Một vòng khám phá Chùa Hương bến Đục
Chùa Hương hay Hương Sơn là một quần thể văn hóa - tôn giáo của Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, các ngôi đền thờ Thần...
"Chùa Hương trời điểm lại trời tô
Một bức tranh tình trải mấy thu
Xuân lại xuân đi không dấu vết
Ai về ai nhớ vẫn thơm tho"
(Tản Đà)
Hương Sơn là một quần thể di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, bao gồm cả một hệ thống hang động, đền, chùa xen lẫn trong rừng núi. Trải qua nhiều thế kỷ, sự mài mòn của thời gian, quần thể Hương Sơn vẫn giữ được nét cổ kính, linh thiêng, hùng vĩ mà mẹ thiên nhiên ban tặng, đặc biệt là các hang, động tại đây.
1. Giới thiệu về chùa Hương
Chùa Hương hay Hương Sơn là một quần thể văn hóa - tôn giáo của Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, các ngôi đền thờ Thần và các ngôi đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm của cụm đình đền chùa này là chùa Hương (tức chùa trong) nằm trong động Hương Tích ở hữu ngạn sông Đáy, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Chùa Hương gắn với tín ngưỡng thờ Phật Bà trong dân gian. Tương truyền, tại vùng “núi thiêng đất lành” này có công chúa Diệu Thiện, còn gọi là Bà Chúa Ba, tu hành theo đạo Phật 9 năm, cuối cùng thành Phật vào đúng ngày Phật đản (19 tháng 2 âm lịch).
Quần thể di tích Hương Sơn là một trong 21 Khu du lịch Quốc gia của Việt Nam và là di tích Quốc gia đặc biệt theo quyết định 2082/QĐ-TTg năm 2017. Chùa Hương có lịch sử từ thế kỷ 15, được xây dựng với quy mô chính vào khoảng cuối thế kỷ 17, sau đó bị hủy hoại trong chiến tranh Đông Dương năm 1947 rồi được phục dựng lại từ năm 1989 bởi Hòa thượng Thích Viên Thành dưới sự chỉ dạy của cố Hòa thượng Thích Thanh Chân.
Khi xưa vua Lê Thánh Tông đi tuần thú qua đây lần thứ 2 vào tháng giêng năm Đinh Hợi, niên hiệu Quang thuận thứ 8 (1467) đã đóng quân nghỉ lại ở thung lũng này và cho quân lính thổi cơm ăn, vua xem thiên văn thấy vùng này lâm vào địa phận của sao Thiên Trù, (một sao chủ về sự ăn uống và biến động) nên nhân đấy đặt tên là chùa Thiên Trù.
Ba vị Hòa thượng đời vua Lê Thánh Tông 1442 – 1497 đã tìm thấy động Hương Tích và dựng lên thảo am Thiên Trù. Kể từ đó động Hương Tích được gọi là chùa trong, Thiên Trù gọi là chùa ngoài, rồi người ta lấy tên chung cho hai nơi và cả khu vực là chùa Hương hay “Hương Thiên Bảo Sái”.
Sau thời kỳ ba vị Hòa thượng khai sáng, chùa Thiên Trù chùa Hương gián đoạn trụ trì, mãi tới niên hiệu Chính Hòa năm thứ bảy 1686 của thời vua Lê Trung Hưng. Hòa thượng Trần Đạo Viên Quang, (tương truyền cũng là một quan chức trong triều đình đã treo ấn từ quan để đi tu) mới lại tiếp tục công việc tạo dựng.
Ngày 11 tháng 2 năm Đinh Hợi 1947, thực dân Pháp đưa quân vào đây đốt phá, biến Thiên Trù thành đống gạch vụn tro tàn. Năm 1948, giặc lại vào đốt phá lần nữa, rồi năm 1950 quân Pháp lại cho máy bay thả bom khiến cho cao chất ngất mấy tòa cổ sái của Thiên Trù bị san phẳng. Dấu vết xưa của Thiên Trù hiện nay chỉ còn lại vườn Tháp, trong đó có Bảo Tháp Viên Công, một công trình nghệ thuật đất nung của thế kỷ thứ 17 và cây Thiên Thủy Tháp.
