Một vài suy nghĩ về chiến thắng 30/4/1975 nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là một dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó là ngày chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài suốt 21 năm ở miền Nam, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Pano cổ động Kỷ niệm 50 Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Pano cổ động Kỷ niệm 50 Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng 30/4/1975: Một kỳ tích lịch sử vĩ đại

Chiến thắng ngày 30/4/1975 là kết quả của truyền thống yêu nước nồng nàn ngàn đời của dân tộc Việt Nam, được khơi dậy và dẫn dắt bởi Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời Bà Trưng, Bà Triệu đến Quang Trung, Nguyễn Huệ,… người Việt Nam đã nhiều lần đứng lên chống ngoại xâm, khẳng định quyền sống, quyền làm chủ vận mệnh dân tộc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tiếp nối truyền thống bất khuất ấy, khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chiến thắng 30/4/1975 là một thắng lợi vĩ đại, không thể tách rời khỏi vai trò lãnh đạo trung tâm, xuyên suốt và quyết đoán của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng là hạt nhân tổ chức, là người cầm lái kiên định đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn thử thách, từ những ngày đầu kháng chiến cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trước hết, sự tài tình của Đảng thể hiện ở việc xác định đúng đắn đường lối cách mạng. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng đã kiên trì giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đường lối ấy được thể hiện sinh động qua các Nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 (1959) và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 (1973), xác định rõ con đường cách mạng miền Nam là kết hợp đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang và nổi dậy của quần chúng - tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân toàn diện và sáng tạo.

Thứ hai, Đảng đã vận dụng linh hoạt và sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Trong khi đối thủ là một cường quốc với tiềm lực quân sự, tài chính khổng lồ, Đảng đã không lựa chọn đối đầu trực tiếp bằng sức mạnh quân sự truyền thống, mà vận dụng thế mạnh của nhân dân - lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy tinh thần yêu nước làm động lực. Sự lãnh đạo của Đảng không chỉ ở tầm chiến lược, mà còn thể hiện trong từng chiến dịch cụ thể - từ Chiến dịch Tổng tiến công Mậu Thân 1968 đến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 - đều mang đậm dấu ấn lãnh đạo toàn diện, chuẩn bị kỹ lưỡng và chỉ đạo nhạy bén.

Thứ ba, sự lãnh đạo của Đảng còn thể hiện ở khả năng đoàn kết và phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Đảng đã quy tụ được mọi tầng lớp nhân dân, từ công nhân, nông dân, trí thức đến các dân tộc thiểu số, tôn giáo, kiều bào… Đảng cũng đã xây dựng được khối liên minh vững chắc giữa ba lực lượng: công - nông - trí. Đồng thời, qua mặt trận dân tộc thống nhất - tiêu biểu là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - Đảng đã tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế, gây dựng được chính nghĩa trong con mắt bạn bè năm châu.

Cuối cùng, sự lãnh đạo tài tình ấy còn được minh chứng bằng bản lĩnh chính trị kiên định trước những biến động khốc liệt của thời cuộc. Trước sự leo thang chiến tranh, việc thay đổi chiến lược quân sự của Mỹ, như: "Chiến tranh đặc biệt", "Chiến tranh cục bộ", "Việt Nam hóa chiến tranh", Đảng luôn kịp thời điều chỉnh sách lược, giữ thế chủ động chiến lược, đồng thời kiên trì đấu tranh chính trị và ngoại giao trên bàn đàm phán Paris.

Tất cả những điều đó đã làm nên một cuộc tổng tiến công thần tốc, chớp nhoáng, kết thúc bằng việc quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 - kết tinh sức mạnh của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo duy nhất và sáng suốt của Đảng.

Ý nghĩa lịch sử và thời đại của chiến thắng 30/4/1975

Chiến thắng 30/4/1975 không chỉ là thắng lợi của nghệ thuật quân sự hay chiến lược chính trị, mà trước hết và trên hết, đó là thành quả của tinh thần yêu nước nồng nàn, sự hy sinh to lớn và ý chí quật cường của hàng triệu con người bình dị - những người đã viết nên bản anh hùng ca vĩ đại bằng chính máu, nước mắt và cả sinh mạng của mình.

