Một vài cảm nghĩ và góp ý sau khi đọc Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XVIII Đảng bộ thành phố Hà Nội

PGS. TS Nguyễn Chí Mỳ (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy) không chỉ là cán bộ lãnh đạo am hiểu sâu sắc về Hà Nội, mà còn là một nhà khoa học chính trị giàu kinh nghiệm, đã có những nhận xét sâu sắc và góp ý hết sức trí tuệ vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XVIII Đảng bộ thành phố. Báo Hànôịmới trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

1. Về mặt phương pháp luận

Khi đọc Báo cáo chính trị, về mặt phương pháp luận, cái mới của Báo cáo thường được đánh giá ở ba phương diện: (1) So với Báo cáo của Đại hội trước có gì mới không? (2) Có đáp ứng được yêu cầu phát triển của thực tiễn đang diễn ra không? (3) Về kết cấu, diễn đạt có chặt chẽ, logic, khoa học, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ kiểm tra trong cách thức khi đưa nghị quyết vào cuộc sống không?

Có thể nhận thấy, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XVIII Đảng bộ thành phố đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học. Văn phong trong sáng, có tính khái quát cao, cô đọng, súc tích, giàu tính thực tiễn và lý luận sâu sắc, thể hiện tầm tư duy trí tuệ và khát vọng phát triển của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội, tiên phong cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Báo cáo đã đáp ứng được cả ba phương diện trên.

2. Về chủ đề và phương châm Đại hội

Chủ đề Đại hội đã cập nhật được chủ trương, tư tưởng mới của Trung ương, đặc biệt là dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng vào thực tiễn, đặc thù Hà Nội. Chủ đề đã có sức truyền cảm, hiệu triệu thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và quân dân Hà Nội.

Để hoàn thiện thêm, có thể bổ sung hai từ "gương mẫu" sau từ "đoàn kết". Đoàn kết, gương mẫu đã trở thành truyền thống của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu. Cũng nên thêm hai từ "văn hiến" trước "văn minh, hiện đại". Không ngại lặp từ "văn hiến" ở đầu chủ đề với ý nghĩa Hà Nội là mảnh đất hàng ngàn năm đã hội tụ, kết tinh tỏa sáng văn hóa và hiền tài dân tộc. Còn "văn hiến" trước "văn minh, hiện đại" là tiếp tục xây dựng, phát huy văn hóa, hiền tài trong thực tiễn mới hiện nay và đã được khẳng định ở Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2045. Cũng nên thêm 2 từ "phồn vinh" sau từ "văn minh".

Như vậy, chủ đề của Đại hội là: "Phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng; đoàn kết, gương mẫu, bản lĩnh, sáng tạo, tiên phong vươn mình cùng dân tộc; xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc".

Đối với phương châm của Đại hội “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đột phá - Phát triển”, từ "Đột phá" là mới, hay và phù hợp, đáp ứng quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội trong nhiệm kỳ 2025 - 2030.

3. Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII và thành tựu, tiềm lực, vị thế, uy tín của Thủ đô sau 40 năm đổi mới

Đây là phần thứ nhất (I) trong kết cấu 3 phần (I, II, III) logic, chặt chẽ, khoa học của Báo cáo.

(1) Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII đã được viết ngắn gọn, súc tích, toàn diện và đã làm nổi bật các điểm nhấn ở từng lĩnh vực. Cách thể hiện đã phản ánh tính sinh động, phong phú của thực tiễn, song vẫn bảo đảm được “tính khách quan của sự xem xét”. Tôi chỉ xin góp thêm ở một vài ý.

1.1. Quyết liệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh (từ cuối cột 1, trang A) ở các tiểu mục.

(2) Công tác tổ chức xây dựng Đảng được chú trọng, (nên thêm) công tác cán bộ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, có nhiều điểm mới (cột 3, trang A). Bởi xây dựng Đảng, tại Đại hội XIII của Đảng có cái mới đã được xác định: Xây dựng Đảng phải mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

(3) Công tác kiểm tra, giám sát..., kỷ luật Đảng (cột 4, trang A), nên có một vài số liệu tiêu biểu.

(6) Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, có thể khái quát để ngắn gọn hơn.