Năm 1951, Hòa thượng Thanh Chân đã cho dựng lên từ đống tro tàn đổ nát 6 gian nhà tranh để có nơi tu hành và nhang khói.
Năm 1989, dưới sự trụ trì của cố Thượng tọa Thích Viên Thành, Ban xây dựng Chùa Hương đã khởi công tái thiết lại chùa Thiên Trù đến năm 1991 thì khánh thành.
Năm 1994, cổng Nam Thiên Môn cũng được hoàn thành, đứng sừng sững giữa núi rừng Hương Sơn. Những năm sau này, tiếp nối Tông phong Hương Tích, Thượng tọa Thích Minh Hiền - trụ trì đời thứ 12- mở mang xây dựng thêm nhiều công trình mới, để đến ngày nay, chúng ta đến đây được chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc nguy nga, hoành tráng, rất đẹp.
2. Kiến trúc chùa Hương
Được bao quanh bởi thung lũng suối Yến, cả quần thể chùa Hương gồm có chùa ngoài và chùa trong. Chùa Ngoài hay còn được gọi là chùa Trò, với tam quan được cất trên khoảng sân rộng lớn và tháp chuông được dựng ở sân thứ ba.
Nếu như chùa Ngoài được cải tạo dưới bàn tay của con người, thì chùa Trong nằm trong động Hương Tích là tác phẩm tuyệt diệu của tạo hóa với những hang động cổ kỳ vĩ đẹp lay động lòng người. Đường lên thăm động Hương Tích du khách cần phải đi qua các bậc đá cheo leo, dân gian quan niệm rằng, có khổ ải mới đến được chân phương. Vì vậy nơi đây chưa bao giờ vì sự khó khăn của địa hình mà cản trở bước chân của các tín đồ đến đây hành hương.
Động Hương Tích khi xưa còn là nơi vua chúa thường hay lui tới vãn cảnh, năm 1770 Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm đã lưu lại nơi đây 5 chữ Hán “Nam thiên đệ nhất động”, từ đó danh xưng này được lưu truyền cho đến ngày hôm nay.
Bến Đục chùa Hương
Điểm xuất phát đầu tiên của chuyến hành hương là bến Đục. Việc đi thuyền trên Suối Yến từ bến Đục mang đến một trải nghiệm đặc biệt và trở thành nguồn truyền cảm hứng cho nhiều nhà thơ nổi tiếng sáng tác nên những bài thơ lãng mạn đi vào lòng người.
Suối Yến chùa Hương
Từ trên thuyền chèo dọc Suối Yến, Phật tử có thể dễ dàng quan sát bên trái là núi Phượng Hoàng và núi Đôi Chèo có hình dáng giống một con trăn Ấn Độ. Núi Ngũ Nhạc và đền Trình nằm về phía bên phải, là địa điểm Phật tử thường dừng chân để thắp hương cầu nguyện với Thần Núi.
Đền Trình chùa Hương
Đền Thượng Quan, còn gọi là Đền Trình, nằm cách bến Đục khoảng 300m và là điểm dừng chân đầu tiên trên hành trình đến chùa Hương. Đền được xây dựng ngay dưới chân núi Ngũ Nhạc. Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp vào thế kỷ 20, đền đã bị phá hủy nghiêm trọng và được phục dựng lại vào năm 1992.