Trên suốt chiều dài đất nước, từ Bắc chí Nam, từ vùng đồng bằng đến miền núi, từ thành thị đến nông thôn, khắp nơi đều ghi dấu chân của những người dân yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do. Những bà mẹ tiễn con ra trận không một giọt nước mắt, những người vợ gạt nước mắt tiễn chồng, những đứa trẻ lớn lên trong bom đạn, sớm trưởng thành trong gian khó - tất cả đã làm nên một hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Câu chuyện về các Mẹ Việt Nam Anh hùng - như Mẹ Suốt, Mẹ Tơm, Mẹ Thứ… là những biểu tượng bất tử cho sự hy sinh và phẩm chất kiên cường của người phụ nữ Việt Nam thời chiến.

Hàng triệu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã băng rừng, lội suối, gùi gạo, vác đạn, mở đường Trường Sơn - tuyến vận tải huyết mạch nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam. Trên những cung đường hiểm trở, giữa mưa bom bão đạn, biết bao người đã ngã xuống mà chưa kịp biết đến một ngày đất nước thống nhất. Những tên tuổi như Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân,… đã trở thành biểu tượng cho lớp lớp thế hệ thanh niên anh hùng.

Nhân dân vùng giải phóng và các đô thị cũng anh dũng không kém. Biết bao gia đình nuôi giấu cán bộ, che chở cho lực lượng cách mạng giữa lòng đô thị, bất chấp tra tấn, tù đày. Những phong trào nổi dậy của đồng bào miền Nam - từ đấu tranh chính trị, biểu tình của học sinh, sinh viên, giới trí thức, cho đến những cuộc nổi dậy vũ trang của các lực lượng vũ trang địa phương - đã tạo thành thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, làm tiêu hao và suy yếu từng bước bộ máy tay sai của Mỹ - ngụy.

Không chỉ có sự cống hiến bằng máu xương, nhân dân còn góp sức người, sức của, của cải vật chất, lương thực, thực phẩm… để bảo đảm hậu cần cho chiến trường. Hình ảnh những đoàn người gánh gạo, khiêng súng, vượt dốc Trường Sơn; những gia đình nông dân dồn hết lúa thóc gửi ra tiền tuyến; những cụ già, em nhỏ nhường cơm sẻ áo… chính là minh chứng sinh động cho sức mạnh lòng dân - một trong những yếu tố quyết định thành bại của mọi cuộc chiến tranh.

Tinh thần quật cường của nhân dân Việt Nam còn thể hiện ở ý chí không khuất phục trước bạo lực, trước hủy diệt. Dù bom đạn kẻ thù san phẳng làng mạc, phá hoại đê điều, đốt cháy ruộng đồng, song người dân vẫn bám đất, bám làng, sản xuất trong hầm, học trong hầm, chiến đấu trong hầm. Ngay trong những thời khắc khó khăn nhất - như khi Mỹ ném bom miền Bắc, hay trong các chiến dịch lớn - ý chí "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ" vẫn là ngọn lửa bất diệt dẫn dắt toàn dân đi tới thắng lợi cuối cùng.

Chiến thắng 30/4 là thắng lợi của toàn dân tộc - một dân tộc đã chứng minh rằng không có sức mạnh nào có thể khuất phục được một dân tộc đoàn kết, có lý tưởng độc lập, có tinh thần yêu nước sâu sắc, và dám hy sinh đến cùng vì Tổ quốc. Mỗi tấc đất giành lại được là một phần xương máu của đồng bào. Mỗi thành phố, làng quê được giải phóng là một chứng tích của ý chí quật cường và lòng trung thành son sắt với lý tưởng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Chiến thắng 30/4 đã xóa bỏ chế độ thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam, xóa nhòa giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 17, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc: kỷ nguyên độc lập, thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Sự kiện 30/4/1975 cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở nhiều nước Á, Phi, Mỹ Latinh. Việt Nam trở thành biểu tượng của khát vọng độc lập, tự do, truyền cảm hứng cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Chiến thắng 30/4 để lại những bài học lớn về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, về sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, về việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, về nghệ thuật nắm bắt thời cơ chiến lược.

