh khỏe, chúng ta cần một khu vực và một thế giới cũng an toàn và mạnh khỏe.
Những thành công của Việt Nam sẽ góp phần đẩy mạnh an ninh y tế chung trong khu vực.
Ông John MacArthur, giám đốc văn phòng CDC Mỹ khu vực Đông Nam Á
Trong 20 năm qua, Việt Nam không ngừng tăng cường đảm nhận vai trò dẫn dắt khu vực và thế giới trong lĩnh vực an ninh y tế. Gần đây, Việt Nam giữ vai trò dẫn dắt một trong các gói Hành động của GHSA.
Phạm vi hoạt động địa lý rộng của văn phòng CDC Mỹ khu vực Đông Nam Á cho phép chúng tôi hỗ trợ cho vai trò chia sẻ chuyên môn và những bài học kinh nghiệm của Việt Nam đến với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á.
Thông qua sứ mệnh này, những thành công của Việt Nam sẽ góp phần đẩy mạnh an ninh y tế chung trong khu vực.
- Văn phòng khu vực mới có thể đem lại điều gì cho các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam?
- Bác sĩ MacArthur: Có một điều quan trọng cần nhấn mạnh đó là tại Đông Nam Á, văn phòng quốc gia của CDC Mỹ sẽ tiếp tục giữ vai trò đối tác song phương chủ chốt với chính phủ nước sở tại, ví dụ như Việt Nam.
Đội ngũ nhân sự CDC Mỹ tại văn phòng quốc gia sẽ duy trì sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành và các đối tác khác để triển khai các hoạt động y tế công cộng.
Văn phòng khu vực Đông Nam Á, dưới sự điều phối trực tiếp của Văn phòng Giám đốc CDC Mỹ, có nhiệm vụ tham gia các hoạt động cấp cao trên quy mô khu vực trong việc hoạch định các chính sách và chiến lược y tế toàn cầu của CDC Mỹ.
Những chính sách và chiến lược đó góp phần đảm bảo có được nguồn lực để hỗ trợ hoạt động của các văn phòng quốc gia.
Văn phòng khu vực cũng sẽ phối hợp, điều phối công việc của các chuyên gia CDC Mỹ để đảm bảo ngày càng có nhiều quốc gia trong khối ASEAN được hưởng lợi từ các cơ hội về phát triển năng lực có được, thông qua cơ chế tiếp cận khu vực.
20 năm qua, Việt Nam không ngừng tăng cường đảm nhận vai trò dẫn dắt khu vực và thế giới trong lĩnh vực an ninh y tế.
Ông John MacArthur, giám đốc văn phòng CDC Mỹ khu vực Đông Nam Á
Việt Nam hết lòng ủng hộ ý tưởng thành lập văn phòng CDC Mỹ khu vực Đông Nam Á tại đây, một phần xuất phát từ lịch sử hợp tác lâu bền về các vấn đề y tế quan trọng đối với không chỉ riêng người dân Việt Nam mà cả khu vực.
Chúng tôi rất cảm ơn Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã tham dự lễ khai trương văn phòng cùng Phó tổng thống Kamala Harris và Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Xavier Becerra.
Điều này cho thấy cam kết cấp cao giữa chính phủ hai nước chúng ta về hợp tác trong các vấn đề an ninh y tế quan trọng.
Một tỷ liều vaccine cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương năm 2022
- Đông Nam Á đang phải chật vật với Covid-19. Ông có sáng kiến gì trong vòng 6 tháng đầu để hỗ trợ chống dịch?
- Bác sĩ MacArthur: Trong giai đoạn đầu đại dịch, nhìn chung các nước Đông Nam Á đều đã thành công với các chiến lược ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng thông qua những biện pháp như đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách và phong tỏa cục bộ nhằm kiểm soát sự lây lan của virus.
Tuy nhiên, giống như rất nhiều quốc gia khác trên thế giới, khu vực này đã và đang đối diện với thách thức lớn hơn từ biến chủng Delta với khả năng lây truyền cực mạnh.
Khi các nước tiếp cận được những nguồn vaccine an toàn và hiệu quả, việc phân phối vaccine nhanh chóng, trước tiên là cho các khu vực dân cư mục tiêu và tiếp đến cho toàn bộ dân số, là rất cấp thiết để có thể kiểm soát virus, mở cửa lại nền kinh tế và trường học, đưa cuộc sống của mọi người trở lại trạng thái bình thường.
Văn phòng khu vực của chúng tôi đang làm việc với các chuyên gia về vaccine của CDC Mỹ. Những chuyên gia này sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các quốc gia trong khu vực về chương trình tiêm vaccine Covid-19, thông qua việc hỗ trợ khâu vận chuyển vaccine trong nước, hỗ trợ đánh giá cải tiến chính sách về vaccine và chương trình tiêm chủng, nâng cao năng lực miễn dịch tại các quốc gia, và tăng cường hiểu biết khoa học chung đối với việc tiêm chủng ngăn ngừa Covid-19.
- Liệu chúng ta sẽ thấy thêm nhiều vaccine ngừa Covid-19 hoặc sự hỗ trợ khác được chuyển tới Đông Nam Á hay không?
- Bác sĩ MacArthur: Cho đến nay, Mỹ đã trao tặng trên 115 triệu liều vaccine Covid-19 cho toàn cầu, trong đó 23 triệu dành cho ASEAN và 6 triệu cho Việt Nam.
Chúng tôi bắt đầu chuyển những liều vaccine đầu tiên theo cam kết 500 triệu liều Pfizer, và đang phối hợp với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia để sản xuất ít nhất một tỷ liều vaccine Covid-19 cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đến cuối năm 2022.
CDC Mỹ không tham gia vào quy trình quyết định địa điểm và số lượng vaccine do chính phủ Mỹ trao tặng. Tuy nhiên, chúng tôi có nhiệm vụ đảm bảo rằng đội ngũ lãnh đạo về công tác vaccine Covid-19 của chính phủ Mỹ được cung cấp đầy đủ thông tin, để hiểu được mức độ lây lan dịch bệnh và tình hình tiếp cận vaccine trong khu vực.
Hiện nay, bên cạnh chương trình y tế công cộng thường lệ do các văn phòng song phương hỗ trợ thực hiện tại các quốc gia trong khu vực, CDC Mỹ cũng đang phối hợp triển khai nhiều hoạt động khác nhau về ứng phó với Covid-19, dựa trên các nguồn ngân sách được thông qua bởi Quốc hội Mỹ dành cho nỗ lực ứng phó khẩn cấp với đại dịch.
Văn phòng khu vực Đông Nam Á đang làm việc chặt chẽ với đội ngũ lãnh đạo CDC Mỹ ở Atlanta, Mỹ để lập kế hoạch phân bổ ngân sách mới đây nhất trong khuôn khổ "Kế hoạch giải cứu nước Mỹ - American Rescue Plan”.