Chùa Thiên Trù
Sau khi thuyền của bạn cập bến, điểm đến đầu tiên bạn sẽ ghé thăm là chùa Thiên Trù, còn được gọi là chùa Ngoài hoặc bếp trời. Đây là một trong những địa điểm quan trọng của khu phức hợp, cũng như đóng vai trò là nơi tổ chức lễ khai mạc của lễ hội chùa Hương. Bên cạnh giá trị tôn giáo và kiến trúc độc đáo, chùa Thiên Trù còn có ngôi Bảo tháp Viên Công, nơi an táng người đã lập nên ngôi chùa này - thiền sư Viên Quang.
Động Long Vân
Từ bến Long Vân, cần phải leo lên độ cao khoảng 150m để đến được chùa Long Vân, sau đó tiếp tục đi một đoạn qua eo núi nữa là sẽ tới động Long Vân. Động Long Vân có không gian rộng rãi, mát mẻ và thoáng đãng.
Động Tuyết Sơn
Tuy động nằm giữa núi nhưng đường đi đến đây lại khá dễ dàng. Động Tuyết Sơn gây ấn tượng với du khách khi sở hữu nhiều nhũ đá mang hình thù độc đáo, quyến rũ lạ thường.
Động Hương Tích
Động Hương Tích là điểm đến chính khi tới quần thể chùa Hương bởi nơi đây có “Chùa trong” hay còn gọi là chùa Hương. Nhìn từ xa, hang động có hình dáng giống như một con rồng đang mở miệng. Bên trong chùa, du khách sẽ được ngắm nhìn nhiều bức tượng Phật, Quán Thế Âm và các vị thần Phật khác được chế tác từ đá xanh, trong đó tượng Phật Bà Quan Âm là ấn tượng nhất.
Động Hương Tích còn có nhiều nhũ đá và măng đá tự nhiên. Sau nhiều năm, một số nhũ đá đã trở nên nhẵn nhụi. Một số người tin rằng nếu được sờ và xoa vào, những điều may mắn và phép màu sẽ đến với cuộc sống của họ.
Chùa Bảo Đài
Chùa có vị trí nằm ngay dưới chân núi, được thiết kế theo phong cách kiến trúc nhà Nguyễn đặc trưng.
Chùa Giải Oan
Chùa được xây dựng trên con đường đi đến động Hương Tích, chỉ cách tầm 2,5km trên núi Long Tuyền. Ngắm nhìn chùa, bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp cổ kính, hoài niệm rất bình yên.
Chùa Thanh Sơn
Chùa Thanh Sơn có cửa vào từ cả hai phía sông và núi, tạo ra một bức tranh thiên nhiên đẹp hùng vĩ. Đây là một trong những ngôi chùa thể hiện nét đặc trưng của tín ngưỡng Việt Nam.
Hang Sũng Sàm
Hang Sũng Sàm nằm ở độ cao khoảng 100m, chiều rộng trung bình 15m và cửa hang hướng về phía Tây Nam.
Chùa Hinh Bồng
Được xây dựng từ năm 1932, chùa Hinh Bồng cũng được xem là một trong những thắng cảnh nổi tiếng ở Hương Sơn và là điểm đến thú vị của tuyến Hương Tích. Đường lên động khá dốc và uốn khúc như thử thách lòng kiên trì của những người mộ đạo. Do vậy, số lượng người tới động cũng ít hơn. Bên trong động thu hút bởi những nhũ đá kỳ vĩ tựa những chiếc đèn chùm sống động.
3. Kết luận
Với nét đẹp huyền bí, hoang sơ cùng yếu tố tâm linh đặc sắc, chùa Hương là điểm đến mà các phật tử không thể bỏ qua để khám phá sự đa dạng của văn hóa và tôn giáo tại đất nước Việt Nam. Nơi đây chính là chốn thanh tịnh mà người con Phật nào cũng muốn tìm về.
Tham khảo
BĐT Quân đội nhân dân: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/mua-xuan-tim-ve-chua-huong-ban-goc-765470
Wikipedia: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_H%C6%B0%C6%A1ng
Website chùa Hương: https://chuahuong.org.vn/
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/mot-vong-kham-pha-chua-huong-ben-duc.html