Ảnh: Hữu Tân - Chinhphu.vn

Ảnh: Hữu Tân - Chinhphu.vn

Một vài suy nghĩ nhân dịp 50 năm chiến thắng

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày toàn thắng 30/4/1975, đất nước Việt Nam đã thực sự bước vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của độc lập dân tộc, của thống nhất non sông và của khát vọng phát triển trong hòa bình. Chính vì thế, việc trân trọng giá trị của hòa bình và độc lập không chỉ là một thái độ tri ân lịch sử, mà còn là một nhận thức có tính bản chất và chiến lược trong hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Trước hết, cần hiểu rằng hòa bình và độc lập là thành quả vô cùng to lớn nhưng không phải tự nhiên có được. Đó là kết tinh của hàng trăm năm đấu tranh bền bỉ, của biết bao thế hệ người Việt Nam đã không tiếc máu xương để giành lấy. Lịch sử dân tộc ta là lịch sử của những cuộc kháng chiến trường kỳ chống ngoại xâm - từ giặc phương Bắc, đến thực dân Pháp, rồi đế quốc Mỹ - tất cả đều để khẳng định một chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Câu nói bất hủ ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là khẩu hiệu mà là tuyên ngôn sống, là kim chỉ nam cho cả dân tộc trong suốt thế kỷ XX.

Sự tàn khốc của chiến tranh và cái giá phải trả để giành lấy hòa bình là điều không thể nào quên. Hàng triệu người Việt Nam đã hy sinh hoặc bị thương tật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hàng chục vạn người dân mất nhà cửa, ruộng vườn. Nhiều vùng quê bị cày nát bởi bom đạn, nhiễm chất độc hóa học. Biết bao gia đình sống trong cảnh chia ly, mất mát, tang tóc. Chính vì thế, giá trị của hòa bình không thể chỉ được nhìn bằng con số tăng trưởng hay những thành tựu vật chất hôm nay, mà phải được nhìn bằng sự biết ơn và trách nhiệm đối với quá khứ đau thương ấy.

Hòa bình và độc lập không chỉ là điều kiện để phát triển, mà còn là trạng thái tâm hồn, là niềm hạnh phúc giản dị nhất mà mỗi người dân đều mong muốn: được sống, được học hành, được lao động, được mơ ước mà không còn ám ảnh bởi tiếng bom, tiếng khóc, cái chết. Với người lính từng trải qua chiến tranh, hòa bình là giấc mơ cháy bỏng. Với người mẹ từng tiễn ba con ra trận mà không ai trở về, hòa bình là nỗi khao khát muộn màng. Với những đứa trẻ sinh ra trong những năm đầu thống nhất, hòa bình là món quà vô giá của thế hệ đi trước trao lại.

Ngày nay, đất nước Việt Nam không còn bom đạn, nhưng không vì thế mà giá trị của hòa bình và độc lập có thể coi là điều hiển nhiên. Thế giới đương đại vẫn còn những điểm nóng chiến tranh, xung đột sắc tộc, tranh chấp lãnh thổ. Những diễn biến tại châu Á - Thái Bình Dương, những cuộc xung đột ở Trung Đông hay ở Đông Âu đều cho thấy hòa bình luôn là điều mong manh nếu một dân tộc không biết giữ gìn. Độc lập - xét trên bình diện hiện đại - không chỉ là tự chủ chính trị, mà còn bao gồm tự chủ về kinh tế, văn hóa, năng lực nội sinh, sự đồng thuận xã hội. Vì thế, trân trọng hòa bình hôm nay cũng là cảnh giác với những nguy cơ của ngày mai.