2. Nguyên nhân của những thành tựu (cột 5 trang B)

2.2. Nguyên nhân chủ quan

Đề nghị thêm: Quán triệt, chấp hành nghiêm túc, sáng tạo các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Trung ương, cụ thể hóa vào đặc thù Hà Nội, sau cụm từ "Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố luôn đoàn kết, bản lĩnh, trách nhiệm".

3. Hạn chế và nguyên nhân (cuối cột 6, trang B, cột 1, 2 trang C)

Nội dung này đã viết rất thẳng thắn, trung thực, thuyết phục. Thiết nghĩ, chỉ có như vậy, chúng ta mới đưa ra được những giải pháp để quyết tâm khắc phục.

4. Bài học kinh nghiệm (nửa cuối cột 2, đầu cột 3 trang C)

Bài học 4, có thể ngắn gọn hơn. Nên chăng: Bốn là, từ thực tiễn... đã chỉ đạo tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc; xử lý linh hoạt, sáng tạo những vấn đề phát sinh là đã khái quát đủ.

5. Thành tựu, tiềm lực, vị thế, uy tín của Thủ đô Hà Nội sau 40 năm đổi mới (cột 3 trang C)

Bài học kinh nghiệm qua 40 năm đổi mới nên nhấn mạnh là bài học mang tính lý luận.

4. Phần thứ hai (II), quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, khâu đột phá phát triển Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới

3.1. Mục tiêu tổng quát của Thủ đô Hà Nội (cột 5 trang C)

Tầm nhìn đến năm 2045 xác định Thủ đô “có nền công nghiệp hiện đại”. Theo tôi, nên đưa lên mục tiêu đến năm 2030. Bởi dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng đã khẳng định “đến năm 2030 trở thành nước có công nghiệp hiện đại” (NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tháng 5-2025, trang 27).

3.2. Những chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030

Cách cấu trúc 4 phụ lục là rất hay, vừa rõ, vừa gọn cho Báo cáo. Tuy nhiên phụ lục 2, 3, 4, cần rà soát thêm các nguồn lực để bảo đảm cho các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, các công trình, dự án có tính khả thi cao.

Riêng những chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030, với 22 chỉ tiêu cũng chỉ chiếm khoảng 1 trang Nghị quyết, do tính chất của nó nên chuyển chỉ tiêu từ phụ lục vào Báo cáo.

6. Xác định 5 lĩnh vực ưu tiên (cột 2, 3 trang D)

Nên chăng cần khái quát hơn, ngắn gọn hơn, nhất là các lĩnh vực (1), (2), (3), (4).

5. Phần thứ ba (III), các giải pháp trọng tâm

Với 8 giải pháp trọng tâm đã bảo đảm khá toàn diện, đồng bộ để thực hiện Nghị quyết.

Nên chăng có thể cân nhắc để gọn hơn, ngắn hơn ở giải pháp 1, 2, 8.

8.1 (cột 1 trang F) có thể gộp vào 8.2 (8.1 và 8.2 thành 8.1 sẽ gọn hơn và logic hơn).

(2) Tăng cường xây dựng Đảng về tổ chức. Nên thêm "cán bộ" sau "tổ chức".

Đại hội XIII đã khẳng định xây dựng Đảng mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Mục (1) đã đề xuất công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức thì mục (2) nên là tăng cường xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ, mới đầy đủ xây dựng Đảng mạnh cả 5 lĩnh vực: Chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ như đã được khẳng định tại Đại hội XIII của Đảng.

* * *

Trên đây là một số ý kiến tham góp để các đồng chí tham khảo. Tôi tin rằng, cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội sau khi đọc bản dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XVIII Đảng bộ thành phố sẽ rất phấn khởi, hoàn toàn tin tưởng với truyền thống vẻ vang của Đảng bộ và bản lĩnh, những kinh nghiệm của hơn 95 năm hoạt động của Đảng bộ, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương và sự thống nhất tư tưởng, ý chí, hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên; sự gắn bó mật thiết với nhân dân, sự đồng thuận xã hội, công cuộc đổi mới chắc chắn sẽ giành được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa, xây dựng Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/mot-vai-cam-nghi-va-gop-y-sau-khi-doc-du-thao-bao-cao-chinh-tri-trinh-dai-hoi-xviii-dang-bo-thanh-pho-ha-noi-709800.html