Một vở tuồng hay
Trong bối cảnh sân khấu hiện tại, ít ông bà bầu cải lương nào dám dựng tuồng sử Việt, vì rằng thể loại này rất tốn kém trang phục và cảnh trí nếu muốn làm đến nơi đến chốn.
Cái khó kế đến là điệu bộ và lời thoại theo lối cổ. Điều thách thức lớn nhất là tính chính xác so với sử liệu. Nhưng vở cải lương Đam mê và quyền lực (kịch bản và đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ) công diễn ngày 6-10 và 13-10 tại Nhà hát Bến Thành, TP.Hồ Chí Minh thì khác.
* Quyền lực chỉ là ảo ảnh
Trong các đời chúa Trịnh của đàng ngoài, Trịnh Sâm được xem như một người văn võ song toàn, mưu lược chính trị, giỏi quân sự. Trong chính sử, dấu ấn cuộc đời chúa Trịnh Sâm được tô đậm lúc sa vào đam mê nhan sắc của tuyên phi Đặng Thị Huệ, người vợ đã sinh cho ông con trai Trịnh Cán.
Trong Đam mê và quyền lực, dù trung thành với chi tiết này, nhưng đạo diễn có một góc nhìn khác. Chị đã đặt ra một câu hỏi đầy thách thức: Một con trai trưởng là Trịnh Tông vì ham mê ngôi chúa đã âm mưu tranh giành, vậy thì liệu có đủ tài và đức để cai quản sự nghiệp của tổ tông?
Qua lăng kính này, người xem sẽ bớt ác cảm rằng Trịnh Sâm là vì chúa đam mê tửu sắc, vì mỹ nhân mà quên mất giang san. Hành động của ông là có sự tính toán chứ không phải là quyết định khi tâm trí mù quáng.
Đặng Thị Huệ được biết đến là một người đàn bà nham hiểm, lợi dụng nhan sắc để mê hoặc chúa Trịnh Sâm. Từ đây khuynh đảo quyền lực chính trị. Tác giả vẫn xây dựng tính cách nhân vật đúng lịch sử, tuy nhiên, chị khắc họa chân dung một bà tuyên phi đam mê quyền lực nhưng một mực thủy chung với chồng.
Câu chuyện dừng lại ở cái chết đầy bi ai của Đặng Thị Huệ và phe cánh của bà cho người xem nhận ra rằng: quyền lực và tiền tài chỉ là ảo ảnh. Thế nhưng khi tâm trí con người bị nó làm mù quáng, ai cũng sẵn sàng lao vào như một con thiêu thân.
* Một tác phẩm đẹp
Nếu như trước đây Hoa Hạ đã biến Kim Vân Kiều thành một bức tranh lung linh đầy sắc màu thì ở Đam mê và quyền lực, chị vẫn thế. Trang phục đẹp, cảnh trí trang trọng phù hợp với không gian cung vua, phủ chúa. Chị sử dụng ánh sáng sân khấu rất tinh tế.
Điều đáng nói nhiều hơn trong vở diễn này là cách chọn diễn viên. Nghệ sĩ Kim Ngân (con gái cố nghệ sĩ Kim Ngọc) dù đã gây dấu ấn trong vở Dương Vân Nga nhưng vẫn còn nhiều ý kiến hoài nghi. Đến Đam mê và quyền lực, đạo diễn đã tạo mảng miếng và đất diễn phù hợp với Kim Ngân trong vai Đặng Thị Huệ. Và Kim Ngân đã ca và diễn giàu cảm xúc.
Nghệ sĩ Chí Linh trong vai Trịnh Sâm chỉ có thể nói là một sự hợp vai hoàn hảo. Chí Linh lột tả được nét mạnh mẽ của vị chúa tài ba, nét đa tình của một người chồng trong ca và diễn. Có thể xem đây là một trong những dấu ấn đặc biệt trong hành trình nghệ thuật của anh.
Ở những vai diễn còn lại của NSƯT Phượng Loan, NSƯT Lê Tứ, Tấn Beo, Điền Trung, Thanh Thảo, Gia Bảo, Bảo Trí, Chấn Cường… đều khắc họa sâu sắc tính cách từng nhân vật. Chính sự đồng đều trong ca diễn của tuyến nhân vật chính và phụ đã giúp cho Đam mê và quyền lực trở thành một vở tuồng hay, một tác phẩm đẹp.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201910/mot-vo-tuong-hay-2967446/