Trân trọng giá trị của hòa bình và độc lập còn có nghĩa là phải biến nó thành động lực phát triển. Hòa bình phải gắn với hạnh phúc, với công bằng, với tiến bộ xã hội. Độc lập không thể tách rời với tự do cá nhân, với dân chủ, với thịnh vượng bền vững. Một xã hội hòa bình thực sự không chỉ là xã hội không có tiếng súng, mà còn là xã hội nơi mỗi con người được sống tử tế, được tôn trọng, được bảo vệ bởi pháp luật và đạo lý.

Chính vì vậy, trách nhiệm của thế hệ hôm nay - đặc biệt là thế hệ trẻ - không chỉ là biết ơn những người đã làm nên chiến thắng lịch sử 30/4, mà còn phải sống xứng đáng với những giá trị mà thế hệ đi trước để lại. Mỗi công việc, mỗi đóng góp dù nhỏ bé của mỗi cá nhân - từ việc học tập chăm chỉ, lao động sáng tạo, sống có trách nhiệm, đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường - đều là cách thiết thực để giữ gìn và phát huy giá trị của hòa bình và độc lập.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, yêu nước không chỉ là sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc khi có chiến tranh, mà còn là nỗ lực học tập, lao động, đổi mới sáng tạo, làm rạng danh dân tộc trên trường quốc tế. Phát triển kinh tế phải song hành với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, đặc biệt là chủ quyền biển, đảo thiêng liêng. Chăm lo phát triển văn hóa, con người Việt Nam yêu nước, có lý tưởng sống cao đẹp, có tri thức, bản lĩnh, năng động, sáng tạo là yêu cầu cấp thiết.

Đồng thời, cần giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, bởi sự nghiệp cách mạng chỉ có thể thành công khi Đảng vững mạnh, trong sạch, gắn bó máu thịt với nhân dân. Tiếp tục kiên trì công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là yêu cầu tất yếu để đáp ứng đòi hỏi phát triển đất nước trong tình hình mới.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, những thách thức mới đặt ra đòi hỏi Đảng phải không ngừng đổi mới về tư duy lãnh đạo, phương thức cầm quyền và khả năng nắm bắt thực tiễn. Việc giữ vững vai trò lãnh đạo không thể chỉ dựa vào truyền thống lịch sử, mà cần được củng cố bằng năng lực thực tiễn, bằng sự gương mẫu trong hành động, tính minh bạch, liêm chính và tinh thần phục vụ nhân dân một cách thực chất.

Giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới cũng có nghĩa là tiếp tục xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức. Chống suy thoái, tham nhũng, quan liêu; phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội; tăng cường mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân - đó là con đường để Đảng giữ vững vai trò tiên phong và xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam.

50 năm nhìn lại, chiến thắng 30/4/1975 không chỉ là chiến thắng quân sự, mà còn là chiến thắng của lý tưởng độc lập, tự do và chủ nghĩa nhân văn sâu sắc. Chiến thắng ấy mãi mãi là niềm tự hào, là động lực để dân tộc Việt Nam vững bước trên con đường hội nhập và phát triển.

Suy ngẫm về chiến thắng 30/4, chúng ta càng thấm thía hơn giá trị của hòa bình, bởi hòa bình - dù giản dị - nhưng không bao giờ là thứ có thể xem nhẹ. Nó là món quà lớn lao, nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề mà lịch sử giao phó cho mỗi chúng ta, để chúng ta càng thêm tự hào về sức mạnh Việt Nam, đồng thời nhận thức rõ trách nhiệm lớn lao trong việc xây dựng đất nước phồn vinh, gìn giữ non sông gấm vóc mà cha ông đã dày công gây dựng.

Trương Anh Sáng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/mot-vai-suy-nghi-ve-chien-thang-3041975-nhan-ky-niem-50-nam-chien-thang-a28508.html